Thursday, April 14, 2016

Bầu lại Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng... vào tháng 7: Quá rảnh!

Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu đã xác nhận với báo giới về một câu chuyện lạ lùng thời “hậu Nguyễn Tấn Dũng”: Sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng... vào tháng 7/2016, tức vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.


Ngay trước đó, kỳ họp thứ 11, tức kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã bầu ra các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng tương ứng với các ông bà Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc. Trong lịch sử vận hành cơ quan “tối cao quyền dân” này, có thể cho rằng đây là một kỳ họp và bầu bán mang tai tiếng nhất. Hoàn toàn chưa có đại biểu quốc hội mới mà đã có lãnh đạo mới của không chỉ Quốc hội mà còn cả Chính phủ. Không những thế, kỳ họp quốc hội này còn “kiện toàn” cả các chức danh cụ thể trong Ủy ban thường vụ quốc hội lẫn một dàn nhân sự rất chi tiết về thành viên chính phủ và các bộ trưởng.
Từ “vi hiến” đã được nhiều cơ quan báo chí và cả báo quốc tế đề cập đến kỳ họp bầu bán thứ 11. Cũng cho tới khi kết thúc kỳ họp này, đã không có bất kỳ thông tin nào về những lá đơn “xin từ nhiệm” của các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và đặc biệt là Nguyễn Tấn Dũng, cho dù trước đó Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí còn khẳng định rằng “nếu cần có đơn xin từ nhiệm thì chỉ vài tiếng đồng hồ là có”.
Với cách thức “kiện toàn nhân sự” quá tròn trịa và “không cho chúng nói thoát” của kỳ họp 11 quốc hội, đã có nhiều phỏng đoán rằng kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV sẽ chỉ làm nhiệm vụ “thông qua” các kết quả đã bầu bán tại kỳ họp trước, tức các vị trí chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ là bất biến.
Tuy nhiên theo cách trả lời của Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu, có vẻ đã xảy ra một biến động nằm ngoài dự tính của những người “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”: Quốc hội sẽ phải tiến hành bầu lại, cho dù động tác này chỉ thuần túy mang tính thủ tục.
Được biết sau khi đảng và quốc hội bị tố là “vi hiến”, khá nhiều cán bộ lão thành và cả quan chức, đại biểu đương nhiệm đã bày tỏ ý kiến phản ứng. Có thể đó là một lý do quan trọng để Bộ chính trị đảng quyết định “sẽ bầu lại”, sau khi đã hoàn thành chiến dịch thành công nhất về “kiện toàn X”.
Cho tới nay, hầu hết dư luận đều đồng thuận cao về nguyên nhân chính khiến đảng và quốc hội phải tổ chức “thay ngựa giữa dòng” là để loại ông Nguyễn Tấn Dũng. Lý do đơn giản là cho dù nắm thế thuợng phong, đảng cũng không thể bảo đảm về một quốc hội mới với nhiều gương mặt đại biểu mới của khóa XIV sẽ còn “ngoan” như đa số đại biểu quốc hội cũ mà đảng “lãnh đạo toàn diện’. Thêm vào đó, một câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn nhưng lại cần được nêu ra: nếu không thay ngay ông Nguyễn Tấn Dũng thì đảng lấy ai để tiếp Obama vào tháng Năm tới?
Ở một khía cạnh khác, cuộc bầu lại vào tháng 7/2016 không phải là tuyệt đối an toàn cho những nhân sự cao cấp đã được bầu trước đó. Theo luật định, nhiều vị trí yêu cầu người được bầu giữ chức vụ phải là đại biểu quốc hội. Một khả năng, dù nhỏ, nhưng vẫn có thể xảy ra là với nhiều người vừa được bầu, nếu trong đợt bầu cử Quốc hội XIV sắp tới mà không trúng cử đại biểu quốc hội thì nghiễm nhiên họ không được tiếp tục đảm nhiệm vị trí đã được đảng mặc định! 
04/13/2016 - 19:23
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment