Đông Yên, một địa danh mà chúng tôi đã nhiều lần nói đến. Lẽ ra, không phải nói nhiều đến nơi này nữa, nếu như có một nhà nước pháp quyền, nếu như có một chế độ dân chủ, nếu như những người luôn tự coi mình là đầy tớ của người dân biết lắng nghe ông chủ của mình, nếu như có một nhà nước "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Và nếu như, cộng đồng không đến mức vô cảm với nỗi đau của tha nhân.
Thế nhưng, chữ "nếu" vẫn chỉ là "nếu" dù hệ thống truyền thông và quan chức luôn ra rả nhắc đi nhắc lại như cuốc mùa hè. Cho nên những đau khổ của người dân vẫn cứ tiếp tục diễn ra và họ trở thành những nạn nhân của một chế độ "dân chủ đến thế là cùng" - Nguyễn Phú Trọng.
Không chỉ có những người lớn là nạn nhân, mà một thế hệ con em nơi đây cũng đang chịu kiếp nạn không biết từ đâu giáng xuống.
Vì thế, vẫn còn phải nói, vẫn phải nhắc đến địa danh này như một tiếng kêu, dù chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.
Đông Yên, một thời trù phú
Chúng tôi trở lại Đông Yên vào một ngày tháng tư, chặng đường dài đưa chúng tôi đi qua khu Kinh tế Vũng Áng, một khu đất độc lập, kéo thẳng từ Quốc lộ 1A ra tận biển. Tường rào chắc chắn bao quanh kéo thẳng một đường từ đường xuống Vũng Áng ra biển, biến khu đó thành một khu vực cấm xâm nhập.
Cuối đường đi sắp đến cảng Vũng Áng, rẽ trái là đường vào Đông Yên, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Giáo xứ Đông Yên có một lịch sử lâu đời, người dân ở đây đông đúc và hiền lành, nhưng mãnh liệt về niềm tin yêu và vâng phục.
Trời ưu đãi cho Đông Yên một vị trí đắc địa, sát biển và sát ruộng đồng. Bước chân ra khỏi sân nhà là ruộng lúa, bước chân ra sau nhà mấy chục mét là nơi đánh bắt hải sản.
Cảng nước ở đây sâu đến hơn 25 mét được che chắn bởi hai hòn đảo phía ngoài, là nơi tập trung nhiều hải sản và hải sản nơi đây có tiếng là ngon và dễ khai thác.
Những chiều về, sau khi đánh bắt trên biển cách bờ chỉ một vài trăm mét, hàng đoàn thuyền đổ lên bờ đầy sản vật từ biển như cá, mực, tôm, ốc...
Người dân khai thác hải sản ở biển mỗi ngày chỉ vài ba tiếng, sản vật bán tại chỗ và cứ vậy siêng năng lễ lạt, cầu nguyện hàng ngày.
Ở đây, thiên nhiên còn ban phú cho người dân nhiều nguồn sống khác từ biển ngoài hải sản và nông nghiệp. Dưới đáy biển sâu, cứ mỗi đợt biển động, hàng loạt sỏi trắng lại được biển đưa lên bờ, và đó là một nguồn lợi lớn. Người dân chỉ việc xúc, sàng đóng bao và bán. Đây là một nguồn thu khá lớn của người dân ở đây.
Tinh thần giáo dân đoàn kết yêu thương nhau vốn có truyền thống và được sự kính nể của người dân khu vực này cũng như sự khiếp sợ của nhà cầm quyền. Nơi đây, năm 1968 đã nổ ra vụ việc "động trời" là cả giáo xứ dám đứng lên đoàn kết chống lại sự phi lý của nhà cầm quyền nơi đây với vị cha xứ của mình. Những câu chuyện thời đó, như một dấu son oanh liệt và đoàn kết của người dân Đông Yên.
Nhưng hôm nay, trở lại Đông Yên, sự trù phú, không khí bình an, ấm áp đã lùi xa. Đón chúng tôi là những cặp mắt trốn sau cánh cửa ngơ ngác nhìn ra của các cụ già, là ánh mắt trẻ thơ như vô hồn đứng trên đống gạch đá tan hoang, là những tiếng cười của bầy trẻ không ai trông đùa nghịch trên cát bãi biển.
Tất cả các em như đám vật nuôi vô chủ đi lang thang trong cảnh hoang tàn.
Dân bị đuổi đi bằng được vì một nhóm lợi ích nhỏ nào đó?
Đi giữa sự đổ bể, ngổn ngang như vừa qua trận bom B52 thời chiến, ít ai nghĩ rằng đây là một nơi mà cách đây chưa lâu, khi chúng tôi đến là một khu dân cư đông đúc và ổn định, đầm ấm.
