Saturday, May 7, 2016

Xin hãy chừa lại sông Hồng!

Sông Hồng. Nguồn: internet
Tôi thật sự thấy choáng váng khi đọc bài trên báo Tuổi Trẻ ngày 5/5/2016 về việc Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng thông qua chủ trương cho phép Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) đầu tư siêu dự án thủy lộ, thủy điện trên sông Hồng. Theo bài báo này, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 nhà máy thủy điện trên sông Hồng và 7 cảng, âu tàu dọc theo tuyến thủy lộ. Ngoài việc khai thác thủy điện, chủ đầu tư còn không giấu tham vọng sẽ kết nối thẳng thủy lộ với Trung Quốc để từ đây có thể tổ chức vận tải hàng hóa từ Trung Quốc ra các cảng biển VN cũng như từ các cảng biển VN tới Trung Quốc.
Bài báo trên còn cho biết rằng dự án đã được nhiều bộ và các địa phương ủng hộ. Trên VietNamNet cập nhật lúc 20:34g cùng ngày, ông Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH-ĐT) khẳng định dự án đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện này đã “nhận được sự đồng thuận khá cao”.
Công ty TNHH Xuân Thiện là một thành viên của Tập đoàn kinh tế Xuân Thành do “tỷ phú Ninh Bình” Nguyễn Đức Thuỵ (thường gọi là Bầu Thuỵ) làm Chủ tịch HĐQT. Trong phương án đề xuất với Bộ KH-ĐT, Công ty Xuân Thiện xin đầu tư dự án này theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành). Chủ đầu tư cũng công bố tổng mức đầu tư toàn dự án ước tính lên tới 24.510 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Tôi không phải là một nhà báo hay nhà khoa học nên không dám luận bàn, đánh giá về mặt chuyên môn đối với tính khả thi và hiệu quả của dự án này. Chỉ xin nêu ra đây một số suy nghĩ với tư cách một công dân có quyền quan tâm tới những vấn đề có tính sống còn của đất nước.
Sông Hồng là con sông có tầm quan trọng đặc biệt cả về vị trí địa lý, môi trường và kinh tế nông nghiệp tại vùng đồng bằng miền Bắc. Với tổng chiều dài 1149 km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam của TQ, sông đổ vào VN từ tỉnh Lào Cai và trải dài qua 8 tỉnh, thành khác với chiều dài khoảng 510 km (gồm Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định). Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm tức gần 1,5 kg phù sa trên mỗi mét khối nước. Do đặc tính này nên sông Hồng có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là việc bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở khu vực duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Không chỉ đóng góp lượng phù sa làm màu mỡ và bồi đắp đất đai, sông Hồng còn cung cấp nguồn cá bột giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vì thế, không phải tự nhiên mà sông Hồng đã từng được gọi là “sông Cái” và được coi là dòng sông có vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền văn minh lúa nước VN.
Vào ngày 2/12/2004, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận là một trong các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng cũng bao gồm cả khu Ramsar Xuân Thuỷ. Đây là khu Ramsar đầu tiên của VN và cũng là đầu tiên của Đông Nam Á, được công nhận vào năm 1989.
Xét về tiềm năng thủy điện, do lưu lượng nước bình quân hàng năm rất lớn nên nguồn thủy năng trong lưu vực sông Hồng khá dồi dào. Tuy nhiên, với đặc tính dòng chảy chính thẳng, ít gấp khúc và lượng phù sa nhiều nên việc đầu tư thuỷ điện trên sông Hồng sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế, đồng thời không đảm bảo độ bền vững của các công trình thủy điện ở đây.
Về phương diện giao thông đường thủy, hệ thống sông Hồng đứng đầu bảng trong danh sách 198 tuyến đường sông quốc gia với 541 km chiều dài trải dài gần hết các tỉnh châu thổ Bắc Bộ. Theo quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2020 của Cục Đường thủy nội địa, tuyến Lào Cai – Việt Trì – Hà Nội (từ ngã ba sông Nậm Thi về đến cảng Hà Nội) đã được quy hoạch có tổng chiều dài 365,5 km và là một trong hai tuyến vận chuyển đường thủy quan trọng nhất ở Bắc Bộ (cùng với hệ thống sông Thái Bình).
