Monday, March 21, 2016

Người dân Hà Nội với bầu cử Quốc hội

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-03-21  
000_Hkg10257099
Hai nông dân chở nhau về nhà sau một ngày làm đồng ở ngoại ô Hà Nội hôm 18/2/2016.  AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Bầu cử Quốc hội Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 năm 2016. Có thể nói đây là cuộc bầu cử sôi động nhất sau bốn mươi năm gọi là thống nhất hai miền Nam Bắc, bởi số lượng ứng cử viên tự do tham gia ứng cử lên đến gần một trăm người trên cả ba miền đất nước. Trong đó, những ứng viên tự do ở Hà Nội lên đến 48 người. Đặc biệt, những ứng viên tự do đều là những nhà đấu tranh cho dân quyền. Và đương nhiên họ gặp rất nhiều khó khăn do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gây ra. Nhưng chính sự khó khăn cũng như xác suất trúng cử rất thấp của các ứng viên tự do lại là tia hy vọng cho nền dân chủ Việt Nam trong tương lai và dự báo về một xã hội dân sự đang thực sự đến gần với Việt Nam.
Ứng viên tự do gặp nhiều “mũi tấn công”
Một blogger ở Hà Nội đưa ra nhận định về vấn đề bầu cử quốc hội cũng như những khó khăn của các ứng viên tự do: “Theo mình thì không thể vào được. Do hiệp thương, đấu tố và hơn nữa vấn đề kiểm phiếu ở địa phương nữa… Các ứng viên tự do rất khó để vào quốc hội!”.
Theo blogger này, cuộc bầu cử quốc hội khóa 14 năm 2016 có vẻ xôm tụ và rộn ràng hơn mọi cuộc bầu cử quốc hội trước bởi nhờ số lượng ứng viên tự do tham gia tranh cử nhiều vượt trội. Bên cạnh đó các hoạt động vận động cử tri mang đậm dấu ấn dân chủ, ít nhiều mang bóng dáng của các cuộc vận động tranh cử ở các nước tư bản tiến bộ. Việc các ứng viên tự do đã sử dụng thông qua internet và tạo hình ảnh cũng làm cho bầu cử khóa 14 trở nên sôi động.
Điều này làm giảm bớt không khí ù lỳ, trì trệ theo kiểu đảng cử dân bầu và dân có không bầu mà đảng cử rồi thì nhất định trúng cử của nhiều lần bầu cử quốc hội cũng như hội đồng nhân dân ba cấp trước đây. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, có một thực tế khó phủ nhận là mặc dù cuộc bầu cử chưa diễn ra nhưng những người ủng hộ các ứng viên tự do vẫn thấy rằng người mình tín nhiệm sẽ khó mà trúng cử.
Blogger này nói rằng hầu hết các thùng phiếu được giữ bởi các thành viên Mặt trận tổ quốc và các đảng viên Cộng sản tăng cường. Và mặc dù đây là bầu phiếu kín, thùng phiếu được niêm phong nhưng chính cái chỉ số thi đua trong ngày bầu cử do trung ương đảng chỉ định đã vô hình trung tạo một kẽ hở rất lớn trong bầu cử.
Lấy một ví dụ về vấn đề kẽ hở, blogger này nói rằng trong đợt bầu cử quốc hội khóa 13, anh đã gạch bỏ gần hết tên các ứng cử viên do đảng đề cử. Và đúng nguyên tắc thì đây là việc riêng của anh, không ai được phép xen vào. Nhưng lúc đó, một người trong hội đồng bầu cử địa phương đã theo dõi quá trình gạch phiếu của anh, yêu cầu anh bầu lại cho hợp lệ. Anh lắc đầu, tuyên bố đó là quyền và lựa chọn của anh.
Nhưng kết quả, khu vực anh tham gia bầu cử tuyên bố đã có 100% số phiếu bầu hợp lệ và 100% lá phiếu ủng hộ các ông A, B, C là đại biểu quốc hội. Như vậy cũng đủ thấy tính hình thức và không trung thực trong các cuộc bầu cử quốc hội. Và lần này, tuy không khí vận động có vẻ sôi nổi nhờ vào các ứng viên tự do nhưng anh tin chắc là kết quả bầu cử đã có trước khi bầu và hiếm có ứng viên tự do nào đắc cử, trừ khi các ứng viên tự do được quyền cử người thân tham gia hội đồng bầu cử và đưa đại diện cùng giám sát tất cả các điểm bầu cử để cuối cùng là cùng kiểm phiếu mới có thể có kết quả khách quan. Nhưng chuyện này nghe ra quá khó!
