Hòa Ái, phóng viên RFA 2016-03-30
Người dân Saigon phản đối chính quyền chặt cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Photo courtesy of danluan
Một số người dân có ý thức tại Sài Gòn, trong mấy ngày cuối tuần qua, bày tỏ phản đối quyết định của chính quyền TP.HCM về việc bứng dưỡng, đốn hạ 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng và tiêu tốn một ngàn tỉ đồng để lót đá hoa cương vỉa hè quận 1. Dân chúng mong đợi một cuộc đối thoại công khai với tân Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Đinh La Thăng về các dự án phát triển đô thị trong thành phố. Liệu rằng nguyện vọng của họ được chính quyền thành phố lắng nghe hay không?
Ngay sau khi nghe được thông báo của Ban quản lý đường sắt đô thị sẽ di dời, chặt hạ 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng do thuộc hạng mục của dự án tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên và dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, một số người dân Sài Gòn và sinh viên trong 3 ngày, 25, 26 và 27 tháng 3 có mặt ở đường Tôn Đức Thắng giăng các biểu ngữ kêu gọi giữ gìn lá phổi đô thị và mong muốn chính quyền lắng nghe, xem xét lại quyết định chặt hạ hàng cây cổ thụ trên một trong những con đường được cho là đẹp nhất thành phố.
Một bạn sinh viên trẻ tuổi lần đầu tiên tham gia giăng biểu ngữ trên đường Tôn Đức Thắng vào sáng 26/3, chia sẻ với đài ACTD cố gắng thể hiện nguyện vọng bảo vệ cây xanh của mình giống như trước đây người dân Hà Nội tuần hành kêu gọi không đốn hạ 6700 cây xanh hồi năm 2015:
Mục đích của em tới đó là để muốn được truyền tải thông điệp của mình đến nhiều người hơn nữa để ngăn chặn việc đốn hạ 300 cây xanh.
- Một sinh viên
“Em theo dõi Facebook thấy người ta hẹn nhau đến đường Tôn Đức Thắng. Em thấy vậy nên em đến đó để giăng biểu ngữ. Mục đích của em tới đó là để muốn được truyền tải thông điệp của mình đến nhiều người hơn nữa để ngăn chặn việc đốn hạ 300 cây xanh”.
Trao đổi qua điện thoại với Hòa Ái, những người xuất hiện cùng bạn sinh viên trẻ tuổi này cho biết họ nhìn thấy bóng dáng của công an nhưng không hề nao núng trong sự kêu gọi người dân Sài Gòn lên tiếng bảo vệ cây xanh.
Tinh thần bảo vệ cây xanh của một nhóm khỏang vài chục người có mặt ở đường Tôn Đức Thắng trong 3 ngày liền, 25, 26 và 27 tháng 3 được lan tỏa qua sự ủng hộ của người dân thành phố trên Fanpage “Bảo vệ cây xanh Sài Gòn” và thông tin mới nhất đến với dân chúng sài thành qua cuộc họp báo vào chiều 28 tháng 3 là giám đốc sở GTVT TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường cho biết sẽ chỉ di dời số cây tác động đến dự án mà thôi.
Tương tự sự phản ứng đối với quyết định chặt hạ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, các chuyên gia và người dân Sài Gòn đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch chính quyền TP.HCM chi ra 1000 tỉ đồng để lót đá hoa cương toàn bộ vỉa hè trung tâm Quận 1. Lý do phản đối vì đó là sự lãng phí và chính quyền thành phố cần tập trung vào các dự án chống ngập và chống ùn tắc giao thông cũng như xây thêm trường học và bệnh viện cho thành phố.
Cũng với tín hiệu lạc quan đối với người dân Sài Gòn, chỉ sau 2 ngày báo giới đưa tin về kế hoạch này, vào sáng 29 tháng 3, Phó chủ tịch UBND quận 1 khẳng định kế hoạch thành phố trị giá 1000 tỉ đồng không lấy từ ngân sách mà do doanh nghiệp trong khu vực quận 1 cam kết đóng góp.
Người dân mong gì?
