Thuế, phí ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngay một quan chức nhà nước là ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp tư nhân tại thời điểm này đang kiệt sức và phải chịu gánh nặng thuế, phí chiếm tới hơn 39% lợi nhuận, so với các nước trong khu vực chỉ thấp hơn Malaysia. Đó là chưa kể các khoản chi phí không chính thức khác, trùng điệp rào cản, lực cản và lực kéo. Có thể nói rằng doanh nghiệp Việt Nam rất đơn độc không chỉ trong thị trường nội địa mà khi ra ngoài hội nhập cũng không thấy bóng dáng của nhà nước, của thể chế hỗ trợ họ.
Chưa tính những điều chỉnh có thể xảy ra trong ngắn hạn thì thuế, phí hiện nay đã là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải dành khoảng 39.4% lợi nhuận để nộp thuế. Tỉ lệ này rất cao so với mức 18.4% của Singapore, 27.5% của Thái Lan, 29.7% của Indonesia…
Còn ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đưa ra con số cho thấy người Việt đang gánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP cao gấp 1.4-3 lần so với khu vực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2007-2012, tỉ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam là 21.6% trong khi Trung cộng là 17.3%, Thái Lan và Myanmar 15.5%, Indonesia 12.1%...
Cần nhắc lại, Bộ Tài chính là tác nhân gây ra rất nhiều tác phẩm đè đầu dân và doanh nghiệp thu thuế bất chấp dân sinh. Một trong những thứ thuế gây tiêu cực lớn nhất đến túi tiền đã dưới mức còm cõi của người dân là “thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.
Năm 2015, Bộ tài chính đã đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.
Theo tính toán của giới chuyên gia phản biện, một lít xăng phải cõng 3.000 đồng/lít thay vì mức 1.000 đồng/lít, một lít dầu diezen phải nộp 1,500 đồng/lít thay vì mức 500 đồng/lít trước đây.
Bộ Tài chính tính toán: chỉ riêng với thuế bảo vệ môi trường từ các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn 35,000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23,000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20,000 tỷ đồng/năm, tăng gần 14,000 tỷ đồng/năm.
Rất đáng chú ý, con số trên gấp 2 - 2,5 lần so với tổng thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22,500 tỷ.
Hiện tượng cơ quan tay hòm chìa khóa là Bộ Tài chính liên tục đưa ra những dự án tăng thu thuế đối với dân chúng và doanh nghiệp đang phản ánh tình trạng rỗng ruột của ngân sách quốc gia. Đang xuất hiện ngày càng nhiều dư luận rằng nếu không cẩn thận, ngân sách nhà nước thậm chí không đủ tiền để trả lương cho công chức và lực lượng vũ trang. Cận cảnh này có thể hiện ra ngay vào năm 2017.
05/10/2016 - 19:39
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment