Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ 2016-03-22
Một công ty đang thu mua lúa của nông dân tại tỉnh Cần Thơ, vùng ĐBSCL hôm 10/12/2014
Trước tình hình dòng sông Mekong bị khai thác một cách tùy tiện gây hại cho dân cư sống hai ven bờ; lâu nay nhiều biện pháp được đưa ra để khắc phục tình trạng luôn được cảnh báo như thế.
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường hôm nay, Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Dương Văn Ni, trường Đại học Cần Thơ, về những thông tin liên quan những biện pháp đó.
Cần một sự phối hợp
Gia Minh: Có những biện pháp lâu dài được đề cập đến tại Việt Nam nhưng đã được triển khai thế nào?
Tiến sĩ Dương Văn Ni: Những giải pháp lâu dài nhưng trang bị nhận thức, hiểu biết cho người dân về vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường thay đổi bất cập như vậy; thì vấn đề này tùy thuộc vào từng địa phương. Còn nếu nói trong khu vực thì còn khác nhau giữa các quốc gia nữa.
Nói về các địa phương thì có địa phương phổ biến vấn đề đó cho dân rất sớm, nhưng có những địa phương người dân chẳng hề biết gì về vấn đề đó cả. Cần có một chương trình đồng bộ hơn.
Ba năm trước đây thì trường Đại học Cần Thơ có làm một chương trình giúp cho cộng đồng tự do đạc sự thay đổi trong môi trường chung quanh họ, và họ tự đưa ra những biện pháp khắc phục dưới sự tư vấn của các nhà khoa học. Chúng tôi sử dụng hệ thống điện thọai có sẵn và tư vấn qua tin nhắn chẳng hạn. Chương trình này phát huy tác dụng rất tốt, người dân mình sau ba năm tiếp thu rất nhanh vì người ta có kinh nghiệm sống trong vùng này hằng mấy trăm năm rồi. Gần đây do những thay đổi trong môi trường phức tạp quá, không theo qui luật nào hết nên hệ thống kinh nghiệm của người ta bị mai một; tuy nhiên khi mình khơi dậy và giúp người ta phương pháp, cách làm thì họ tiếp thu rất nhanh.
Tôi cho rằng điều đó nằm trong tầm tay của nhiều địa phương vì với phương tiện hiện đại bây giờ như điện thọai di động… thì theo tôi sẽ giúp người ta rất nhanh mà không phải tốn kém gì nhiều.
Nói về các địa phương thì có địa phương phổ biến vấn đề đó cho dân rất sớm, nhưng có những địa phương người dân chẳng hề biết gì về vấn đề đó cả. Cần có một chương trình đồng bộ hơn.
- Tiến sĩ Dương Văn Ni
Về biện pháp di dân thì nhiều địa phương không quan tâm điều này. Nói riêng Việt Nam, đặc biệt trong năm nay tuyết rơi ở miền bắc khiến ảnh hưởng đến nông nghiệp, trâu bò chết rất nhiều. Ở niền trung thì xảy ra nhiều bão nên nhiều người nghĩ rằng đồng bằng sông Cửu Long là nơi an toàn lắm. Thế nên người ta đến mua đất… khiến mật độ dân số đồng bằng sông Cửu Long tăng lên chóng mặt.
Đó là điều không đúng vì đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối phó với một vấn đề trầm trọng hơn nhiều vùng khác đó là vấn đề nguồn nước. Năm nay đã thiếu nước ngọt sinh hoạt cho vùng duyên hải. Sắp đến mùa mưa sẽ xảy ra vấn đề lũ lụt rất bất cập. Do đó một chiến lược lâu dài dãn dân cho vùng này không thể làm ngày một ngày hai được. Điều trông cậy đầu tiên là hệ thống đào tạo làm sao có nguồn nhân lực có đủ khả năng để khi họ di cư đến chỗ khác thì có thể thích nghi được với môi trường nơi đó. Cứ còn nếu di cư cơ học thì không giải quyết được vấn đề gì hết. Di cư với nguồn nhân lực có thể thích nghi với môi trường mới thì mới có ý nghĩa.
Gia Minh: Không chỉ riêng từng nước mà trong khu vực các nước cũng gặp tình trạng đó như Thái Lan, vậy ông có biết các nước trong khu vực có sự phối hợp nào không?
Tiến sĩ Dương Văn Ni: Theo tôi biết lãnh đạo cấp cao các nước có họp vào năm ngoái tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ cũng bàn bạc việc chia sẽ lợi ích nguồn nước sông Mekong. Đó là thỏa thuận ở cấp rất cao, còn trên thực tế chúng ta thấy chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các quốc gia về vấn đề này.
Rồi thậm chí trong một vùng thì tỉnh đầu nguồn và tỉnh cuối nguồn cũng chưa có sự phối hợp ‘ăn ý’ với nhau về vấn đề này. Kể cả trong cùng một tỉnh: huyện này và huyện khác cũng có mâu thuẫn về việc sử dụng nguồn nước. Ví dụ một tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản thì thích có nước mặn thâm nhập sớm để có thời gian nuôi trồng thủy sản tốt hơn; còn ngược lại tỉnh kế bên có thế mạnh về trồng lúa chẳng hạn thì lại bị ảnh hưởng. Do đó vấn đề mặn - ngọt là một vấn đề phức tạp không chỉ quản lý trên cơ sở đơn thuần về mặt tài nguyên môi trường mà phải tính luôn yếu tố kinh về và xã hội vào; đặc biệt là yếu tố kinh tế. Bởi vì hiện nay người dân đang làm chủ trên mảnh đất của người ta ở một chừng mực nào đó cho nên không thể cấm người ta nuôi con nào hoặc trồng cây gì mà phải có yếu tố thị trường can thiệp vào; đó là một yếu tố tổng hợp.
