Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Nếu coi dân chủ, nhân quyền là một chiếc bánh, thì tự do ngôn luận là một góc của chiếc bánh ấy. Người dân Việt Nam chúng ta chưa bao giờ được nếm mùi vị thật của nó nhưng được ném cho một chiếc bánh khổng lồ mang tên “dân chủ gấp triệu lần tư bản” - theo cách “nổ” của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Cho nên mới có cụm từ “dân chủ giả hiệu”, hay “dân chủ bánh vẽ” để miêu tả thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Nói cho ngắn gọn, kể từ khi đảng trở thành người đầy tớ vĩ đại của dân, thì chúng ta được no nê món ăn bánh vẽ. No đến bội thực cái thằng dân.
Nhưng đừng tưởng ăn bánh vẽ mà đã được yên thân. Nhiều lúc cũng bị đe, bị nạt, bị dọa, bị hù cắt khẩu phần như chơi. Ví dụ như mới sáng ngày 21/3/2016, ông Hà Minh Huệ, đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận đe như sau: “Theo tôi phải cấm luôn việc này, không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với chính sách thông tin Nhà nước hay của cơ quan báo chí”. (1)
Báo lề đảng dẫn ý kiến của ông Huệ về việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi, cho rằng cần bổ sung một số quy định vào điều 25 về nghĩa vụ của phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với chính sách thông tin của cơ quan báo chí. Ông Huệ cũng buộc tội nhà báo “lề đảng” là “hai mặt”: “Anh không thể hai mặt, anh nói ở cơ quan chính thống thế này nhưng đưa lên mạng xã hội thông tin lại khác.”
Cho nên, ở thiên đường xã hội dân chủ gấp triệu lần này, nhà báo chỉ có một mặt (nạ): mặt của đảng.
Vì thế, chỉ một câu ngắn gọn ông Huệ “đảng biểu” đã lột trần lột trụi của nào là đại biểu quốc hội, nào là nhà báo, phóng viên và cái thứ gọi là “chính thống”. Người ta sẽ đặt câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp của cánh báo chí “đảng ta”. Các “nhà báo cách mạng” lúc ngồi ở cơ quan chính thống thì nói thế này, nhưng lên mạng xã hội thì nói thế khác. Cũng phải đặt câu hỏi vì sao lại thế? Vì báo chí, truyền thông chính là mạch máu nuôi sống chế độ cộng sản. Vai trò lớn nhất của nó là tuyên truyền, thông tin nào có lợi cho đảng thì đăng, thông tin nào bất lợi cho đảng thì dẹp. Không có truyền thông nói láo, thì dù quân đội, công an có mạnh đến đâu chế độ cũng rụng. Tiêu chí “sự thật” không có đất sống trong nền báo chí cộng sản. Cánh nhà báo, thỉnh thoảng cũng liều lĩnh vượt rào vì chán ngán, bất mãn việc cứ phải nói sai, nói leo ăn theo để giữ nồi cơm. Do vậy mới có tình trạng “lên mạng xã hội đưa thông tin khác” (tức thông tin trái với ý đảng) như lời ông Huệ than vãn.
Xét cho cùng, cái chính thống mà ông Huệ nhắc đến nó... chả ra thể thống gì.
Đã mang cái danh đại biểu quốc hội, tức người đại diện của dân thì ít ra ông Huệ cũng phải bảo vệ quyền lợi của dân chứ. Đằng này cứ muốn khóa mồm người dân lại, ngay cả quyền ú ớ cũng không cho. Viết đến đây chợt bật cười vì cái sự ngây thơ của mình. Giời ạ, “đảng cử dân bị lùa đi bầu” thì sao gọi là bầu cử được. Nhưng thôi, chuyện ấy sẽ bàn vào dịp khác.
Chuyện đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ muốn tước quyền ú ớ của cánh nhà báo, tức cắt khẩu phần bánh vẽ của người dân làm tôi nhớ đến những phát biểu hùng hồn của ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cách đây một tháng lẻ mấy ngày: “Các đồng chí nhớ rằng quyền mở mồm ra là quyền của mỗi người dân”, và “quản lý không có nghĩa là cấm đoán, quản lý mà để hiểu rằng siết lò xo lại không cho người ta làm cái gì là vi phạm Hiến pháp đấy.” (2)
Hiến pháp cũng chả to, khi cần vẫn có thể sửa đổi để củng cố quyền lực độc tôn của đám “đầy tớ nhân dân” cơ mà.
Buồn cười ở chỗ: Chủ tịch quốc hội nói một đàng, đại biểu quốc hội nói một nẻo.
Nhà báo thì hai mặt, hiến pháp quy định một kiểu, thực tế diễn ra kiểu khác. Chưa kể chính thống với thể thống chả cái nào giống cái nào.
Thôi thì cứ chờ xem ông đại biểu Quốc Hội tỉnh Bình Thuận và những ông to bà lớn đang cắm rễ ở Ba Đình sẽ đối phó thế nào trước nhu cầu mở miệng của người dân trong thời đại thông tin toàn cầu này.
Sẽ có lúc tự do, nhân quyền, dân chủ không còn là chiếc bánh vẽ nữa. Nó sẽ trở thành những thực quyền của người dân. Còn bây giờ, cứ cấm đi nếu có thể.
No comments:
Post a Comment