Tuesday, March 22, 2016

Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng: Đúng hay sai? - Phần 2

 Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-03-22  
000_8Y5WI
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang báo cáo về kinh tế, xã hội tại buổi khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 3 năm 2016.  AFP photo
Theo chương trình kỳ họp quốc hội sáng 21 tháng 3 vừa qua thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội để miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia của ông Nguyễn Sinh Hùng, trong buổi chiều cùng ngày sẽ trình kết quả lên Quốc hội chức danh Chủ tịch Quốc hội mới, để rồi vào ngày 31 tháng 3 Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ trước Quốc Hội.
Cách làm này của Quốc hội được giới quan sát cho rằng cách thức tổ chức bầu cử ngay trong cơ chế cao nhất nước đã có một vết gấp khá lớn và rất dễ nhận ra, ngay cả khi có người khẳng định chính Quốc hội đã vi phạm hiến pháp cũng không hẳn là sai lạc. Đại tá Nguyễn Đăng Quang từng phục và về hưu trong ngành công an cho rằng gấp gáp bầu Chủ tịch Quốc hội như vậy là vô lý, nếu không muốn nói là có động cơ khác:
Tình hình đất nước hiện nay không đòi hỏi phải làm một việc khẩn trương, cấp thiết như vậy. Việc bầu mới ba chức vụ lãnh đạo này để bầu cử Quốc hội vào ngày 22 tháng 5 và Quốc hội mới sẽ họp trong tháng 7. Trong phiên họp đầu tiên vào tháng 7 thì sẽ bầu mới ba chức vụ lãnh đạo nhà nước là Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chánh phủ cho nên không có gì cấp thiết cả thì tại sao lại miễn nhiệm ba vị lãnh đạo này để ba tháng sau lại phải làm lại cái chu kỳ này thì hết sức vô lý.
Điều đáng suy gẫm hơn hết là tính minh bạch trong việc bầu Chủ tịch Quốc hội mới mà Quốc hội đứng ra tổ chức có một dấu hỏi rất lớn nằm ở phía sau. Trong khi báo chí, dư luận trong và ngoài nước đều rõ mười mươi bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã được Đại hội đảng 12 đề cử chức Chủ tịch Quốc hội khóa 14 thì việc bầu cử được xem là giả vờ của quốc hội phải nên nhìn nhận ra sao?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho báo chí biết rằng vấn đề nhân sự do Đại hội đảng giới thiệu nhưng Quốc hội là nơi đề cử. Tuy nhiên giải thích này khó thuyết phục người dân vì đối với cả hệ thống thì chính Đảng là nơi quyết định chứ không phải Quốc hội. Bằng chứng là thời gian tổ chức đại hội do đảng chỉ định và Quốc hội bị bó tay trong việc chuyển đổi nhân sự. Thường thì các chức vụ cao nhất trong nhiệm kỳ cùng với Quốc hội là 5 năm nhưng Đại hội đảng lại tổ chức vào năm thứ tư của nhiệm kỳ đó nên một năm còn lại của các chức danh cao nhất phải tùy thuộc vào không khí chính trị của từng giai đoạn. Vì vậy Quốc Hội khóa 12 phải đi theo đảng tổ chức Quốc hội với nhiệm kỳ là 4 năm. Điều này cho thấy Đảng toàn quyền điều hành mọi thứ ngay cả chức vụ cao nhất của chính phủ là Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng do Đảng quyết định.
Theo ông Tổng Thư ký Quốc hội thì lần này sở dĩ yêu cầu ba vị cao nhất làm đơn từ nhiệm vì thời gian kéo dài tới tháng 7 là quá lâu. Trong trường hợp không ai chịu từ nhiệm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm theo luật Tổ chức Quốc hội là yêu cầu Quốc hội bãi nhiệm họ mà không vi hiến.
Tất cả các chuyển biến trên đang bị dư luận chỉ trích, theo đại tá Nguyễn Đăng Quang thì Quốc hội đang lạm dụng luật Tổ chức quốc hội để vi phạm hiến pháp, ông nói:
Tôi cho rằng việc làm này vi phạm điều 87 và 97 của hiến pháp hiện hành. Trong hai điều này quy định về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ. Người ta căn cứ vào Luật Tổ chức quốc hội trong các điểm 18 và điều 11 nói rằng Quốc hội có quyền bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng. Nhưng trong vấn đê này thì phải căn cứ vào hiến pháp là chính còn Luật Tổ chức quốc hội là bộ luật thấp hơn Hiến pháp cho nên không thể lấy bộ luật thấp hơn để thực hiện điều trái với quy định của hiến pháp.
Kịch bản nào cho thủ tướng?