Trong khi dư luận cho rằng việc phản hồi nhanh chóng của chính quyền TP.HCM trước phản ứng của dân chúng về các dự án phát triển đô thị là một dấu hiệu tích cực thì đài RFA ghi nhận có không ít người bày tỏ không lấy làm tin tưởng về những lời tuyên bố của các vị lãnh đạo chính quyền. Cô Bạch Cúc, người rất quan tâm đến cây xanh ở đường Tôn Đức Thắng, vào tối 29 tháng 3, cho biết cảm nhận khi cô đọc được tin chính quyền nói không chặt hạ 300 cây xanh nữa:
“Thật ra có một số trang báo đăng chính quyền sẽ dừng chặt cây thì Bạch Cúc và các nhóm bảo vệ cây xanh đọc kỹ các bài báo đó và hầu như những bài báo này đã bị rút xuống rồi. Các bài báo không nói gì chính xác về chuyện dừng chặt cây, chỉ là giật tựa đề như thế thôi. Có thể một phần cho dân cảm thấy thắng lợi rồi bắt đầu lơ là và họ sẽ làm gì đó sau lưng. Hôm nay, các nhóm bảo vệ cây xanh còn phát hiện ra chuyện gần các cây to họ trồng thêm các cây nhỏ. Không biết có phải họ đang lập lờ đánh lận con đen là có thể họ sẽ bứng cây hoặc chặt cây bất kỳ lúc nào rồi thay thế bằng những cây nhỏ nhưng người dân không để ý, cứ tưởng hàng cây đó vẫn còn rất nhiều cây. Thành ra, ngày mai, các bạn đó sẽ có một chiến dịch đánh số cây và cột nơ cho cây.”
Cô Bạch Cúc nói thêm rằng người dân Sài Gòn luôn mong chờ được trưng cầu dân ý liên quan đến các dự án phát triển đô thị của thành phố:
...nếu ông Đinh La Thăng coi đây là việc minh bạch, rõ ràng và dám đối thoại trực tiếp với dân để cho dân hiểu thì đó là tín hiệu tốt.
- Cô Bạch Cúc
“Từ xưa đến giờ các vị lãnh đạo chính quyền thành phố không bao giờ có kế hoạch trước khi làm điều gì thông báo cho dân để lấy ý kiến của người dân hết. Về mặt nguyên tắc, về mặt luật lệ thì luôn luôn có câu ‘trưng cầu ý dân’ nhưng thực tế thì toàn đến phút cuối cùng người dân mới biết thông qua báo chí chính thống của nhà nước nhưng giống như chuyện đã rồi thì dân có kêu ca cũng không đâu vào đâu cả. Thành ra nếu ông Đinh La Thăng coi đây là việc minh bạch, rõ ràng và dám đối thoại trực tiếp với dân để cho dân hiểu thì đó là tín hiệu tốt. Và đó cũng là cách để lãnh đạo thành phố tạo sự tin tưởng cho người dân vì từ xưa đến giờ cứ nói một đàng mà làm một nẻo nên dân không còn tin nữa”.
Trả lời câu hỏi liệu rằng nguyện vọng người dân Sài Gòn được đối thoại công khai với tân Bí thư TP.HCM chính đáng hay không và ông Đinh La Thăng có nên đáp ứng nguyện vọng này, cựu Đại biểu Quốc Hội Lê Văn Cuông nêu lên quan điểm của mình:
“Tôi được biết từ ngày ông Đinh La Thăng về làm Bí thư TP.HCM thì có những việc làm rất được lòng dân. Ví dụ như ông đã đi trực tiếp đến những nơi mà người dân đang cần sự có mặt của lãnh đạo thành phố để giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân; thứ hai là lập đường dây nóng để được nghe những thông tin của người dân phản hồi để lãnh đạo thành phố có biện pháp chỉ đạo giải quyết. Đây là những động thái rất được lòng dân. Đối với việc ý kiến của người dân được Bí thư Đinh La Thăng chấp nhận có các cuộc đối thoại cởi mở, công khai, minh bạch trên cơ sở giữa chính quyền và người dân có một sự đồng thuận thống nhất thì sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện được thuận lợi và giữ vững sự ổn định của thành phố”.
Theo diễn biến tại Sài Gòn trong thời gian qua với nhiệt huyết lãnh đạo của vị tân Bí thư Thành ủy và trong xu hướng thông tin cần được công khai, minh bạch giữa chính quyền với người dân, dân chúng ở đây cho biết kỳ vọng vào người điều khiển bộ máy chính quyền TP.HCM, ông Đinh La Thăng sẽ không làm cho họ thất vọng.
No comments:
Post a Comment