Với vị trí địa lý và tầm quan trọng về kinh tế, nông nghiệp và môi trường như vậy, sẽ thật không thể hiểu nổi nếu một doanh nghiệp tư nhân như Công ty THHH Xuân Thiện lại được Nhà nước chấp thuận cho khai thác các nguồn lợi trên sông Hồng theo hình thức BOO. Nếu được quyền sở hữu trên sông Hồng, như vậy có nghĩa là doanh nghiệp này được quyền định đoạt một con sông huyết mạch của quốc gia. Đặc biệt xét về địa chính trị, trong bối cảnh trên bộ đã có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy thẳng tới Côn Minh, việc tăng cường thêm thủy lộ tiếp tục kết nối với Trung Quốc sẽ vô cùng nguy hiểm khi chúng ta đều “mở toang cửa” cả đường sông lẫn đường bộ với “ông bạn vàng” nham hiểm. Phát triển hạ tầng để tăng cường các hoạt động giao thương vùng biên là cần thiết, nhưng đối với TQ cần hết sức cẩn trọng và cân nhắc về các yếu tố “kết nối”. Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng trong trường hợp được cho phép đầu tư theo hình thức BOO mà chủ đầu tư lại chuyển nhượng vốn cổ phần cho phía TQ thì xem như chúng ta đã bị nắm ngay yết hầu ở phía Bắc. Chiêu bài núp bóng để thâu tóm doanh nghiệp của TQ là một thực tế không hề đơn giản chỉ là chuyện mua bán doanh nghiệp, và dấu hỏi về tình trạng chủ sở hữu thực sự của Formosa Hà Tĩnh vẫn bị để đó lửng lơ, chưa có ai trả lời ! Xin lưu ý thêm, trong đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án này, Bộ Tài chính cũng cho rằng “dự án không có khả năng thu hồi vốn như đề xuất” (theo VNExpress ngày 6/5/2016). Vậy câu hỏi đặt ra là như vậy khả năng chuyển nhượng dự án cho đối tác khác liệu có xảy ra hay không ? Và nếu tính toán không có khả năng thu hồi vốn mà vẫn xin thực hiện dự án thì để làm gì ?
Sáng nay, đại diện Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương đã khẳng định rằng hiện chưa có dự án thủy điện nào được quy họach trên sông Hồng và đây chỉ là dự án thủy lộ chứ không phải thủy điện, nhưng ngay cả như thế thì vẫn không thể chấp nhận đề xuất giao sông Hồng cho một công ty tư nhân khai thác BOO như vậy. Với vị trí địa lý và tầm ảnh hưởng quan trọng của sông Hồng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mọi vấn đề liên quan tới việc khai thác con sông này đều cần phải được đánh giá, thẩm định nghiêm túc, công khai và lắng nghe ý kiến của dân. Dân chưa kịp biết gì mà ông Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư của Bộ KH-ĐT đã khẳng định dự án “nhận được sự đồng thuận khá cao” thì kể cũng lạ ! Trên VietNamNet sáng nay, GS.Đặng Hùng Võ nhận định thêm : “… Tôi cho rằng đây là một dự án có lợi nhất cho tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, mở được đường kết nối thuận lợi ra biển, giá thành vận tải rất hạ và sẽ có tác động tăng trưởng kinh tế cho Vân Nam. Còn đối với Việt Nam, tôi chưa nhìn thấy tác động làm tăng trưởng kinh tế nhiều lắm nhưng lại phải đứng trước những vấn đề lớn về bền vững xã hội và môi trường, mà người dân thuộc lưu vực sông Hồng chắc chắn phải gánh chịu”.
Dù rằng giới chức có trách nhiệm hiện nay đang thanh minh rằng dự án mới ở bước “ý tưởng sơ khai”, nhưng trên thực tế rõ ràng nó đã được Bộ KH-ĐT trình Chính phủ để xin chủ trương cho phép đầu tư chứ không phải là đang ở mức độ đánh giá dự án tiền khả thi ban đầu. Vì vậy, vô cùng khẩn thiết đề nghị tân Thủ tướng hãy dừng ngay việc xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này, không chỉ vì nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó tới kinh tế, môi trường, dân sinh, mà còn là để bảo vệ lợi ích quốc gia về an ninh và quốc phòng một cách lâu dài.
Bài học Formosa Hà Tĩnh nóng hổi vẫn còn đó, khi chủ trương cho phép đầu tư không thuận với lòng dân. Chuyện quốc kế, dân sinh không thể để một vài cá nhân hoặc tổ chức kém năng lực tuỳ tiện quyết định mà cần phải được Chính phủ thực hiện đúng theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường phát biểu.
Xin hãy chừa lại dòng SÔNG CÁI của đồng bằng Bắc Bộ cho chúng tôi.

