SAN DIEGO (NV) - Sẽ còn có nhiều chiến hạm Hoa Kỳ chạy trên Biển Đông và Hạm Ðội 7 của lực lượng Thái Bình Dương lúc nào cũng sẵn sàng, một vị tư lệnh hạm đội của Hoa Kỳ phát biểu.
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, ngày 29 tháng 1, 2016. (Hình: AFP)
Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương phát biểu trong một cuộc hội thảo tại thành phố San Diego, tiểu bang California hôm Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016, như vậy nhưng từ chối cho biết cụ thể về các “vụ hoạt động tự do hải hành” sẽ diễn ra ở khu vực Biển Đông đang căng thẳng vì chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc.
Ngày 21 tháng 12, 2015, khu trục hạm USS Lassen đi vào bên trong 12 hải lý của một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Sau đó, ngày 29 tháng 1, 2016, khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa. Báo chí Bắc Kinh giận dữ lên án Hoa Kỳ khiêu khích quân sự và đe dọa sẽ có phản ứng thích đáng.
Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH. Đến năm 1988 mới xua quân chiếm một số bãi đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Ông Swift cho hay ông không thể nói trước chiến hạm này và lúc nào thì một hành động bảo vệ “tự do hải hành” trên Biển Đông sẽ diễn ra. Ông cho hay, quyết định được đưa ra ở tầm mức quốc gia mà lực lượng Thái Bình Dương là lực lượng thi hành.
“Chúng tôi có lực lượng rộng lớn và sẵn sàng thực hiện các hoạt động nhiều mặt tại bất cứ thời điểm nào khi nhận được chỉ thị,” Đô Đốc Swift cho hay.
Trong khi Tổng Thống Barack Obama mở cuộc họp với lãnh tụ 10 nước ASEAN về vấn để tranh chấp và sự leo thang căng thẳng trên Biển Đông thì có tin Trung Quốc đưa hai giàn hỏa tiễn phòng không tối tân HQ-9 đến bố trí trên đảo Phú Lâm, bản doanh của lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông. Phi cơ bay trong phạm vi 200 km quanh đảo này sẽ bị uy hiếp, bất kể là dân sự hay quân sự.
Không bao lâu trước đây, Trung Quốc đã đưa một số máy bay chiến đấu tới Phú Lâm. Các tin tức và không ảnh mới được trưng dẫn cho thấy không những Trung Quốc bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa mà còn bồi đắp mở rộng một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Một số đảo này có cả bãi đáp cho trực thăng quân sự, không kể phi đạo dài hơn 2,000 mét cho phi cơ chiến đấu ở đảo Phú Lâm.
Tuy ngày càng bố trí nhiều phương tiện quân sự ở Phú Lâm, Bắc Kinh lại la lối rằng Mỹ đang “quân sự hóa” khu vực Biển Đông. Hôm Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016, Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngang ngược nói rằng việc Mỹ cho chiến hạm đi gần, máy bay bay gần các đảo của họ ở Trường Sa cũng như Hoàng Sa bên cạnh các vụ tập trận với các nước khu vực mới là “làm tăng thêm căng thẳng” và mới thật là “quân sự hóa.” (T.N.)
No comments:
Post a Comment