Theo Người đưa tin-31-03-2016
Khi làm việc, những tên có khuôn mặt bặm trợn luôn luôn để mắt đến những đứa trẻ, gỗ to gỗ nhỏ chúng cũng đều phải vác như bất kỳ ai.
Em Ly Mí Quả kể chuyện mình chạy trốn.
|
Cuộc sống khổ cực ở lò vắt sức
Từ khi bắt đầu làm nghề viết lách, tôi dành hầu hết thời gian để khám phá cuộc sống Tây Bắc, trong những chuyến đi như thế người viết từng gặp không ít người là nạn nhân của nạn lao động chui. Đó là những Vừ Già Pó, Giàng Mí Páo, Li Mí Na… Nhưng họ là những thanh niên, những người đã trưởng thành trong cộng đồng.
Còn 13 đứa trẻ ở xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê (Hà Giang), đáng nhẽ nếu được đi học, chúng còn chưa học hết cấp 2 thì lí đâu lại vượt biên để bị… vắt sức.
Nhớ câu chuyện với chị Triệu Thị Nga, bí thư thôn Kho Là. Chị nói rằng người dân nơi đây thống khổ từ bao đời, điều đó thể hiện bằng những cuộc “thiên di” nhiều lần.
Đáng nhớ là năm 2006, cả bản làng đang yên phận ở núi Kho Là thì bỗng dưng xuất hiện một trận cuồng phong, kèm theo đó là mưa lớn. Đất đá trên núi sạt lở khiến một cháu bé 6 tuổi chết tức tưởi.
Cả làng sau đó sợ hãi rời xuống thung lũng Nà Suy an cư lạc nghiệp, nhưng chỉ vài năm sau, một trận mưa lớn đã càn quét cả bản làng sạch không một nóc nhà.
Cũng may được dự báo trước nên không thiệt hại về người. Năm 2007, nhà nước hỗ trợ người dân chuyển lên sống ở vùng Kho Là mới này.
Nói như thế, để thấy được cái khó, cái khổ của đồng bào, nên những đứa trẻ mới không được ăn học đàng hoàng, mới nghe theo lời đường mật của những kẻ lạ sang Trung Quốc lao động trái phép.
Trong câu chuyện dở dang với 9 đứa trẻ may mắn trốn chạy được về nhà, tôi có ấn tượng với lời kể của em Ly Mí Quả (14 tuổi). Em nói rằng trong nhóm trẻ trốn thoát được lần này, em là thủ lĩnh, người vạch ra kế hoạch chạy trốn, nhưng cũng gặp rất nhiều lần thất bại. Trở lại với câu chuyện làm thuê xứ người ấy. Quả bảo, cả nhóm phải đi gùi đất để bồi lên những phiến đá tai mèo sau đó mới trồng cây được. Còn đêm xuống, lũ người bên đó đốt đèn cho cả nhóm đào ao, vắt kiệt sức mấy đứa trẻ.
Sau hai ngày làm quen với công việc ban đầu, 13 đứa trẻ được một chiếc xe dạng thùng trở đến một khu đồi khai thác cây bồ đề, keo hoang vắng, chỉ nghe thấy tiếng ve kêu râm ran.
Tại đây, các em gặp một nhóm thanh niên người H’Mông khác, họ cũng nói rằng bị anh em lừa sang bên này làm thuê, quê họ ở tận huyện biên giới Mèo Vạc.
Đến vùng rừng rú hoang vu này, ai cũng như ai, không ngoại lệ trẻ em hay người lớn, con gái cũng vậy, đêm xuống cùng nhau nằm chung một túp lều. Ăn hay uống cũng tại đây, ai buồn vệ sinh thì chạy vào rừng. Có điều mỗi khi làm việc, những tên Trung Quốc có khuôn mặt băm trợn luôn luôn để mắt đến những đứa trẻ, gỗ to gỗ nhỏ chúng cũng đều phải vác như bất kỳ ai.
Theo Quả, có lần bạn trong nhóm cùng đi là Giàng Thị Vá (14 tuổi) đang vác cây thì bị ngã, chân phải bong gân không thể đi tiếp. Thấy vậy, một tên béo mập lại gần dọa dẫm, rằng không làm tiếp thì sẽ bán Vá vào nhà chứa, động quỷ để phục vụ những quý ông.
Nghe vậy mấy đứa trẻ trong nhóm ai cũng hoảng. Lại thêm chuyện mấy thanh niên quê Mèo Vạc kia bảo rằng, trước đây nơi này cũng từng có những thiếu nữ bị lừa sang làm thuê, nhưng cuối cùng lại biến mất, nghe đâu đã bị người ta bán lấy tiền rồi.
Những cuộc chạy trốn
Sợ hãi và khổ sở khi bị vắt sức, cả nhóm lên kế hoạch bỏ trốn. Tuy nhiên muốn đi đâu thì cũng phải có tiền, vì vậy mấy đứa trẻ đã cùng nhau xin “lão” cai người Trung Quốc ứng trước một số tiền. Nhưng cuối cùng không được gã đáp ứng.
