VIỆT NAM - Khô hạn trầm trọng kèm nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền có thể khiến hàng triệu người cư trú tại đồng bằng sông Cửu Long trở thành đói, nghèo.
Lúa chết khô trên một cánh đồng ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hạn và mặn đã đe dọa đồng bằng sông Cửu Long cách nay vài năm song năm nay, mức độ khốc liệt của tình trạng này được xem như chưa từng có.
Cuối năm ngoái, hạn và mặn đã hủy hoại 34,000/58,000 héc ta lúa mùa ở Kiên Giang. Chưa kể 32,000 héc ta lúa Thu Đông ở Bạc Liêu và Cà Mau.
Sang năm nay tình hình còn tồi tệ hơn. Hạn và mặn đe dọa hủy hoại lúa vụ Đông Xuân của nông dân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang.
Đông Xuân là vụ lúa chính của đồng bằng sông Cửu Long nhưng theo ước tính của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam thì có thể có tới 339,234 héc ta lúa không gặt hái được gì vì hạn và mặn.
Ngoài thiệt hại về lúa, các vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long, Hậu Giang cũng bị thất bát đe dọa vì nước mặn tràn vào.
Những số liệu đo đạc cho thấy, trên sông Tiền, nước mặn đã lấn sâu vào đất liền khoảng 65 cây số. Nước mặn cũng đã đã xâm nhập vào sông Hậu một đoạn chừng 60 cây số. Những nhánh nhỏ như sông Vàm Cỏ ở Long An, nước mặn đã tràn vào một đoạn dài đến 95 cây số. Tương tự, nước mặn đã xâm nhập sông Cái Lớn ở Kiên Giang khoảng 60 cây số.
Hạn và mặn còn đẩy hàng trăm ngàn gia đình vào tình cảnh thiếu nước ăn uống, tắm giặt dù sống bên cạnh sông rạch. Ngay cả cư dân của những thành phố lớn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng thiếu nước dùng. Tình trạng này đã kéo dài hai tháng và chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt.
Tại một hội nghị bất thường vì hạn và mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đang trở thành đặc biệt trầm trọng, ông Trần Công Chánh, bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, cảnh báo, chỉ hạn hạn không thì hết hạn, có thể khôi phục lại sản xuất. Còn bị nước mặn xâm nhập thì hậu họa có thể kéo dài tới hàng chục năm.
Đáng nói là theo dự báo của Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam, trừ thành phố Cần Thơ và hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp, năm nay, tất cả các nơi còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nước mặn xâm lấn.
Trong khi giới lãnh đạo các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hối thúc chính quyền trung ương cấp tiền để xây dựng các con đê ngăn nước mặn thì ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn bảo rằng, công quỹ đã cạn. Muốn thực hiện các công trình chống hạn và ngăn mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì phải có khoảng bốn tỷ Mỹ kim.
Trong bối cảnh ngặt nghèo và cần hành động cấp bách, ông Phát chỉ hứa sẽ... bàn bạc với Bộ Tài Chính rồi... đề nghị thủ tướng Việt Nam chỉ đạo... Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư làm việc với... Ngân Hàng Thế Giới xin... vay tiền.
Tại sao hạn và mặn ở đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng trầm trọng? Các chuyên gia khí tượng-thủy văn và thủy lợi của Việt Nam, cho rằng do hai nguyên nhân: (1) Vì tác động của El Nino (trời khô nóng nhiều ngày, ít mưa, lưu lượng nước trong vùng giảm từ 30% đến 60%) kéo dài từ 2014 đến nay và (2) Do Trung Quốc trữ nước để vận hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, nước vốn đã thiếu lại còn thiếu trầm trọng hơn, đó cũng là lý do nước biển ồ ạt tràn vào. (G.Đ)
02-19-2016 2:59:26 PM
No comments:
Post a Comment