Friday, May 13, 2016

Lắm thủ đoạn giành đất người nghèo

Theo NLĐO-13/05/2016 23:04

Nhiều cán bộ tại tỉnh Gia Lai làm khống giấy tờ để được mua đất thuộc dự án dành cho người thu nhập thấp, nhận đất rồi bỏ hoang

Ngày 13-5, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho biết tỉnh này vừa chỉ đạo rà soát toàn bộ dự án “Giao đất xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị” để có biện pháp xử lý.
Có nhà vẫn khai chưa có
Năm 2012, tỉnh Gia Lai triển khai dự án nói trên nhằm tạo điều kiện về chỗ ở cho người thu nhập thấp. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị sẽ được mua một lô đất diện tích 150 m2 tại khu quy hoạch phường Thắng Lợi (cách trung tâm TP Pleiku hơn 3 km) với giá 42 triệu đồng/lô. Điều kiện để các đối tượng được giao đất là đến thời điểm quyết định giao đất vẫn chưa có nhà ở, đất ở hoặc đã sở hữu nhà là căn hộ chung cư nhưng với diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình dưới 5 m2 sử dụng/người; chưa được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở. Trong hơn 2.000 hồ sơ đăng ký, 561 trường hợp đã được giao đất. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện có 6 trường hợp có nhà ở nhưng vẫn được cơ quan chủ quản xác nhận chưa có để được mua đất.
Khu quy hoạch dành cho người thu nhập thấp tại phường Thắng Lợi (TP Pleiku)
Khu quy hoạch dành cho người thu nhập thấp tại phường Thắng Lợi (TP Pleiku)
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thông, công tác tại Ban Quản lý Dự án đầu tư chuyên ngành y tế, có nhà ở nhưng khai chưa có và được ông Đặng Toàn Thắng, Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư chuyên ngành y tế, xác nhận. Bà Lê Thị Ánh Hồng, công tác tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, có nhà ở ổn định từ năm 2011 nhưng vẫn được ông Bạch Anh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, xác nhận chưa có. Bà Nguyễn Thị Thúy An, công tác tại Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai, có 3 thửa đất và nhà ở nhưng được ông Nguyễn Hồng Hà, giám đốc sở này, xác nhận chưa có.
Có trường hợp thu nhập cao hơn nhiều so quy định nhưng khai thấp hơn để được mua đất. Cụ thể, ông Đoàn Văn Tuấn, công tác tại Cục An ninh Tây Nguyên, có tổng thu nhập gia đình bình quân đầu người hơn 5,03 triệu đồng/tháng nhưng khai chỉ hơn 2,6 triệu đồng/người và được ông Nguyễn Xuân Hà, Cục phó Cục An ninh Tây Nguyên, xác nhận. Nhiều cán bộ khác dùng chiêu “giả nghèo”, như bà Nguyễn Thị Hằng Nga (Ban Tôn giáo Tỉnh ủy Gia Lai), ông Huỳnh Quảng Phú (Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai).
Sai mục đích ban đầu
Theo quy định, trong vòng 12 tháng sau khi nhận đất, người được cấp đất phải xây nhà ở. Tuy nhiên, tại dự án, nhiều thửa đất hiện vẫn chưa triển khai xây dựng hoặc làm theo kiểu đối phó, một số nhà đã xây nhưng cho người khác thuê.
Ông Nguyễn Bá Trường, Phó Phòng TN-MT TP Pleiku, cho biết đất cấp sai quy định đã được thu hồi. Ngoài ra, còn 95 lô được cấp nhưng chưa xây dựng. Đối với một số hộ xây nhà cho thuê, ông Trường khẳng định “như vậy là sai mục đích ban đầu”.
Bình xét hết sức chặt chẽ
Theo ông Nguyễn Bá Trường, trước khi ban hành quyết định giao đất, các đối tượng được kiểm tra, bình xét hết sức chặt chẽ. Đối tượng là công chức phải nộp đơn tại cơ quan công tác, người dân thì nộp đơn tại chính quyền nơi cư trú, sau đó tổ chức hội nghị gồm nhiều thành phần để bình xét. Ngoài ra, TP còn thành lập hội đồng riêng, trong đó mời cả đại diện của sở xây dựng, sở TN-MT tham gia bình xét. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không đúng đối tượng. Với những trường hợp này, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo xử lý đối với người ký xác nhận và cả người đăng ký sai quy định.
Bài và ảnh: Hoàng Thanh

No comments:

Post a Comment