Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-05-07
Đặc khu kinh tế Vũng Áng của Formosa, là một tập đoàn có 100% vốn của Đài Loan nằm tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp hôm 3/12/2015. AFP
Do đền bù không thỏa đáng trong việc di dân để phục vụ cho dự án Formosa Vũng Áng, đã khiến cho hơn 150 em học sinh ở Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong suốt 2 năm qua không được đến trường. Sự việc đó diễn ra như thế nào và người dân có ở đây nguyện vọng gì?
“Vùng đất đi đày kêu cứu”
Đặc khu kinh tế Vũng Áng của Formosa, là một tập đoàn có 100% vốn của Đài Loan nằm tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một bộ phận của khu đô thị Vũng Áng, Hà Tĩnh, có diện tích 22.781 ha với mục tiêu xây dựng, phát triển thành một khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực ở Bắc Trung Bộ.
Hiện nay xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, là một địa bàn nằm trong khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất vì thảm họa môi trường ở vùng biển của khu vực 4 tỉnh miền Trung, đã làm cá biển chết hàng loạt. Các hộ dân ở xã Kỳ Lợi không chỉ đang gặp những khó khăn trong cuộc sống, mà con em của họ trong 2 năm vừa qua đã không được đến trường.
Bây giờ bà con không chịu đi thì nhà cầm quyền áp dụng các biện pháp để làm cho bà con ở đây bất an. Cái đặc biệt nhất là đã làm cho 153 em không được đến trường.
-Ông Hoa
Theo ông Hoa, một người dân ở xã Kỳ Lợi cho biết, hiện có 158 hộ dân thuộc diện cưỡng chế di dời để phục vụ cho dự án Formosa, nhưng vì chưa đồng thuận với các điều kiện đền bù và các lý do khác nhau, nên họ đã không chấp nhận di dời. Vì thế đã có hơn 150 em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 8 không được đến học ở các trường học ở gần nhà. Ông Hoa nói với chúng tôi:
“Cuộc sống của bà con bây giờ rất khó khăn do việc phải tái định cư trong việc giải tỏa mặt bằng phục vụ cho cảng Vũng Áng. Điều đó đã mang lại những bất lợi cho bà con trong việc khủng hoảng tinh thần. Bây giờ bà con không chịu đi thì nhà cầm quyền áp dụng các biện pháp để làm cho bà con ở đây bất an. Cái đặc biệt nhất là đã làm cho 153 em không được đến trường.”
Dưới nhan đề “Vùng đất đi đày kêu cứu”, báo Tiền Phong ngày 10/4/2014 cho biết: “Để có được hơn 3.000 ha mặt bằng phục vụ dự án Formosa, trước đó chính quyền Hà Tĩnh đã lập quy hoạch và từng bước di dời người dân đến vùng đất mới. Việc hàng nghìn hộ dân buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, cộng với sự thiếu minh bạch, rồi o ép dân trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền khiến cuộc sống của không ít người dân lâm vào khó khăn.”
Giải thích về nguyên nhân không cho con em đi học ở khu vực tái định cư, ông Cảnh một ngư dân ở xã Kỳ Lợi cho biết, đã 2 năm nay hơn 150 em học sinh không được đến trường. Vì chính quyền địa phương bắt buộc con em các hộ không chịu di dời, phải theo học ở trường tại khu vực tái định cư cách đó 25km. Nhưng vì xa quá nên bố mẹ các em không đồng ý cho đi, bởi các em còn nhỏ. Ông nói:
“Sở dĩ các em nhỏ không được đến trường vì chính quyền muốn gây áp lực lên các vị là cha mẹ. Chúng tôi không muốn cho com em đi học ở khu tái định cư vì quá xa. Ngày đi học 2 buổi, cả đi cả về gần trăm cây số, con cái lấy đâu sức để học? Chúng tôi không muốn cho com em đi học trong điều kiện như vậy.”
Theo báo Tiền Phong cho biết, qua trao đổi với ông Võ Tá Cương, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Kỳ Anh, ông Cương khẳng định: Việc cưỡng chế giải tỏa mặt bằng của huyện được thực hiện đúng luật. Các trường hợp đang giải tỏa ở xã Kỳ Lợi mà không đền bù là có lý do của nó.