Kết quả bầu cử có công khai và công bằng?
Một nhà văn ở Hà Nội, ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, chia sẻ về chuyện bầu cử quốc hội sắp tới: “Ờ đây là cái qui định của chúng nó thôi. Nôm na là nó không bầu trực tiếp, nói chung là chúng nó tự đề cử với nhau chứ không phải do dân đề cử. Nói chung mình không rõ ba cái trò này lắm…”.
Theo nhà văn này, những ứng viên tự do chiếm con số kha khá trong đợt bầu cử sắp tới là một tín hiệu mừng. Nhưng mà là tín hiệu mừng cho thái độ lựa chọn của số đông trí thức Việt Nam chứ không phải tín hiệu mừng về sự cởi mở, thông thoáng trong cơ chế độc đảng, độc tài Cộng sản.
Bởi tất cả những trò đấu tố, qui chụp mà ông Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với nhóm các đảng viên gọi là Đoàn Giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia đã bày ra. Rằng có một số người tự ứng cử nhờ vào các tổ chức phản động trong và ngoài nước đứng sau lưng nhưng lại không hề đưa ra bất kì thông số chuẩn xác nào về cái điều mà họ gọi là “phản động”.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm tham gia Hội nhà văn và từng bầu bán nhiều lần, vị nhà văn này đưa ra kết luận là hầu hết các cuộc bầu bán, ngay cả trong hội nhà văn, nơi tập hợp của các trí thức, văn nghệ sĩ vẫn chịu áp lực chỉ định từ trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Và bầu cử quốc hội thì đương nhiên là chuyện chỉ định, đặt để nhân vật trong bộ máy quốc hội càng nặng nề hơn. Vị này nhấn mạnh rằng quốc hội Việt Nam là một bộ máy trực thuộc đảng cộng sản, được điều khiển bởi đảng chứ không phải là một cơ quan lập pháp nghiêm túc và độc lập.
Một nữ giáo viên trung học phổ thông ở quận Hoàn Kiếm, hà Nội chia sẻ: “Cũng khó, nhưng mà suy ra cũng có cái để lạc quan. Những người ông Quang A, Nguyễn Cảnh Bình đều được lòng công chúng. Họ có thể cạnh tranh được nhiều phiếu hơn… Nhưng mà trong tình hình chính trị hiện tại thì khó mà đoán trước được. Mình cũng chờ xem vậy thôi chứ khó nói lắm!”.
Theo nữ giáo viên này, việc các ứng viên tự do gồm những nhà trí thức có uy tín và những người đang đấu tranh do dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam tham gia ứng cử là một phép thử thông minh trước cái điều gọi là “dân chủ đến thế là cùng!” do chính miệng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ra.
Và phép thử này sẽ làm rõ chân tướng được ít nhất cũng là tính hai mặt trong diễn ngôn của người Cộng sản. Bởi dù không nói ra, nhưng người dân có quan tâm đến thời sự, chính trị luôn xem mỗi lời phát biểu của các lãnh đạo cộng sản là một tấm huân chương. Ở đó, mặt phải của tấm huân chương lấp lánh màu sắc và đôi khi sặc sỡ những thành tích hay chiến công. Nhưng mặt trái của tấm huân chương lúc nào cũng gồ ghề và bụi bặm, có khi thô thiển bởi được làm qua loa chiếu lệ. Và diễn ngôn của người Cộng sản là một tấm huân chương với đầy đủ tính chất của hai mặt của nó.
Nữ giáo viên này đưa ra kết luận rằng chị đã chuẩn bị tinh thần để xem vở kịch bầu cử quốc hội lần này kết thúc ra sao chứ chị chưa bao giờ có ý niệm về sự đắc cử của các ứng viên tự do. Nhưng dù sao, càng nhiều ứng viên tự do đăng ký ứng cử quốc hội càng giúp đất nước nhanh chóng đến gần với dân chủ và tự do. Bởi tự do bắt nguồn từ ý thức tự do và lại được đánh thức bởi những hành động tự do, công khai và quyết liệt trong lần bầu cử quốc hội thứ 14 này!

No comments:

Post a Comment