Theo ngôn ngữ mà Quốc hội áp dụng cho những vị đang còn tại chức có ba cách diễn tả, thứ nhất là từ nhiệm, thứ hai là miễn nhiệm và thứ ba là bãi nhiệm. Người dân thắc mắc tại sao hai chữ “mãn nhiệm” không được nhắc tới đối với họ sau khi hết nhiệm kỳ theo quy định của hiến pháp mà lại sử dụng những danh từ rất nhạy cảm cho ba vị trí cao nhất nước? Nếu để cho họ phát biểu trước Quốc hội, trước nhân dân ngày họ mãn nhiệm sẽ hợp lý và lịch sự hơn rất nhiều còn hơn là dựa dẫm vào các lý do tự đặt ra để đẩy họ ra khỏi chính trường một cách thô bạo sẽ gây nhiều phản cảm cho công chúng.
Đại tá Nguyễn Đang Quang phân tích ba kịch bản mà Quốc hội có thể phải đối phó như sau:
Theo tôi kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là kịch bản từ nhiệm tức là để bầu ba vị mới trong phiên họp này thì ba vị cũ là ông Trương Tấn Sang ông Nguyễn Sinh Hùng ông Nguyễn Tấn Dũng phải có đơn từ nhiệm. Khi cả ba ông này không có đơn từ nhiệm mà quốc hội miễn nhiệm ba ông này thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc miễn nhiệm. Cho đến hôm nay tôi được biết cả ba ông chưa ông nào có đơn từ nhiệm cả.
Còn kịch bản thứ hai là việc miễn nhiệm thì ít khả năng xảy ra hơn nhưng thật ra mà nói thì kỳ họp thứ 11 của quốc hội lần này trong đầu tháng 4 tới thì quốc hội sẽ thực hiện kịch bản này tức là miễn nhiệm ba ông. Nhưng việc miễn nhiệm không căn cứ vào điều khoản của pháp luật nào cả. Trên điều kiện thực tế quốc hội muốn miễn nhiệm thì phải dựa trên cơ sở thực tế chẳng hạn ba ông đều không có đủ khả năng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trọng trách của mình. Ví  dụ ba ông đang sức khỏe yếu kém, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có tai nạn bất ngờ gì đó mà không hoàn thành được nhiệm vụ lúc đó quốc hội phải miễn nhiệm để bầu người khác lên thay thế. Nhưng thực tế ba ông này vẫn bình thường không có ông nào là không đủ sức khỏe để thực hiện nốt thời gian trong nhiệm kỳ của mình còn lại. Cho nên việc miễn nhiệm ba ông này không phải căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện thực tế khách quan.
Kịch bản thứ ba tức là bãi nhiệm tức là quốc hội kỷ luật ba ông này, tuyên bố cả ba ông không xứng đáng làm nhiệm vụ của mình nên quốc hội bãi nhiệm, tức là coi như cách chức ba ông này. Tuy nhiên không thể có kịch bản này được vì cả ba ông này đang đảm nhiệm nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất có thể cho nên không thể có cơ sở bãi nhiệm, thôi chức của ba ông này được.
Giới quan sát và người dân cho rằng sở dĩ có tình trạng gấp rút như vậy vì sự thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Obama vào tháng 5 tới đây. Người ta còn nhớ, trong hội nghị cấp cao tại Sunnyland Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, và đầu tháng 5 là ngày ông Dũng còn tại chức do đó ông sẽ là người đại diện chính phủ đón tiếp Tổng thống Obama trong thời gian hiếm hoi còn lại. Dư luận nghĩ rằng phe ông Nguyễn Phú Trọng không muốn Thủ tướng Dũng có cơ hội này vì không ai biết những gì sẽ xảy ra khi ông Dũng vẫn còn tại vị.
GS Nguyễn Minh Thuyết, hai lần đại biểu Quốc hội cũng là người từng công khai yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức trước diễn đàn Quốc hội cho biết nhận xét của ông về sự nghi ngờ này:
Tôi nghĩ một số người nghĩ như vậy thì cũng bình thường, nhưng về nguyên tắc ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị Sunnyland vừa rồi mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam thì ông đã thay mặt nhà nước Việt Nam để mời. Nhà nước là một sự kế tục liên tục cho nên dù ông Nguyễn Tấn Dũng có thôi không làm thủ tướng thì những vị mới được bầu thay thế cho các vị cũ vẫn thực hiện lời mời đó và tiếp đón, làm việc với Tổng thống Obama bình thường. Tôi chắc rằng trong chương trình nghị sự cũng có thể nếu ông Obama ông ấy bố trí được thời gian thì cũng có thể vẫn gặp ông cựu thủ tướng. Khi mà một số lãnh đạo Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ thì cũng đến thăm cựu Tổng thống Bill Clinton thì tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì.
Việc gấp gáp đưa ba nhân vật do Đại hội 12 đề cử vào chính trường đã gây thêm bao câu hỏi sau khi quá nhiều sóng gió xảy ra trước và trong đại hội. Tuy đã tạm yên nhưng sóng ngầm vẫn làm giới quan sát trong và ngoài nước có cớ để xâu chuỗi các sự việc với nhau và nhiều người tin rằng phe thua cuộc không dễ gì im lặng.

No comments:

Post a Comment