Trong 9 tấn chất cấm này, 6 tấn đã chui vào bụng người Việt.
Chất cấm Salbutamol được người chăn nuôi bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ. Ảnh: Tuổi trẻ.
Hơn 6 tấn chất cấm Salbutamol đã được bán ra thị trường. 99% số này đã được sử dụng để giúp 6 triệu con lợn bung đùi, nở vai và chui vào bụng người Việt, do chất cấm này có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến.
Salbutamol bị xếp vào danh mục 18 hóa chất bị cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng Bộ Y tế vẫn cấp phép nhập khẩu dưới dạng thuốc điều trị. Chỉ tiếc là chỉ 1% lượng Salbutamol nhập về Việt Nam được sử dụng đúng mục đích.
Chất cấm Salbutamol được người chăn nuôi bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ. Đáng lưu ý là heo sau một thời gian ăn chất cấm có xương rất yếu nên chúng dễ bị gãy xương trong quá trình vận chuyển bằng xe tải trên quãng đường dài.
Người dân ăn thịt heo nhiễm chất Salbutamol sẽ có nguy cơ bị ngộ độc. Hóa chất này sẽ tích lũy trong cơ thể người gây ảnh hưởng đến trí tuệ và tim mạch, biến chứng gây ung thư hoặc nặng hơn là dẫn đến tử vong mau chóng.
Về vấn đề này, các Bộ xử lý thế nào?
- Bộ Công An: Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) điều tra thấy có những vi phạm của các đơn vị nhập Salbutamol rồi bán để sử dụng sai mục đích, nhưng không thể khởi tố vì "chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2009".
Công an chỉ có thể kiến nghị Bộ Y tế xử lý hành chính (có thể vì chất Salbutamol không nằm trong diện cấm nhập hoặc nhập nhưng phải "theo dõi đặc biệt").
Thực tế, các đơn vị bán Salbutamol ra thị trường là Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông, Công ty Cổ phần Dược Minh Hải, Công Ty TNHH Hoá Dược Minh An cũng chỉ bị xử lý hành chính.
Dẫn lời Đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó C49 cho biết, từ ngày 25/2/2016 các sản phẩm chứa chất cấm bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy và từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định sử dụng chất cấm vào thực phẩm, ngoài bị xử phạt hành chính còn bị phạt tù giam lên đến 20 năm.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tiếp tục kiểm tra các cơ sở chăn nuôi có thể đã dùng chất Salbutamol để tạo nạc.
Đại diện Bộ cũng khẳng định sau khi xác định nguồn cung chất cấm chủ yếu được nhập khẩu chính quy, các cơ quan chức năng đã kiểm tra tại kho của các nhà máy và giám sát chặt chẽ quá trình tiêu thụ lượng tồn kho. Do đó, thời gian tới nguồn cung chất này ra thị trường sẽ giảm mạnh.
- Bộ Y tế: Phản ứng đầu tiên của Bộ Y tế đổ trách nhiệm sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng khi ban hành danh mục hóa chất cấm nhập khẩu sản xuất Bộ này đã không tham khảo ý kiến của Bộ Y tế.
Sau khi tiếp nhận từ các cơ quan thông tin đại chúng về việc chất này có thể sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế cho biết đã gửi văn bản thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các sở y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.
Đồng thời chủ động và phối hợp chặt chẽ với C49 thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” và đã được Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 11.
No comments:
Post a Comment