Dùng việc học của trẻ em để ép di dời?
Cô giáo Xoan, một người tốt nghiệp cao đẳng kinh tế nhưng đã tự nguyện ở nhà để dạy dỗ các em nhỏ cho biết, đã 2 năm qua xuất phát từ tình thương cô cùng các bạn bè đã mở lớp để dạy học cho các em nhỏ. Cô giải thích:
“Một số anh chị em chúng tôi tốt nghiệp cao đẳng hay lớp 12 thấy tình hình của các em tội quá, không đi học được vì đường quá xa. Dù không có nghiệp vụ sư phạm nên cũng cố gắng bày cho các em, tùy theo năng lực có bao nhiêu thì truyền lại cho các em bấy nhiêu. Lớp học thì học nhờ ở nhà dân, các phụ huynh đóng bàn ghế mua gỗ làm bảng cho các em học.”
Tuy vậy, việc làm này của các thầy cô giáo tình nguyện cũng gặp nhiều khó khăn từ chính quyền địa phương. Ông Hoa khẳng định:
“Chính quyền xã họ không chỉ gây khó khăn trọng việc giao dịch (thủ tục), họ không giúp đỡ mà họ còn định dùng con em chúng tôi làm con tin để bắt buộc cha mẹ 158 hộ gia đình phải di dời. Ngoài ra không còn mục đích gì khác. Việc học của các em khó khăn như thế, khi các anh, các chị bầy (việc học) cho các em, thì họ đến xua đuổi, họ không cho thực hiện.”
Chính quyền xã họ không chỉ gây khó khăn trọng việc giao dịch (thủ tục), họ không giúp đỡ mà họ còn định dùng con em chúng tôi làm con tin để bắt buộc cha mẹ 158 hộ gia đình phải di dời.
-Ông Hoa
Cô giáo Xoan bày tỏ:
“Chính quyền cách đây 2 tuần họ còn đến, họ bảo rằng lớp học như thế là không đủ điều kiện và không có giấy phép. Từ trước đến nay họ đã rất nhiều lần thông báo, giấy triệu tập và công an đến. Công an đến còn đòi bắt cả tôi nữa.”
Theo cô giáo Xoan, cho dù người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng, các nghành các cấp yêu cầu khẩn trương giải quyết việc học hành cho các em học sinh ở đây. Nhưng tất cả đều bị từ chối. Cô cho biết:
“Về việc học của hơn 150 em ở đây, thì đại diện các gia đình đã đi đến tất cả các nơi, các cấp. Từ Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục, đến Phòng giáo dục đào tạo để báo cáo về việc này. Nhưng họ dứt khoát không đồng ý cho các em được đến trường.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới lãnh đạo xã Kỳ Lợi để hỏi về vấn đề này, song không nhận được trả lời. Qua tìm hiểu, ông Hoa cho chúng tôi biết như sau:
“Trưởng ở đây thì bây giờ không ai là trưởng cả, các ông trưởng phó thì bây giờ họ chuyển lên trên khu tái định cư rồi. Bây giờ 158 hộ ở đây thì anh em phải níu lấy nhau để sống thôi. Có thông tin liên lạc qua các tập thể, tập đoàn hay gì… cũng chỉ thông qua đây thôi. Chứ không có ai là trưởng là phó ở đây cả.”
Theo ông Hoa cho biết, cho dù hiện nay có cuộc sống hết sức khó khăn, do điều kiện biển bị nhiễm độc, nên ngư dân không thể ra khơi để đánh bắt cá. Nhưng mọi cha mẹ học sinh đều có mong muốn cho con em của họ được đến trường. Ông tiếp lời:
“Nguyện vọng của bà con bây giờ là muốn cho con em mình được đi học tại trường của UBND Xã Kỳ Lợi chỉ cách đây có vài trăm mét. Còn để con em đi học ở khu tái định cứ cách đây 25 km thì bà con không có nguyện vọng như thế.”
Xin được nhắc lại, Điều 61 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam khẳng định rằng, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học, để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân được học tập.
No comments:
Post a Comment