PARIS (NV) - Nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” vẫn xếp hạng gần chót bảng về tự do báo chí như những năm trước, theo bản xếp hạng của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vừa công bố.
Cư dân Hà Nội biểu tình trước tòa án ngày 23 tháng 3, 2016 khi chế độ Hà Nội lôi ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy ra tòa để vu cho họ tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ngày 20 tháng 4, 2016, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở chính tại Paris công bố bảng xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới tại 180 nước mà họ khảo sát. Nước Việt Nam năm nay vẫn nằm ở hạng 175 cũng như năm ngoái về chỉ số tự do báo chí căn cứ trên tiêu chuẩn quyền tự do báo chí của người dân được nhà cầm quyền tôn trọng hay không.
Nằm chung trong 10 nước không tôn trọng quyền tự do báo chí của người dân tồi tệ nhất trên thế giới, trong bảng xếp hạng của RSF người ta thấy Cuba (171), Djibouti (172), Lào (173), Sudan (174), Việt Nam (175), Trung Quốc (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Hàn (179), và Eritrea (180).
Tình trạng tự do báo chí tại Việt Nam còn thua xa cả các nước khác của khu vực Đông Nam Á như Cambodia (128), Indonesia (130), Thái Lan (136), Philippines (138), Miến Điện (143), Malaysia (146), Singapore (154) và Brunei (155).
Hiến Pháp của nhà cầm quyền Việt Nam viết rất rõ rằng người dân có đủ cả các quyền tự do căn bản như quyền tự do báo chí, hội họp và lập hội. Tuy nhiên, lại dùng các bộ luật và nghị định dưới luật siết lại các quyền này.
Luật Báo Chí đang được sửa đổi nhưng tư nhân vẫn không được phép ra báo hay mở các cơ quan truyền thông. Các cơ quan truyền thông đều do nhà cầm quyền từ trung ương tới địa phương hoặc các cơ quan ngoại vi của đảng CSVN đứng ra thành lập và điều hành, chỉ nhằm mục đích tuyên truyền phục vụ nhu cầu chính trị của chế độ.
Trên Bản đồ Tự Do Báo Chí Thế Giới, Việt Nam vẫn màu đen. (Hình: RFS)
Theo đà phát triển của hệ thống thông tin toàn cầu Internet, nhà cầm quyền CSVN đã phải điều chỉnh các luật và nghị định để cản trở quyền tự do thông tin và tiếp nhận thông tin của người dân. Thậm chí, hiện nay, mạng Internet toàn cầu vẫn còn bị nhà cầm quyền dựng tường lửa để cản người ta truy cập các nguồn thông tin đa chiều, không có lợi cho chế độ.
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP loan báo hồi năm 2013 về “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng...” nhằm kết án tù những ai “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” mà mục đích không ngoài việc bịt miệng những người dấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ hóa đất nước.
Khi chế độ Hà Nội kết án tù nhà báo độc lập Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy ngày 23 tháng 3, 2016, RSF tố cáo rằng “Các nhà báo công dân tại Việt Nam bị bỏ tù chỉ vì họ cung cấp cho đồng bào của họ những tin tức và dữ kiện thông tin độc lập.”
Khi công an bắt giam Luật Sư Nguyễn Văn Đài ngày 16 tháng 12, 2015, RSF gọi chế độ Hà Nội là “Nhà cầm quyền côn đồ.” Ông Đài bị bắt giam 10 ngày sau khi ông đến Nghệ An trình bày về bản hiến pháp của Việt Nam với các quyền tự do căn bản của công dân.
Theo một phúc trình hồi cuối năm ngoái, RSF thấy còn khoảng gần hai chục người cầm bút “lề trái” đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ. (TN)
No comments:
Post a Comment