-------------------------

Xây 6 đập trên sông Hồng là điều kinh khủng!

Tiền phong

Xây 6 đập trên sông Hồng là điều kinh khủng!
Nhà đầu tư bỏ 1,1 tỷ USD và được quyền sở hữu, khai thác sông Hồng vô thời hạn? Ảnh: Phạm Thanh

TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, nếu mọc 6 đập trên sông Hồng sẽ băm nát sông. Dòng nước sông như dòng máu, nếu bị ngăn lại thì rất kinh khủng.


Băm nát dòng sông
Ông thấy thế nào về các mục đích phát triển giao thông kết hợp xây dựng thủy điện của siêu dự án giao thông thủy xuyên Á 1,1 tỷ USD trên sông Hồng (Cty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình)?
Đây là đề án để tăng cường giao thông xuyên Á, nhưng đồng thời xây 6 con đập, các âu tàu, cảng. Không thể hiểu được rằng, tại sao xây đập lại cải tạo được con sông? Ý của họ là sông Hồng đã “chết”? Xây đập nhằm nâng mực nước lên giúp thuyền bè đi lại chỉ là một lý sự. Không thể xây đập, kể cả âu tàu lại cải tạo được giao thông, mà ngược lại nó chỉ cản trở đi lại.
Trong dự án cũng nói tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành thủy sản, nhưng không hiểu cải thiện kiểu gì? Cá đến các đập có mà đập đầu vào mà chết, làm sao đi đâu được nữa. Hơn nữa, sông Thao - dòng chính của sông Hồng - tương đối bằng phẳng, độ dốc không cao, bãi sông rộng, không phải dốc như dự án nói. Độ chênh lệch đáy sông từ Lào Cai xuống Việt Trì độ 50-60 m, trên chiều dài 200 km, như vậy độ dốc quá thấp.
Dự án sẽ “mọc” lên 6 thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang, cột nước thấp với tổng công suất thiết kế là 228 MW. Đây là thủy điện nhỏ. Công suất trên chưa được 1% sản lượng điện của cả nước Việt Nam. Nên nhớ, năm 2013, Việt Nam phải dừng hơn 400 nhà máy thủy điện nhỏ, trung, vừa, vì tác động đến dòng chảy, sinh thái, phá rừng, làm cạn kiệt nguồn ngước ở hạ lưu. Bây giờ, ông lại làm đập trên một con sông lớn, để ông làm thủy điện nhỏ, thì lạ thật.
Bán đứng dòng sông?
Sông Hồng là dòng sông nuôi Đồng bằng Bắc bộ, xây đập, nạo vét, sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái, phù sa của đồng bằng, thưa ông?
 TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.
TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.
Hiện phía hạ nguồn sông Hồng bị tác động rất lớn cho vấn đề phát triển. Dự án của Xuân Thiện nói rõ là nạo vét, lấy cát bán đi để mở rộng luồng tuyến thông thủy, nhưng lại xây đập giữ cát, phù sa lại.
Nếu dựng 6 con đập, thì ở dưới chẳng còn gì về mặt môi trường. Dòng chảy, hệ sinh thái cũng thay đổi. Sông mất nhiều phù sa, trở thành dòng sông đói, gây xói lở, đồng bằng nghèo nàn. Thời làm đập ở Hoà Bình, chúng ta đã đánh đổi, khi một lượng phù sa đã bị giữ lại. Giờ con sông “đỏ nặng phù sa” nhất, mà giữ nốt thì còn lại cái gì. Cái này, sẽ làm ngày càng nghèo kiệt đồng bằng đi. Và cuộc sống các hệ sinh thái cây con, sinh cảnh bị thay đổi.
