Monday, March 21, 2016

Giám đốc IMF nói kinh tế Việt Nam có nguy cơ nếu không cải cách

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde.
VOA-21.03.2016

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói hôm 18/3 rằng Việt Nam có nguy cơ dễ bị tổn thương do các cú sốc từ bên ngoài nếu Việt Nam không thúc đẩy các cải cách nhằm tăng cường hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Trong một cuộc phỏng vấn ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Lagarde nói nếu không có cải cách, Việt Nam không sẵn sàng để hứng chịu các tác động kinh tế do việc thắt chặt ở những nước khác, hàng hóa giảm giá sâu và kéo dài, cũng như Trung Quốc giảm tăng trưởng.
Nhờ hội nhập với kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tăng trưởng và giảm nghèo. Theo khảo sát của Bloomberg, dự báo tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 6,6% năm nay. Hồi tuần trước, khi ở thăm Việt Nam, bà Lagarde nói Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Giám đốc IMF nói Việt Nam đã làm tốt về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong một môi trường khó khăn khi phần còn lại của thế giới không tăng trưởng nhanh. Việt Nam cũng làm rất tốt việc giảm nghèo và không tăng bất bình đẳng, bà cho hay. Bà cũng nói tiềm năng của Việt nam rất đáng chú ý.
Bà Lagarde nhận định Việt Nam cần áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt nhiều hơn nữa để giảm tác động của các cú sốc kinh tế từ nước ngoài và củng cố dự trữ ngoại tệ. Theo bà, cải cách doanh nghiệp nhà nước và giải quyết nợ xấu của ngân hàng sẽ tạo ra hiệu quả bù đắp cho tình trạng lực lượng lao động đang già đi, một lực cản đối với tăng trưởng trong tương lai.
“Chúng tôi tin là hệ thống ngân hàng cần được làm cho trở nên mạnh hơn, tốt hơn và vốn hóa nhiều hơn, cũng như giảm tài sản có vấn đề trong bảng cân đối của họ, để các ngân hàng có thể thực sự tiếp nhiên liệu cho nền kinh tế”, bà Lagarde nói. Bà cho rằng các doanh nghiệp nhà nước cần phải được quản trị tốt hơn để họ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.
Về tình trạng nợ công cao trong khi dân số đang già đi, bà đưa ra nhận xét: “Khi vừa có nợ cao lẫn lực lượng ở tuổi lao động giảm nhẹ dần, người ta cần phải rất cẩn thận với ổn định vĩ mô. Cần phải cẩn thận với lợi tức thu được và chi dùng nó như thế nào”.
Theo Bloomberg, Bangkok Post.

No comments:

Post a Comment