Cách đây mấy năm, bà con giáo dân Đông Yên và vùng lân cận bổng nhiên được kêu đi "tái định cư". Khu đất được chỉ cho họ là vùng Đèo Con, một vùng đất nổi tiếng khắc khổ của Kỳ Anh mà bao đời nay, cha ông họ, dân tình cả nước đã không chọn làm nơi sinh sống.
Bởi sống ở đó, ngoài khí hậu khắc nghiệt, thì đời sống không biết lấy gì để đảm bảo.
Thế rồi ban nọ, ngành kia, công an, dân phòng, đủ loại lực lượng xông đến và đuổi người dân ra khỏi nhà. Nhà xứ bị đập tan, nhà dân bị cuốc phẳng.
Đã mấy lần qua Đông Yên, đến nơi ngổn ngang đập phá, nơi có những người đang ở tù, hàng trăm trẻ em đang bị đem làm con tin, tìm hiểu nhiều nơi vẫn không hiểu được người ta lấy đất Đông Yên để làm gì?
Cho đến nay, ngay những người dân nơi đây, khi họ bị đập nhà cửa, buộc di dời lên nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" để tái định cư từ lâu, họ vẫn không hiểu vì sao họ phải rời nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Hỏi những người dân nơi đây câu hỏi rằng họ phải tái định cư nơi khác, chấp nhận không nghề nghiệp, không đời sống bình an, bỏ nơi này cho ai và để làm gì? Hầu hết họ không có câu trả lời. Bởi theo họ, thì đó cũng là câu hỏi họ chưa bao giờ được trả lời dù đã đi khắp các cấp từ xã, huyện, tỉnh cho đến trung ương.
Đa số những người dân chúng tôi gặp, họ đều khẳng định: Đây là một nhóm lợi ích nào đó trốn mặt, cố tình trấn áp người dân cho mục đích của mình, chẳng phục vụ nhà nước nào hết. Nhưng, họ lại dùng quyền lực nhà nước, cơ quan mà những người dân đóng thuế nuôi họ để trấn áp buộc họ phải ra đi khỏi nơi họ đã bao đời gây dựng.
Một người dân cho chúng tôi biết: "Chúng tôi đã hơn chục lần đi từ địa phương đến trung ương, chỉ để hỏi lấy đất của chúng tôi để làm gì? Nhưng câu trả lời làm họ giật nảy mình: Nhà nước không có một chủ trương, dự án nào ở khu đất này cả. Các ông cứ ở đó xem họ làm gì được các ông".
Quái lạ. Một dự án, nếu đàng hoàng, chân chính thì quy định của nhà nước cũng khá rõ ràng. Nhiều bước được quy định rõ khi lập dự án và nhất là khi lấy đất của dân. Trong nhiều bước thực hiện lấy đất của dân, giai đoạn. Trong đó, giai đoạn trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất: có bước thứ 3 quy định:
Trước khi thu hồi đất của người dân, cần tiến hành thông báo thu hồi đất có các nội dung chính sau đây:
- Lý do thu hồi đất;
- Diện tích khu đất thu hồi;
- Vị trí khu đất thu hồi;
- Kế hoạch di chuyển.
- Nội dung trên được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, Đài Truyền thanh - truyền hình huyện, Trạm Truyền thanh cấp xã, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và điểm sinh hoạt chung của khu dân cư có đất bị thu hồi. Ngoài việc thông báo này, chủ đầu tư tổ chức thực hiện bồi thường cùng với UBND cấp xã, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tiến hành các nội dung trong thông báo.
- Phương án tổng thể phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt hoặc văn bản chấp thuận để làm căn cứ lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất, giao đất hoặc thuê đất.
...
Thế nhưng, ở đây, người dân bị đập nhà cửa, bỏ đi từ lâu mà đến nay vẫn không thể hiểu được để làm gì thì quả là chuyện lạ ở thế kỷ 21. Đến nay, họ cũng chỉ được trả lời: Đây là dự án di dời 4 thôn Đông Yên mà thôi.
Thiết nghĩ, một nhóm xã hội đen khi muốn vào nhà đuổi chủ nhà đi cũng cần có một lý do nào đó khả dĩ có thể thuyết phục.
Vậy, với một chính quyền "của dân, do dân, vì dân" mà đẩy người dân vào hoàn cảnh này là do đâu? Điều gì đã dẫn đời sống người dân đến nông nỗi này?
Hà Nội, ngày 14/4/2016
- J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment