Đào Đức Thông-03-29-2016
(VNTB) - Chúng ta có cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể sập cầu, cháy, phát nổ ở đâu đấy. Bất trắc khủng khiếp!
Ngày Quốc tế Hạnh phúc hay là Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) là ngày 20 tháng 3 hàng năm, kể từ năm 2013.
Ngày lễ quốc tế này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định chính thức khi tất cả 193 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Nghị quyết A/RES/66/281 ngày 20 tháng 6 năm 2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 là ngày để cả thế giới quan tâm đến vấn đề cốt lõi trong cuộc sống: Làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống này?
Sập cầu, cháy chợ, hạn hán…
Vào ngày 20/3/2016, trong lúc trên mạng xã hội tưng bừng những bức ảnh đẹp mừng ngày Quốc tế hạnh phúc. Báo chí trong nước Việt Nam cũng ngập tin sập cầu, cháy chợ ở Biên hòa, một đám cháy ở Viglacera Phúc Yên. Sau khi đăng, có thêm đọc giả bổ sung về một vụ cháy ở trường Đại học Đà Lạt.
Đồng thời cũng trong ngày này, nhiều tin nóng hổi miên man về nạn hạn hán miền Tây Nam bộ, hạn hán Tây Nguyên, cháy rừng Nghệ An. Dư âm nổ bom (có người cho là mìn chống tăng) ở giữa một khu dân cư Hà nội vẫn còn để lại nỗi đau khốn xiết tột cùng. Và tin Quốc hội XIII bầu chọn Chủ tịch và Thủ tướng cho khóa mới vẫn sôi trong dư luận.
Cuối ngày 20/3 là một video Clip được úp lên mạng xã hội Facebook nội dung về một em bé người Dao 11 tuổi mồ côi đang đập đá như tù khổ sai để kiếm tiền nuôi thân.
Nhưng có những tin không được các báo lề phải trong nước đưa hoặc không được để ý là giá cao su và cà phê đang sụt làm hàng vạn người lo lắng trên Tây Nguyên. Giá lúa gạo tăng do nguy cơ mất mùa làm nhiều nhà nông lo bỏ làng đi kiếm ăn xa. Giá nước ngọt tăng ở vùng lục tỉnh do mặn xâm thực đang làm tăng cơn khát của hàng ngàn gia đình Việt Nam.
Còn cũng có những tin mà báo chí trong nước không đưa vì với họ đó là chuyện định kỳ. Trung bình mỗi ngày có 30 người chết vì tai nạn giao thông. Gấp 7 lần số này là số người chết vì ung thư. Số trẻ em chết không rõ nguyên nhân mỗi ngày là 70 gấp hơn 2 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Cuối cùng là mỗi ngày có 2 sản phụ tử vong.
Chúng ta có cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể sập cầu, cháy, phát nổ ở đâu đấy. Bất trắc khủng khiếp. Con người Việt Nam vẫn chỉ nghĩ đến việc kiếm ăn. Họ có thể làm bất cứ thứ gì để sống hoặc kiếm tiền : dùng thực phẩm thiu thối, độc hại, cạy cả đường ray tàu hỏa để bán, cưa cả bom mìn, đâm chém nhau khi tranh giành một chỗ bán hàng, lừa lọc nhau như "đa cấp" Liên Việt, dùng tre gỗ thay cốt thép vào cả những công trình xây dựng lớn của Nhà nước, mua đồ phế thải hoặc cũ của nước ngoài để ăn hoa hồng....
Vì miếng cơm, manh áo mà con người ta có thể làm bất kể điều gì, kể cả ăn thịt đồng loại, loài người nói chung là thứ thông minh văn minh nhất, nhưng cũng là kẻ dã man nhất.
Ngày nay nhiều giá trị đạo đức trong gia đình người Việt đã bị mai một như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... bị phá vỡ. Trẻ em thì hư hỏng, bị nhồi sọ văn hóa phẩm tiêu cực, bỏ học lang thang kiếm sống, thiếu sự chăm sóc của gia đình. Đặc biệt, mâu thuẫn, bạo lực gia đình trong xã hội Việt Nam cũng có “diễn biến phức tạp”. Nguyên nhân của các mặt tồn tại này thì nhiều, song nổi cộm hơn cả đó là do sự tác động của mặt trái xu thế toàn cầu hóa. Hoặc cũng có thể một bộ phận do chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của gia đình vì thế mà những giá trị của gia đình truyền thống chưa thật sự được quan tâm, chưa thấy hết và khai thác tốt tiềm lực kinh tế gia đình để hướng đến hạnh phúc, yêu thương.
Hơn 40 năm chấm dứt chiến tranh, với một đất nước có nhiều khoáng sản, có vị trí địa lý mà bao quốc gia khác thèm muốn, nhưng sao đến bây giờ người dân Việt Nam ta vẫn lam lũ! Phải chăng nguyên nhân chính là do lãnh đạo đất nước Việt Nam đang đi theo cái chủ nghĩa mà nó không hề có thực?!!!
No comments:
Post a Comment