Theo kế hoạch, nhóm của Quả hẹn mọi người sẽ tụ tập tại bìa rừng gần cổng ra vào khu làm việc khoảng thời gian 2h đêm. Sau đó mới cùng nhau tìm đường lẻn ra ngoài để tránh sự chú ý của những tên bảo vệ. Đồng thời cũng báo trước mọi người đều phải mang đầy đủ quần áo, đồ dùng cần thiết khi bỏ trốn.
Kế hoạch được lên lịch khá tỉ mỉ, nhưng có điều chưa kỹ lưỡng. Điều đó khiến những dự tính chạy trốn của nhóm đào tẩu nhí đã thất bại. Theo đó, khi cả nhóm đang quanh quẩn chuẩn bị trốn ra ngoài thì phát hiện gần tường rào bên ngoài còn nhiều tên bảo vệ đang còn đánh bạc chưa đi ngủ. Thấy vậy, cả nhóm đành quay trở lại lều ngủ và coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Lần thứ hai lên kế hoạch, cậu bé Giàng Mí Chơ là người dò đường đầu tiên trong nhóm. Chẳng là trong lúc đang vác gỗ, Chơ nói rằng mình đau bụng, khi giả vờ đi ngoài thì Chơ phát hiện quanh khu rừng có một hủm sâu, phía dưới có cống thoát nước. Điều đó đã giúp Chơ nảy ra ý tưởng sẽ rủ bạn bè cùng chạy trốn theo con đường này.
Tất cả 13 đứa trẻ đã sẵn sàng, trong khoảng 1h30 đêm, cả nhóm cùng nhau lội nước theo cống hòng thoát ra ngoài. Nhưng mải miết đi được đoạn thì phát hiện cống nước bị tắc. Một hòn đá to tướng chắn ngang lối thoát, lũ trẻ lại một lần nữa phải quay trở lại chỗ ngủ.
Gần một tuần lễ lên kế hoạch tẩu thoát không thành, những đứa trẻ thông minh và gan dạ bắt đầu tính đến phương án tối ưu và an toàn hơn. Lần này, chúng cho một người giả vợ đau bụng kêu oai oái, để thu hút sự chú ý của những tên cai và bảo vệ, sau đó chính Quả là người trực tiếp đi dò đường.
Nhân cơ hội này, Quả chạy lên trên một bãi đất nhô cao rồi quan sát phía tường rào bên dưới. Cậu bé phát hiện có một khoảng trống mà những tên cai Trung Quốc không xây tường rào hết, bởi chỗ đó vướng phải bụi tre lớn. Đây là điểm yếu duy nhất trong khu vực “lò vắt sức” này, nếu muốn thoát ra ngoài không thể có con đường nào khác thuận lợi hơn nữa.
Cảnh sinh hoạt của người dân ở thôn Kho Là. |
Từ những tính toán thời gian, địa điểm cặn kẽ. Quả dẫn đường các bạn cùng nhóm của mình chui qua bụi tre. Tuy nhiên, nhóm của Quả lại không may khi gặp phải một tên tuần tra tại đây bắt gặp, gã hô hào những tên còn lại vây bắt lũ trẻ xấu số.
“Chúng em gần như sắp chui ra hết bên ngoài rồi. Chỉ còn có hai bạn nữa thôi, nhưng không may bạn Giàng Thị Sính va phải một đoạn tre khô, tiếng gãy của tre đã thu hút sự chú ý của một tên bảo vệ. Ngay lúc đó, gã chạy lại lấy đèn soi thấy chúng em và hô hào những tên còn lại rượt đuổi cả nhóm”. Quả kể.
Lần chạy thục mạng này theo Quả có đến 4 người đã bị bắt lại. Chỉ có 9 đứa trẻ may mắn chạy thoát khỏi khu rừng, thời gian chạy trốn đó những tên băm trợn tại đây đã truy lùng cả nhóm ráo riết, họ nói tiếng H’Mông rằng nếu chúng tôi còn trốn trong rừng để chúng bắt được chúng sẽ giết.
Thời điểm ở “rừng thiêng, nước độc này”, cả nhóm có khi đói khát quá phải ngắt cả hoa quả rừng ăn tạm. Sau đó mãi đến một địa điểm đông người thì lại gặp những người Trung Quốc tốt bụng, họ cho nhóm của em Quả ăn no nê món mì ở bên đó, thậm chí còn tặng mấy đứa cả quần áo mới.
Khi nghe Quả và các bạn của mình kể về hành trình chạy trốn này, tôi có cảm tưởng nếu như các em không may mắn, không bị cảnh sát Trung Quốc bắt vì không có giấy tờ tùy thân trên người. Thì rất có thể 9 đứa trẻ này sẽ trở thành những Vừ Già Pó, những “thánh phượt” vượt mấy nghìn km chỉ vì cả tin, rồi bị người ta lừa đi làm thuê ở xứ người.
Chị Hoàng Thị Tình, bí thư xã Minh Sơn cho biết: “Xã đã nhận được thông tin từ phía cửa khẩu biên phòng Móng Cái cho biết, cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện 9 đứa trẻ không có giấy tờ tùy thân trên người và bàn giao lại cho đồn biên phòng bên đó. Ngay sau đó, chúng tôi đã thuê một xe khách 24 chỗ ngồi xuống thành phố Hà Giang để làm thủ tục bàn giao và nhận người đưa về địa phương”. |
No comments:
Post a Comment