Saturday, February 20, 2016

Bất cập chỉ tiêu ngành du lịch Việt Nam

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-02-20  
000_Par8162251-622.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 2015. AFP

Thiếu thực tế

Tổng Cục Du Lịch Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu 500 ngàn lượt khách quốc tế năm 2016. Riêng tại TPHCM, Sở Du Lịch thành phố đề ra chỉ tiêu 5 triệu 100 ngàn lượt khách nước ngoài.
Kế hoạch này được những nhà du lịch lữ hành TPHCM đánh giá là bất cập và thiếu thực tế trong tình trạng cạnh tranh gay gắt với du lịch Thái Lan, Lào, Kampuchia và những nước xa hơn.
Du lịch 2015 là một năm đầy thử thách cho ngành du lịch Việt Nam bất kể lượng khách nội địa tăng nhưng lượng khách nước ngoài thì gần như bị chững lại.
Số lượng của Tổng Cục Du Lịch cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015 chỉ tăng 0,9% so với 2014 và đây là mức tăng trưởng chậm nhất tính từ 2009 đến giờ.
Tôi hơi nghi ngờ những số liệu mâu thuẫn, Tổng Cục Thống Kê thông báo là du lịch Việt Nam năm vừa rồi giảm 0,2%, nhưng đến Tổng Cục Du Lịch thì báo là 0,9%.
-Ông Nguyễn Văn Mỹ
Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch kiêm giám đốc Hội Đồng Quản Trị công ty du lịch lữ hành Lửa Việt, thường có những bài viết về du lịch đăng trên các báo trong nước, nhận xét những bất cập trong cách quản lý những con số:
Tôi hơi nghi ngờ những số liệu mâu thuẫn, Tổng Cục Thống Kê thông báo là du lịch Việt Nam năm vừa rồi giảm 0,2%, nhưng đến Tổng Cục Du Lịch thì báo là 0,9%. Hoặc số liệu đưa ra năm ngoái thì khách nội địa là 38,5 triệu, năm nay nâng lên thành 57 triệu, làm gì một năm mà tăng được mấy chục triệu, không có.
Số liệu khách nước ngoài vào Việt Nam còn có cơ sở vì là dựa vào hồ sơ xuất nhập cảnh của các cửa khẩu, nhưng nội địa thì lấy cơ sở nào để chứng minh? Các công ty du lịch chưa chắc đã báo cáo chính xác vì họ lách thuế. Thứ hai, cùng một đoàn khách đi vô khách sạn rồi đi ra nhà hàng ăn thì họ báo là thêm khách, đi các điểm tham quan... họ cũng báo là thêm khách. Nhiều khi cộng các tỉnh lại với trung ương là nó sai biệt lớn lắm. Thống kê là khoa học chứ không phải kiểu làm như hiện nay. Con số nó có thể nhảy múa, riêng về du lịch nội địa thú thật tôi không biết dựa vào chỗ nào để thống kê cả.
Tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ ngành du lịch thành phố năm 2016 vừa qua, ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TPHCM nói rằng mục tiêu năm nay là trên 5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu 800 ngàn lượt khách nội địa, tổng doanh thu nhắm tới là 103.686 tỷ đồng.
Để có thể đạt mục tiêu đó, ông Lê Văn Khoa nói tiếp, Sở Du Lịch thành phố phải tìm cách thực hiện những hoạt động phục vụ tốt nhất.
Mặc dù đã mở thêm nhiều tour sinh thái và những tuyến mới bằng đường thủy, thế nhưng kết quả một năm đã qua cho thấy ngành du lịch TPHCM chừng như không có biến chuyển đáng gọi là cụ thể. Căn nguyên của vấn đề du lịch giảm sút, nhất là từ ngoài vào, được ông Nguyễn Văn Mỹ phân tích:
000_Hkg10171342-400.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Sài Gòn năm 2015. AFP PHOTO.
Thật ra những nỗ lực đó không đáng kể. Bài toán của du lịch theo tôi không phải là thiếu tiền, gốc của nó ở chỗ khác. Khi nhắc đến du lịch thì chủ yếu là du lịch inbound tức khách nước ngoài vào Việt Nam. Khách nước ngoài vào Việt Nam liên tục giảm sút. Từ năm 2010 đến 2015, 5 năm liền, khách nước ngoài đang từ 35% xuống còn 9% thôi.
Việt Nam có thừa thiên thời, thừa địa lợi nhưng thiếu nhân hòa. Mấu chốt của vấn đề du lịch Việt Nam là con người. Làm sao thu hút được nhân tài, làm sao tạo động lực phát triển con người, làm sao để lãnh đạo cao nhất có tầm nhìn và sức chủ động. Nếu những người lãnh đạo thực sự quan tâm và thấy có trách nhiệm thì lập tức phải mổ xẻ nguyên nhân tại sao và có cách gì để khắc phục. Chứ còn tổng kết mà vẫn cứ thành công, vẫn cứ thắng lợi, vẫn cứ được sự quan tâm thì không khéo 2016 sẽ giảm sút nữa.

Ngành du lịch chịu nhiều áp lực

Việt Nam đã chính thức bước vào AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN nên bước sang 2016 ngành du lịch nói riêng cũng sẽ chịu khá nhiều áp lực trong tiến trình phát triển.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Mỹ, cũng là ủy viên ban chấp hành Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, khi đã có sự liên thông giữa các nước ASEAN thì một số lãnh vực nói chung và ngành du lịch nói riêng dứt khoát sẽ chịu nhiều áp lực:
Áp lực thế nào thú thật chưa có câu trả lời chính xác cả vì phải có cơ sở và dữ liệu nhưng mà chắc chắn là có áp lực. Một khi mở cửa, tạo một sân chơi chung thì phải chấp nhận cạnh tranh với bên ngoài một cách sòng phẳng chứ không thể làm cái kiểu độc quyền làm theo ý của mình như hiện nay.
Cảm nhận cá nhân của tôi là trong khi các nước chuẩn bị một cách bài bản và tích cực thì Việt Nam mình gần như rất lúng túng và có khi chưa thấy biến chuyển nào cụ thể cả.
-Ông Nguyễn Văn Mỹ
Cảm nhận cá nhân của tôi là trong khi các nước chuẩn bị một cách bài bản và tích cực thì Việt Nam mình gần như rất lúng túng và có khi chưa thấy biến chuyển nào cụ thể cả. Về việc chuẩn bị này thật ra nhà nước phải giữ vai trò chủ động chứ không thể để các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm được. Cái tôi băn khoăn nhất là cái tầm nhìn, cái chủ động của nhà nước để chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn.
Đó là phía nhà nước, còn về phía doanh nghiệp, đặc biệt các công ty du lịch lữ hành lớn và có tiếng như Lửa Việt, Vietravel hay Du Lịch Việt thì sao. Giàm đốc công ty Lửa Việt Trần Văn Mỹ trả lời rằng ngoài nỗ lực quảng bá đúng cách thì tự thân các doanh nghiệp phải thay đổi nhiều thứ:
Việc đầu tiên là phải bạch hóa tất cả số sách, thuế má, tất cả phải minh bạch chứ không thể nhập nhằng hoặc lem nhem được.
Việc thứ hai là mình phải tự nâng mình lên, trước mắt là để cạnh tranh với các đối thủ trong nước đã. Mình chưa dám đặt mục tiêu xa hơn nhưng mà khi mình mạnh và trong cạnh tranh đó thì mình sẽ nỗ lực hơn, và nếu mà nước ngoài tham gia thì mình cũng có cơ sở để mà đối phó sòng phẳng với nhau. Phải bắt đầu từ nhận thức của những người lãnh đạo cao nhất của ngành du lịch. Rõ ràng là chúng ta có nhiều cách chứ không phải quảng bá là cứ phải lên truyền hình lên TV, cái đó là thường là xoàng.
Tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ ngành du lịch trong năm 2016, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP, ông Lê Văn Khoa, đã thừa nhận ngành du lịch đóng góp một phần rất lớn vào sự tăng trưởng GDP của thành phố. Thế nhưng, vẫn theo lời ông, trong lãnh vực du lịch quốc tế thì Việt Nam không có được sự đào tạo bài bản. Sự thiếu chuyên nghiệp như vậy, ông khẳng định, là nguy cơ khiến du lịch Việt Nam không cạnh tranh nỗi với du lịch các nước bạn vào khi việc thông thương từ nước này qua nước kia càng ngày càng dễ dàng hơn.
Để có thể đề ra kế hoạch phát triển sát với thực tế cho năm 2016, ông Lê Văn Khoa kết luận, Sở Du Lịch TP HCM cần lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp là những người trực tiếp hoạt động trong lãnh vực du lịch nội địa và ra bên ngoài Việt Nam bao năm nay.
Vẫn theo lời ông phó chủ tịch này, phải xác định sự thành bại của du lịch không phải là trách nhiệm riêng của ngành du lịch hay Sở Du Lịch mà phải là sự qui hoạch đồng bộ và phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện và các đơn vị hoạt động du lịch khác.

No comments:

Post a Comment