VIỆT NAM - Đó là tố cáo của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp Hội Dệt May Việt Nam khi đề cập đến “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng.”
Các doanh nghiệp dệt may khốn khổ vì quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong hàng chục năm nhưng các ngành hữu trách không muốn bỏ. (Hình: TBKTSG)
“Kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng” là một chuỗi những hoạt động của các ngành hữu trách được thực hiện song song cùng với hải quan để hoạt động xuất nhập cảng không gây ra những hậu quả tai hại cho sức khỏe, môi trường, kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Trên thực tế, “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng” là ác mộng với các doanh nghiệp có sản phẩm cần xuất cảng hay nhập cảng. Những quy định của các bộ hữu trách đã khiến thủ tục xuất nhập cảng trở thành hết sức nhiêu khê, chi phí hết sức lớn, mất cơ hội kinh doanh và các doanh nghiệp bị đẩy vào thế phải lót tay cho xong việc.
Trước sự rên xiết của doanh nghiệp và thực tế cho thấy, hoạt động của doanh giới càng ngày càng thu hẹp vừa vì kiệt sức, vừa vì chán chường, năm ngoái, chính phủ Việt Nam yêu cầu 13 bộ tham gia “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng” phải sửa đổi 87 văn bản quy phạm pháp luật. Thời hạn sửa đổi là trong quý 4 năm 2015. Chỉ một số rất ít văn bản quy phạm pháp luật được phép kéo dài thời gian sửa đổi cho đến quý 1 và quý 2 năm nay.
Mục tiêu của việc sửa đổi là trong năm 2016, giảm thời gian làm thủ tục xuất cảng xuống còn 10 ngày và giảm thời gian làm thủ tục nhập cảng xuống còn 12 ngày. Đến năm 2020, thời gian làm thủ tục xuất nhập cảng phải dưới 5 ngày.
Từ đó đến nay đã có cả trăm hội thảo, hội nghị được tổ chức để bàn về “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng.” Thủ tục đối với hoạt động xuất nhập cảng không những không khá hơn mà còn tồi hơn.
Chẳng hạn, năm 2009, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành một thông tư (Thông Tư 32), buộc các doanh nghiệp muốn nhập vải phải trả chi phí giám định formaldehyde là hai triệu đồng/lần. Sau khi có yêu cầu chấn chỉnh “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng,” Bộ Công Thương Việt Nam ban hành Thông Tư 37 để sửa Thông Tư 32. Kết quả là thủ tục rườm rà hơn, chi phí và thời gian đều mất nhiều hơn.
Hoặc trước đây, chi phí kiểm dịch thực vật cho mỗi container bông nhập cảng làm nguyên liệu là 1 triệu đồng/mẫu, thời gian khoảng ba đến tám ngày. Sau khi có yêu cầu chấn chỉnh “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng,” Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn đã công bố dự thảo mới về kiểm dịch thực vật. Đọc xong dự thảo, ông Nguyễn Sơn, phó chủ tịch Hiệp Hội Bông Sợi Việt Nam, bảo rằng, cảm giác của ông đối với “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng” đã chuyển từ “sợ hãi” thành “thật sự kinh hoàng.”
Cũng vì vậy, tại hội thảo gần nhất về “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng,” bà Mai mới nhấn mạnh, muốn doanh nghiệp tồn tại, các hiệp định thương mại tự do tạo ra được tác dụng thật sự tích cực thì “các bộ, ngành đừng có cam kết rồi tìm cách luồn lách.”
Bà nhấn mạnh, chính phủ cứ chỉ đạo, các bộ, ngành cứ cam kết còn doanh nghiệp thì cứ lãnh đủ và cứ như vậy thì Việt Nam sẽ khó mà được công nhận là một quốc gia có kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Một viên chức tên ông Đinh Ngọc Thắng, hiện là cục phó Cục Hải Quan Sài Gòn, nói thêm rằng đã rất nhiều lần ông ta hỏi các ngành hữu trách là tại sao không công nhận chứng nhận về chất lượng của công ty ngoại quốc xuất cảng sang Việt Nam mà lô hàng nào cũng kiểm tra nhưng các ngành hữu trách không bận tâm.
Theo viên chức này thì ngành hải quan đã nhiều lần đề nghị sửa đổi nhiều điểm phi lý về “kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập cảng” nhưng không ngành nào muốn sửa đổi. Ví dụ hải quan đã đề nghị bỏ kiểm tra về y tế đối với những món quà chuyển phát nhanh mà giá trị dưới hai triệu đồng vì không tin một hộp bánh nhỏ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như lo ngại của ngành y tế nhưng không được. Cuối cùng nhiều người được tặng quà bỏ nhận quà vì thủ tục quá nhiêu khê...
Cuối tháng trước, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam từng than rằng, hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương “nghiện” kiểm tra, kiểm soát do hoạt động này “hấp dẫn,” “cai” chứng này rất khó dù mức độ thiệt hại của chứng này gây ra cho quốc gia càng lúc càng lớn! (G.Đ)
No comments:
Post a Comment