Vấn đề xã hội cũng vậy, ngưòi dân có quyền di cư đến chỗ nào mua đất, cất nhà ở là quyền của họ. Nhưng phải thông báo cho họ những nơi không phải an toàn tuyệt đối mà có những rủi ro thế nào. Nếu người ta ý thức được như thế thì việc định cư là chọn lựa của họ.
Những khó khăn
Gia Minh: Có những dự án và các nước cũng đến hỗ trợ cho khu vực, thế nhưng nếu triển khai mà không có sự phối hợp thì sẽ bị hạn chế. Ông thấy nguời ta có theo dõi việc triển khai dự án và tính hiệu quả của chúng?
Tiến sĩ Dương Văn Ni: Trước đây vào năm 1995 người ta thành lập tổ chức gọi là Ủy hội Sông Mekong Quốc tế. Kỳ vọng của mọi ngưòi lúc đó là ủy hội đứng ra làm công tác điều phối để giúp cho các lọai dự án, họat động trong khu vực, giúp phát huy tác dụng, tránh trùng lắp, hao tốn nguồn lực, hao tốn tiền bạc. Đặc biệt nó tư vấn cho các cấp lãnh đạo, các chính phủ trong khu vực; nhưng rồi chúng ta thấy tổ chức đó làm việc có hệ thống với các quốc gia hạ lưu Sông Mê kong là Thái Lan, Lào, Kampuchia và Việt Nam; Myanmar và Trung Quốc không tham gia, họ chỉ gửi quan sát viên đến thôi. Đó là một ví dụ phản ánh tổ chức ủy hội sông Mekong không phát huy được vai trò điều phối của họ.
Như vậy, những dự án, những nguồn tài trợ mà không có nguời điều phối thì bị trùng lắp, dẫm chân lẫn nhau; đôi khi chồng chéo đưa đến những kết quả trái ngược nhau. Đó là vấn đề cụ thể của lưu vực sông Mekong hiện nay.
Gia Minh: Còn Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê Kong do Mỹ triển khai thì làm được đến đâu và có kết quả gì không?
Tiến sĩ Dương Văn Ni: Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong (Lower Mekong Initiative) được tuyên bố tại Phukhet cách đây mấy năm. Sáng kiến đó cũng mang một mục tiêu khá tham vọng là điều phối và tập hợp rất nhiều dự án trong khu vực lại, chia sẽ thông tin với nhau. Nhưng hiệu quả thực tế trên thực địa chưa nhiều, rất thấp. Gần đây chúng tôi có đề xuất với chính phủ Mỹ nên xốc lại ‘sáng kiến’ này, và làm vai trò điều phối cho khu vực để nhiều quốc gia tham gia, chia sẻ thông tin; như thế các quốc gia trong khu vực sẽ được hưởng thụ hiệu quả tốt hơn.
Trở ngại lớn nhất là không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình, các dự án lớn nên thiếu thông tin, đặc biệt là thiếu sự chia sẻ những dữ liệu khoa học do đó đôi khi làm chồng chéo, lặp đi lặp lại khiếu tốn thời gian và tiền của.
- Tiến sĩ Dương Văn Ni
Gia Minh: Là người tham gia nghiên cứu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì ông thấy trở ngại lớn nhất cho công tác là gì?
Tiến sĩ Dương Văn Ni: Trở ngại lớn nhất là không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình, các dự án lớn nên thiếu thông tin, đặc biệt là thiếu sự chia sẻ những dữ liệu khoa học do đó đôi khi làm chồng chéo, lặp đi lặp lại khiếu tốn thời gian và tiền của.
Thứ hai cơ chế chuyển tải thông tin hay những kết quả nghiên cứu một cách chính thống lên các cấp lãnh đạo cao hơn thì chưa sử dụng cơ chế đó một cách minh bạch, rõ ràng để mọi người biết khi có được một thông tin khoa học thì chuyển tải lên các cấp lãnh đạo thế nào. Vẫn chưa có cơ chế minh bạch, rõ ràng về điều đó.
Khó khăn thứ ba là các cộng đồng địa phương không có được thông tin. Ví dụ như truớc đây khi Lào xúc tiến xây dựng đậy Xayaburi và gần đây là đập Don Sahong thì nhiều cộng đồng dân cư sống dọc sông Mekong nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long biết và hiểu được điều đó. Khi người dân không có thông tin về những điều đó thì họ trở nên dửng dưng kể cả đối với những kết quả nghiên cứu rất tốt; nhưng rồi họ nói chưa có gì trầm trọng đâu nên họ không quan tâm.
Gia Minh: Cám ơn Tiến sĩ Dương Văn Ni.
No comments:
Post a Comment