Một số điểm cho vay lãi suất cao ở Thủ đô.
“Hút máu” sinh viên
Cổng trường Đại học (ĐH) Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đến 5-6 điểm cho vay, cầm đồ mọc lên. N.P.Q, một sinh viên luôn trong tình trạng “cháy túi” chia sẻ: “Ở đây, chỉ có một số ít sinh viên đi vay để đóng tiền học thôi, còn lại khá nhiều bạn chơi cá độ, cờ bạc phải đi vay lãi. Nhiều bạn không trả được, phải gọi cả bố mẹ lên trả thay”.
Như để chứng minh, Q. cho chúng tôi theo chân vào một điểm vay sinh viên. Một căn phòng nhỏ kê một chiếc bàn với hai chiếc ghế. Người đàn ông gầy gò, trạc trung niên tiếp chúng tôi. Biết khách đến vay tiền, chẳng cần rót nước, với thái độ lạnh nhạt, ông ta hỏi Q. về CMTND và thẻ sinh viên. Sau khi xem xét một lượt, người đàn ông bật máy tính rồi hỏi mật khẩu vào trang cá nhân.
Q. kín đáo cho biết: “Ông ta kiểm tra trang cá nhân của mình xem có đúng sinh viên ở trường này không, tình trạng học lực, hạnh kiểm thế nào?”. Một lát, người đàn ông này bảo Q. gọi điện cho bố hoặc mẹ, nói chuyện gì cũng được nhưng phải bật loa ngoài. Người đàn ông đề nghị Q. ghi lại số điện thoại vừa gọi, đồng thời cẩn thận kiểm tra lại trên điện thoại xem có chính xác không.
Thấy đáng tin, người đàn ông này bảo Q. ký vào một tờ giấy trên đó ghi rõ số tiền vay là 5 triệu đồng rồi để lại cả CMTND và thẻ sinh viên lại. Q. hỏi lãi suất thì được trả lời 7.000 đồng/triệu/ngày. Ký xong, người đàn ông mở tủ lấy tiền đưa cho Q. và nói: “5 triệu trừ đi 350 nghìn, lãi của 10 ngày”. Cầm tiền ra khỏi cửa, Q. cho biết ở đây khách đều bị “cắt phế” trước như thế. Cũng theo lời Q., sinh viên hay vay vốn sau khi “thế chấp thẻ” thường báo mất thẻ sinh viên để nhà trường làm thêm thẻ nữa để đến trường.
Với những sinh viên vay tiền lãi suất nóng, nỗi lo thường trực là trả lãi hàng ngày và trả gốc khi đáo hạn. V.B.Đ., quê ở Bắc Giang, sinh viên tại ĐH Công nghiệp Thái Nguyên, trót nghiện game online nên Đ. đổ khá nhiều tiền cho các quán net. Tiền bố mẹ cho đóng học, Đ. nhanh chóng nướng vào các trò chơi trên Internet.
Đến kỳ đóng học phí, Đ. bắt buộc phải vay ngoài. Khi hạn trả nợ cận kề cũng là lúc Đ. thường xuyên nhận được điện thoại đôn đốc của các chủ nợ. Không nghe máy thì ngay lập tức chủ nợ điện thoại cho gia đình với lý do nghe rất mùi mẫn: “Cháu là bạn của Đ., không hiểu mấy ngày hôm nay Đ. bị làm sao mà không nghe máy?” khiến cả nhà một phen hốt hoảng.
Không chỉ có vậy, một tốp thanh niên tóc xanh, tóc đỏ đến gõ cửa phòng trọ, “hỏi thăm sức khỏe” của Đ. theo lệnh của chủ nợ khiến Đ. đứng ngồi không yên. Nghĩ quẩn, một buổi chiều Đ. đánh liều vào phòng của một số bạn nữ trộm chiếc laptop đi bán lấy tiền trả nợ. Vụ việc bị phát giác, Đ. bị đưa lên công an, đình chỉ học.
Nhiều khuất tất dưới vỏ bọc “hỗ trợ tài chính”
Lực lượng tham gia thị trường cho vay nặng lãi đang có sự phát triển nhanh về số lượng và không chỉ có các cá nhân mà rất nhiều doanh nghiệp cũng tham gia. Khảo sát qua các tờ rơi, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T.T., Công ty cổ phần T.P., (đều ở Khương Thượng), Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ V.L.H (Ô Chợ Dừa), Công ty TNHH Q.M.... cũng thông báo cho vay tín chấp, hỗ trợ tài chính phục vụ tiêu dùng, kinh doanh.
Theo thông tin trên tờ rơi về trường hợp cho vay qua lương, chúng tôi tìm đến một địa chỉ trên phố Trần Điền (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội). Cửa hàng trưng biển cho vay, hỗ trợ tài chính ngay mặt đường. Trong nhà, có tên là Cty TNHH thương mại và dịch vụ T.T. Tiếp chúng tôi là một thanh niên trẻ khoảng trên 20 tuổi. Thấy khách hàng, người đàn ông đang sửa bàn ghế bên cạnh vội dừng lại, bảo người đưa cho điện thoại và chụp ảnh khách.
Chụp ảnh xong, người này lại tiếp tục sửa bàn ghế, trên ngực lộ vài ba hình xăm. Chúng tôi nói đang cần tiền vì có một người em bị tai nạn đang nằm Bệnh viện Việt Đức. Thấy vậy, người đàn ông xăm trổ góp lời: “Chắc là phải mổ cả đầu thì mới vay đến bằng đấy”, rồi tiếp tục truy vấn: vì sao không gọi điện cho bố mẹ, lấy tiền đâu ra trả nợ, bị tai nạn mấy hôm rồi sao bây giờ mới đi vay...
Có vẻ nhã nhặn hơn một chút, người thanh niên trẻ hỏi chúng tôi nhiều thông tin, từ tên, tuổi, địa chỉ nhà ở, nhà trọ, cửa hàng, mức thu nhập, dạng hợp đồng công việc… và ghi lại vào một tờ giấy rồi tư vấn: “Với mức thu nhập của anh là 5,5 triệu/tháng, lại phải trả tiền thuê nhà, chúng em chỉ cho vay được khoảng 10 triệu thôi. Mức lãi là 4.000 đồng/triệu/ngày”, người này nói.
Theo thông tin trên một tờ rơi khác ghi đơn vị cho vay là “Ngân hàng 100% vốn nước ngoài” nhưng không ghi tên ngân hàng cụ thể, với các hình thức cho vay không thế chấp, không bảo lãnh, vay theo lương, theo bảo hiểm nhân thọ và vay theo... tiền điện.
Chúng tôi liên hệ trực tiếp với một người có tên là Hùng, số điện thoại 0911.0813xx thì được tư vấn: Nếu muốn vay thì phải có giấy xác nhận tạm trú tại Hà Nội, có bảng lương và có thể được vay đến 50 triệu đồng nhưng anh ta sẽ đến tận nhà để kiểm tra thực tế. Khi hỏi ngân hàng 100% vốn nước ngoài là đơn vị nào thì Hùng cho biết, anh ta đang làm cho Ngân hàng thịnh vượng Việt Nam - VPBank. Trong khi, VPBank hiện nay là Ngân hàng thương mại cổ phần trong nước chứ chưa bao giờ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
09:32 | 31/03/2016
Theo Báo Tiền Phong
No comments:
Post a Comment