(VNTB) - Trong một bài viết với nhan đề “Sự thật về dân chủ ở Việt nam” được đăng trên tờ The Diplomat, Shawn W. Crispin đã cho rằng dân chủ giả hiệu ở Việt nam trong kỳ bầu cử sắp tới đây chỉ là một miếng bánh vẽ nhằm làm món quà cho tổng thống Obama khi ông có chuyến công du đến quốc gia cộng sản vào tháng 5 tới này.
Cho có vẻ dân chủ
Nhiều người đã tỏ vẻ vui mừng khi gần 100 ứng cử viên tự do ở đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau đã tự đưa đơn ứng cử vào 50 trong số 500 chỗ ngồi của cơ quan lập pháp Việt nam. Với họ đó là dấu hiệu dân chủ, là sự phản kháng công khai với chế độ độc đảng hiện hành. Thế nhưng theo ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì : “Người tự ứng cử thì nhiều đấy, nhưng người tự ứng cử mà trúng cử trong các khóa chỉ có 1 – 2 người, khóa nhiều nhất cũng là 4 người….. Qua cuộc bầu cử lần này, nếu được 5% cũng là tốt, nhưng thực tế cũng sẽ không đạt đến 2%, tức là nếu có 10 người tự ứng cử được đưa ra để bầu chọn nhưng tỉ lệ trúng cử sẽ rất khó được cả 10.”
Giả sử có 50 ứng viên tự do trúng cử vào quốc hội, tức chiếm 10% số đại biểu quốc hội thì họ vẫn là con số thiểu số và không có đủ số phiếu cần thiết để có thể biểu quyết hay phủ quyết những quyết định quan trọng. Nếu như theo dự kiến của ông Vũ Mão thì 10 người “may mắn” lọt được vào Quốc hội sẽ cũng chỉ làm những vật trang trí để cho thế giới thấy Việt nam “cũng có dân chủ, cũng có tự do bầu cử”. Gọi là “may mắn” được lọt vào quốc hội bởi giờ đây những ứng viên tự do có quan điểm bất đồng với nhà cầm quyền đã bị sách nhiễu, bị bôi nhọ, hoặc tấn công cá nhân khi bị cho là những người đi ứng cử mà “cảm giác như là chơi chơi thôi”, là “chiêu trò PR hay một kiểu chơi ngông”, hay “ ‘chém gió, đốt đền’ hòng nổi danh” hoặc lại là “được tổ chức nước ngoài hậu thuẫn.” Gần 100 ứng cử viên này sẽ rớt ngay từ vòng xác nhận lý lịch tại địa phương.
10% ứng viên tự do giả sử có lọt vào quốc hội sau khi đi lọt qua cái nút chai của quy trình bầu cử vẫn không thể nào thắng nổi 90% đại biểu quốc hội đồng thời là đảng viên của cơ quan lập pháp bù nhìn trong quốc gia độc đảng cộng sản theo như cách gọi của Shawn W. Crispin. Mọi quyết định đều do đảng cử, đảng bầu và đảng quyết định. Những người ngoài đảng cho dù có vào được quốc hội sẽ mãi không có “lập trường” như những đảng viên thứ thiệt. Lý do mà Shawn W. Crispin cho rằng sẽ khó có nhiều người ngoài đảng lọt vào quốc hội bởi “ Đảng Cộng sản cầm quyền sẽ không nhường quyền kiểm soát đáng kể trong cơ quan lập pháp vốn chỉ do các đảng viên thống trị từ bấy lâu nay.”
Tưởng là có dân chủ
Cách thức bầu cử ở Việt nam đã được báo chí chính thống cho là dân chủ bởi “có dân chủ hay không, vấn đề cốt lõi không nằm ở thể chế chính trị một đảng hay đa đảng mà nằm ở cách thức vận hành, tổ chức, thực thi dân chủ trên thực tế như thế nào.” Trên cơ sở Đảng lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối về mọi mặt, thì trong 70 năm xây dựng Quốc hội “các cơ chế và cách thức tổ chức bầu cử không ngừng được đổi mới, ngày càng khoa học, dân chủ hơn.”
Sự đổi mới ấy được đánh dấu bằng cách mở cửa cho các ứng cử viên tự đăng ký ứng cử tại địa phương nhưng cũng lại mang dây ra trói các ứng viên lại khi Mặt trận Tổ quốc là cơ quan hiệp thương lựa chọn để chính thức giới thiệu người nào đó ra ứng cử. “Quá trình tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri hiện nay hết sức dân chủ, nếu người tự ứng cử có đủ tài, đức, đủ tiêu chuẩn và có chương trình hành động tốt thì cơ hội trúng cử sẽ cao,” thế nhưng chương trình hành động có tốt thế nào đi chăng nữa vẫn không vượt qua được vũ môn “cơ cấu kết hợp” về giới, dân tộc, người ngoài đảng, tuổi tác cũng như các ải “hiệp thương” vốn thường phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng.
Nhiều người hồ hởi về trào lưu các ứng viên tự tin tự ra ứng cử như là một dấu hiệu của dân chủ. Nhưng ông Trần Ngọc Nhẫn, Luật sư, Uỷ viên Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã phải nhức nhối thừa nhận rằng “ Vấn đề người tự ứng cử luôn là một tồn tại, hạn chế trong tất cả các cuộc bầu cử. Có nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là pháp luật không quy định có một tỷ lệ đại biểu được bầu dành cho người tự ứng cử, mà phân bổ hết số lượng đại biểu được bầu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị nên người tự ứng cử không có chỗ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân.”
Cho dù những người tham gia ứng cử tự do có một hoài bão mong muốn thay đổi vận mệnh đất nước, vì lẽ phải, vì nhân dân, họ cũng chỉ góp phần tạo ra một ảo tưởng dân chủ ở Việt nam mà thôi khi họ tham gia vào cuộc bầu cử mà theo Shawn W. Crispin đó chỉ là “một cuộc bầu cử giả tạo ”. Dân chủ thật sự liệu có thể diễn ra ở một quốc gia độc đảng không khi mọi quyết định đều nằm tuyệt đối trong tay đảng cầm quyền?
No comments:
Post a Comment