Song Chi—02/19/2016 - 13:22
Hiện trường cuộc đánh bom Nhà hàng Mỹ Cảnh Sài Gòn ngày 23/6/1965. Ảnh Internet
Bài báo thứ nhất “Đánh bom khách sạn Caravelle ghi dấu lịch sử”đăng ngày 15.2 trên báo Tuổi Trẻ. Đọc xong tự hỏi: Không hiểu sao đến giờ này mà họ còn tự hào về những chuyện như thế này?
Đánh bom một khách sạn ngay giữa trung tâm thành phố, mặc dù viện cớ là “nơi quan chức Mỹ và Việt Nam cộng hòa thường lui tới hội họp” nhưng cũng có rất nhiều nhà báo nước ngoài, dân thường…rõ ràng là coi thường sinh mạng con người, mà mục đích chỉ là “để đối phương không đắc chí”, nhưng thật ra là đánh ai?
“Có điều việc nổ bom hôm đó đã không như dự kiến bởi hầu hết các nhà báo ở khách sạn Caravelle thay vì đi ăn trưa và sẽ lãnh trọn sức nổ của trái bom, thì họ lại bận rộn theo dõi và tường thuật vụ sinh viên đòi Nguyễn Khánh phải từ chức!”
Đánh bom cả những nhà báo quốc tế, những người chỉ làm công việc của họ là đưa tin về những gì đang diễn ra? Như vậy mục đích thật sự là lấy tiếng, đồng thời gây tâm lý hoang mang xáo trộn trong người dân và phá hoại cuộc sống bình thường ở các đô thị miền Nam, bất chấp sinh mạng những người vô tội, không liên can.
Ai sống ở miền Nam thời hai miền Nam Bắc đánh nhau hẳn còn nhớ, những vụ đánh bom, ám sát…thường xuyên xảy ra tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam, tại những nơi đông người như khách sạn, rạp hát, nhà hàng… Điển hình là vụ đánh bom Câu lạc bộ Gôn Sài Gòn năm 1960, vụ rạp hát Kinh Đô bị đánh bom năm 1964, khách sạn Caravelle bị đặt bom năm 1964, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn bị đặt bom năm 1965, vụ trường tiểu học Cai Lậy (Tiền Giang) bị trúng đạn pháo kích năm 1973…
Một số vụ ám sát như Nguyễn Văn Trỗi đặt bom trên cầu Công Lý, dự định ám sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1963, ám sát ký giả Từ Chung của tờ Chính Luận năm 1965, ám sát Nguyễn Xuân Chữ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh tâm lý năm 1966, ám sát Trần Văn Văn, Chủ tịch Quốc hội Sài Gòn năm 1966, ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh năm 1971… Ở nông thôn thì đặt mìn, giật sập cầu, phá đường…biết bao nhiêu dân thường phải chết oan.
Những việc làm này có khác gì với những hành động khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan bây giờ? Đừng viện lý do thời chiến tranh. Chiến tranh, hai bên nã súng, ném bom vào nhau ngoài chiến trường là chuyện khác, còn đặt bom, gài mìn, pháo kích vào những chỗ đông người giết hại cả dân thường là khủng bố. Nhưng nếu người miền Nam nói thì người dân miền Bắc hoặc các thế hệ sinh sau đẻ muộn lại không tin, chỉ khi báo chí chính thức hả hê kể lại chiến công như thế này “Những trận đánh nổi danh ‘Biệt động Sài Gòn’ (báo CAND), “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn”(Dân Việt) hay bây giờ là bài này, “Đánh bom khách sạn Caravelle ghi dấu lịch sử” (Tuổi Trẻ) v.v… thì khỏi còn tranh cãi chuyện có thật hay không nữa!