Mặt khác, khi phù sa, phù du giảm, thức ăn các loại thủy sản cũng nghèo. Số loài thủy hải sản ở vịnh Bắc bộ chắc chắn cũng bị ảnh hưởng lớn. Chưa kể, muốn làm thủy điện, ngăn đập anh chứa nước một thời gian. Và chỉ cần thời gian ngắn thôi, nó cũng rất hại rồi. Đó không chỉ là lý thuyết, mà trên tất cả hệ thống thủy điện ở Việt Nam, từ lớn đến nhỏ thực tế đều tác động đến môi trường nhất định.
Nghĩa là, theo ông, siêu dự án trên không khả thi vì nếu thực hiện, chúng ta phải đánh đổi quá nhiều?
Bộ KH&ĐT và Công ty Xuân Thiện nói rằng các bộ, địa phương đồng tình, không biết là đồng tình cái gì. Còn các chuyên gia thì thấy rất lạ lùng. Làm đập liên quan đến tích nước và dòng sông sẽ bị băm nát, vỡ vụn. Nước sông như dòng máu, nếu tưởng tượng chỗ nào cũng chặn lại thì rất kinh khủng.
Đoạn thượng nguồn sông Hồng, đoạn qua Lào Cai. Ảnh: Quang Tú
Đoạn thượng nguồn sông Hồng, đoạn qua Lào Cai. Ảnh: Quang Tú
Muốn chặn sông Hồng, phải có một nghiên cứu tổng thể các mặt và làm nghiêm túc, bài bản. Ở dự án này, anh chỉ mới nhìn nhận ở góc độ kinh tế, chưa nói nhiều đến vấn đề xã hội, môi trường, tâm linh. Có phải đánh đổi một tài sản vô giá của đất nước để lấy cái thực sự là giao thông thủy, điện đóm, sinh thái không? Chúng tôi chẳng nhìn thấy cái gì trong đó cả. Cứ vẽ ra thì người dân hoang mang lắm. Chưa kể, dự án còn làm theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), coi như bán đứng con sông còn gì.
Tôi thấy dự án này mà được duyệt thì lạ đời. Cái này phải nói rõ đề nhà đầu tư nhìn nhận được vấn đề, không thể đánh đổi lợi ích với môi trường con người, cảnh quan, thiên nhiên. Chưa kể, với quy mô dự án trên 24.000 tỷ đồng, còn cần tham vấn Quốc hội, nhân dân.
Xin cảm ơn ông.
Có phải đánh đổi một tài sản vô giá của đất nước để lấy cái thực sự là giao thông thủy, điện đóm, sinh thái không? Chúng tôi chẳng nhìn thấy cái gì trong đó cả. Cứ vẽ ra thì người dân hoang mang lắm. Chưa kể, dự án còn làm theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), coi như bán đứng con sông còn gì.
Thủy điện trên sông Hồng: Chưa phê duyệt bất cứ dự án nào
Ngày 6/5, ông Đỗ Đức Quân, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, đến nay chưa có bất cứ dự án thủy điện nào nằm trên sông Hồng được Bộ Công Thương phê duyệt. Nếu dự án tận dụng được tài nguyên nước, được Chính phủ ủng hộ và giá bán điện phù hợp thì Bộ Công Thương sẽ ủng hộ. Còn hiện chưa có hồ sơ chính thức về dự án và chưa có tính toán cụ thể về cột nước, loại máy lắp đặt thì chưa thể đánh giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, những dự án thủy điện sẽ có những ảnh hưởng về mặt môi trường nhất định. Vì vậy dự án kết hợp thủy điện như của Công ty Xuân Thiện đề xuất cũng phải có đánh giá tác động môi trường mới được triển khai.
Thục Quyên
Theo Phạm Anh/Tiền phong

No comments:

Post a Comment