RFA 2016-03-22
Hình minh họa các dự án vốn ODA tại Việt Nam.
Sắp tới Việt Nam sẽ thay đổi cơ chế cho vay vốn ODA đối với các địa phương thay vì cấp phát cho không như hiện nay. Đó là nội dung ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, đưa ra trong buổi họp báo về cơ chế sử dụng vốn ODA vào ngày hôm nay.
Theo ông Long, trong giai đoạn 10 năm từ 2005 đến 2015, có 15 tỷ đô la vốn ODA được chính phủ vay về cho các địa phương đầu tư vào các chương trình, dự án của địa phương, trong đó 92,2% được trung ương cấp phát cho các địa phương, chỉ có 7,8% là cho vay. Cho đến nay, chính phủ vẫn phải chịu toàn bộ rủi ro tín dụng.
Tuy nhiên kể từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, do đó mức độ ưu đãi của các khoản vay của các đối tác phát triển cho Việt nam đã giảm. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp, vừa vốn tài trợ vừa vốn thương mại kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.
Theo lộ trình, đến tháng 7 năm 2017, Ngân hàng Thế giới sẽ tuyên bố chấm dứt vốn vay ưu đãi ODA cho Việt Nam và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 đến 3,5%.
No comments:
Post a Comment