Bài báo thứ hai “Có một hòa thượng… biệt động Sài Gòn” được báo Tiền Phong đăng lại ngày 19.2 theo nguồn báo An Ninh Thế Giới. Thật ra những loại bài viết ca tụng chiến công “cách mạng”, ca tụng những con người “cách mạng” này lúc nào cũng đầy dẫy trên những tờ báo đậm đặc tính đảng như báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Công An TP.HCM, An Ninh Thế Giới…Không sao kể xiết. Chỉ là nhân tiện đọc và có những suy nghĩ về hai bài báo này mà thôi.
Bài “Có một hòa thượng… biệt động Sài Gòn” viết về nhân vật Hòa thượng Thích Viên Hảo, từng là trụ trì tại chùa Tam Bảo ở đường Dương Công Trường, quận 10, SG, rồi trụ trì Chùa Thiện Hạnh, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, SG cho đến ngày viên tịch 15.7.2005.
Theo bài báo, Hòa thượng Thích Viên Hảo là người tu hành, nhưng lại tham gia “cách mạng”, tham gia biệt động thành, một tổ chức của Việt Cộng trước đây chuyên hoạt động ngầm trong lòng chế độ VNCH từ dò la, do thám tin tức tình báo cho tới đặt bom, gài mìn, ám sát…các nhân vật có liên quan đến Mỹ và chính quyền VNCH nhưng thường cũng gây ra cái chết cho bao nhiêu dân thường vô tội như vừa nói trên. Nhân vật trong bài báo “đi đó đây hành phật sự, gặp các phật tử, đến các chùa… tụng kinh, niệm Phật và thuyết pháp nhưng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Thực chất ông đã trở thành chiến sĩ hoạt động cách mạng, có nhiệm vụ dò la địch tình, giao nhận tin tức tình báo…”, còn ngôi chùa Tam Bảo thì “đã trở thành nơi đi về, hội họp bí mật của đội biệt động thành trong một thời gian dài.”
Trong vụ Mậu Thân 1968, vị sư này ”vận chuyển vũ khí, đạn dược về cho cơ sở nội thành tập kết chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Rất nhiều lần, nhà sư dùng xe gắn máy đi Củ Chi chở chất nổ, súng K54, súng và đạn cối 81 ly”…
Đã đi tu, thấm nhuần tư tưởng triết lý của Phật giáo, thế nhưng Hòa thượng Thích Viên Hảo đã phạm luôn những giới luật hết sức nghiêm trọng của đạo Phật. Một là gian dối, khi dùng vỏ bọc tu hành để đi hoạt động tình báo, biến những hoạt động giảng giải Phật pháp thành chuyện khác, biến ngôi chùa thành nơi trú ẩn của biệt động thành…Hai là sát sanh, nhà sư tất thừa biết đạo Phật ngăn cấm sát sanh dù chỉ là một con kiến con muỗi, thế nhưng lại chở vũ khí, lên sơ đồ các trận đánh để giết người, cho dù lúc đó ông ta tin rằng đó là kẻ thù, là địch. Không chỉ thế, cả đời nhà sư hoạt động chính trị, được “thưởng nhiều huân chương cao quý của đảng cộng sản” cho đến tận ngày qua đời.
Bài báo này, cũng như bài báo trên Tuổi Trẻ nói trên và rất nhiều bài báo khác nữa, đã tự mình tố cáo những việc làm của đảng cộng sản VN trước đây, đó là đánh phá chế độ VNCH từ trong lòng phá ra, và không từ bất cứ một biện pháp nào từ đặt bom, gài mìn, ám sát, chuẩn bị cho vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968, với âm mưu sẽ tổ chức tấn công bất ngờ vào dịp Tết là dịp mà trong nhiều năm hai bên đã có thỏa thuận không chính thức ngừng bắn 3 ngày Tết để đồng bào vui Xuân. Bài báo vẫn tiếp tục ca ngợi những “chiến công” trong cuộc chiến với Mỹ và với miền Nam VN, vẫn gọi địch, chúng…với giọng điệu căm thù.
Trong suốt thời gian chiến tranh và hơn 40 năm qua, năm nào đảng và nhà nước cộng sản VN cũng tổ chức kỷ niệm, ăn mừng tưng bừng, trọng thể những dịp có liên quan đến cuộc chiến, nhất là ngày 30.4. Báo chí truyền thông vẫn được huy động thường xuyên để nhắc nhớ đến chiến thắng của đảng, đến tội ác của “địch”, những cuốn sách, bộ phim về đề tài này vẫn tiếp tục ra đời…như muốn người dân đừng quên.
Một tỷ lệ khác biệt rất lớn cả về quy mô, số lượng và chất lượng tuyên truyền nếu so với việc nhắc nhở đến cuộc chiến tranh biên giới 1979, 1984, hải chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988… với Trung Cộng. Trong khi trên thực tế chế độ VNCH đã “chết” từ lâu không còn là một mối đe đọa nữa, quan hệ Việt-Mỹ đã trở thành bình thường từ nhiều năm qua, thậm chí nhà nước VN còn đang phải trông cậy ở Mỹ rất nhiều để đối phó với mối nguy bị xâm phạm chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải từ phía Trung Cộng. Ngược lại, Trung Cộng trước đây và hiện nay vẫn luôn và đang là mối đe dọa lớn nhất, kẻ thù thường trực và thâm độc nhất của VN.
Nếu VN lại phải có một cuộc chiến tranh nào xảy ra trong tương lai thì chắc chắn sẽ là cuộc chiến tranh với Trung Quốc chứ không phải với Mỹ, càng không phải với VNCH đã chết. Vậy nhưng nhà nước cộng sản VN lại sử dụng rất ít công sức, nguồn lực cho sự tuyên truyền về những hành động của Trung Quốc trong quá khứ vả hiện tại. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 trong rất nhiều năm không hề được nhắc tới một cách công khai, năm nay tuy báo chí đã nhắc tới nhưng vẫn không phải là nhiều, những hành động biểu tình tưởng niệm cuộc chiến này, tưởng niệm việc mất Hoàng Sa Trường Sa hay phản đối những hành độn hung hăng, xâm phạm chủ quyền, quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc của người dân đều bị ngăn cấm, đàn áp, nhiều người còn bị bỏ tù, bị trù dập, xách nhiễu…
Liệu có thể xem đó là những hành động khôn ngoan về mặt ngoại giao, bảo vệ chủ quyền của đảng và nhà nước cộng sản VN?
Và đối với mấy triệu người Việt rời nước ra đi vì lý do không chấp nhận chế độ cộng sản, liệu họ có tin tưởng nổi vào những lời nói ngon nói ngọt “xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải” của nhà cầm quyền khi báo chí nhà nước vẫn cứ ngùn ngụt căm thù chế độ VNCH như thế?
Còn đối với người dân trong nước, thời buổi bây giờ không phải như trước đây vài chục năm, mười năm, khi người dân hầu hết còn bị bịt mặt bịt tai tin vào những luận điệu tuyên truyền một chiều, bóp méo sự thật của đảng và nhà nước cộng sản. Khi báo chí nhà nước hồ hởi kể lại những hành động khủng bố thời xưa, hay tự thừa nhận những huyền thoại một thời từ Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Trỗi…là không có thật hoặc có những chi tiết không đúng, hoặc được tô vẽ quá nhiều…thì chính là nhà nước này đã tự vả vào mặt mình, củng cố những điều mà người dân đã không còn tin từ lâu.
Trên bình diện quốc tế, chẳng có một quốc gia văn minh nào chấp nhận một nhà nước từng giành chiến thắng bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp sinh mạng con người cũng như áp dụng chính sách ngu dân, dối trá để giành và giữ quyền lực cả.
Cuối cùng, có lẽ đã đến lúc nhà nước này nên giành công sức tố cáo Trung Cộng-kẻ thù hiện tại và tương lai thay vì cứ say sưa hoài với quá khứ vàng…mã của đảng.
No comments:
Post a Comment