(Dân Việt) Không chỉ gây thiệt hại trầm trọng trên vựa lúa đồng bằng, tình trạng hạn, mặn gay gắt còn khiến người dân ở đồng bằng sông Cửu Long quay quắt vì thiếu nước sạch sinh hoạt, vườn cây ăn trái bị thất thu năng suất...
Dân khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hạn, mặn đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt ở các huyện phía đông của tỉnh. Tỉnh đang cho triển khai mở các vòi nước công cộng và chuyển nước ngọt từ các địa phương khác về cho dân sử dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, do không có nước ngọt sử dụng nên hàng ngàn hộ dân ở thị xã Gò Công phải đi đổi nước ở nhiều nơi. Ông Lê Văn Tỷ ngụ ở xã Bình Đông, thị xã Gò Công cho biết: Do nắng nóng kéo dài, nguồn nước dưới sông bị thiếu nên nhà máy nước không cung cấp đủ. “Người dân trong xã phải chở can nước đi nhiều nơi để đổi nước về sử dụng với giá 1.500 đồng/can (30 lít). Nguồn nước đã trở nên khan hiếm từ trước Tết Nguyên đán đến nay” – ông Tỷ nói.
Người dân thị xã Gò Công, Tiền Giang phải đi đổi nước sinh hoạt. Ảnh: HUỲNH XÂY
Để có nước sử dụng, nhiều người dân ở xã Bình Đông đã đi sang xã khác (xã Bình Xuân) đổi nước nhưng cũng bị từ chối đổi vì không đủ cấp cho xã nhà. Theo UBND thị xã Gò Công, ngoài xã Bình Đông và Bình Xuân, nhiều hộ dân ở các xã lân cận như Long Hưng, Long Chánh, Long Hòa, Tân Trung cũng đang chịu tình cảnh tương tự.
Trước tình hình trên, thị xã Gò Công đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cấp kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng để kéo đường ống từ nguồn nước máy đô thị đến các khu vực trên để cấp cho dân. Được biết, tình trạng thiếu nước ngọt cũng đang xảy ra gay gắt ở huyện Tân Phú Đông.
Để giảm bớt khó khăn cho người dân, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương thực hiện nhiều kế hoạch lấy nước ngọt về cho dân. “Ngoài việc thuê sà lan vận chuyển nước ngọt vùng Mỹ Tho cho dân sử dụng, tỉnh triển khai các dự án dẫn nước vượt sông để cung cấp sang các huyện cù lao. Đồng thời, đề nghị T.Ư hỗ trợ 81 tỷ đồng để triển khai các phần việc có liên quan” – ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nói.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, trong Tết Nguyên đán vừa qua, các hồ nước ngọt trên địa bàn tỉnh cũng không lấy được nước, khiến việc sinh hoạt của người dân trở nên vô cùng khó khăn… Hiện các cơ quan chuyên môn tỉnh Kiên Giang đã gấp rút triển khai các phương án hỗ trợ cho người dân tìm nguồn nước sạch sử dụng trước mắt.
Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cũng cho biết, độ mặn trên 4‰ xâm nhập sâu trên các sông chính và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt. Trong thời gian tết, nước máy cung cấp cho người dân ở nhiều địa phương đã bị nhiễm mặn. Để ứng phó trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan bố trí nguồn lực triển khai lắp đặt đồng hồ nước cho hộ dân ngay khi có yêu cầu trên mạng lưới cấp nước hiện hữu, đặc biệt đối với những vùng mà nhân dân đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt…
Vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng
Sau tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bến Tre vừa quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bến Tre. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. |
Nhiều năm qua, tình trạng hạn, mặn chỉ ảnh hưởng phần lớn đến diện tích lúa ở những địa phương ven biển. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, hạn, mặn lại xâm nhập vào những địa phương nằm sâu trong nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn diện tích cây ăn trái.
Cụ thể là Vĩnh Long - địa phương chưa từng bị mặn xâm nhập, trong dịp tết vừa qua, huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã bị mặn tấn công, ảnh hưởng trên 23.000ha diện tích. Nhiều vườn cây ăn trái, đặc biệt là cam bị héo, rụng lá vì nhiễm mặn bất thường.
Theo Phòng NNPTNT huyện Vũng Liêm, trong những ngày tết vừa qua, xâm nhập mặn xuất hiện bất ngờ với độ mặn cao nhất là 9,2‰ đã gây ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt và cây trồng. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện, cho đóng các cống ở các xã Trung Thành Tây, Quới An, Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Hiệp, Trung Hiếu và thị trấn Vũng Liêm, nhưng cũng đã có 17ha của 36 hộ dân trồng bưởi da xanh, sầu riêng, xoài bị thiệt hại.
Không riêng gì Vĩnh Long, thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy: Huyện Châu Thành (Hậu Giang) và huyện Kế sách (Sóc Trăng) cũng đã có hiện tượng nước mặn xâm nhập vùng cây ăn quả, độ mặn có nơi lên đến 3‰. Trước tình hình trên, ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân.
“Tỉnh Hậu Giang đã chủ động phân ra 3 vùng sản xuất để phân công theo dõi diễn biến của nguồn nước và tuyên truyền người dân tiết kiệm nước, hạn chế thất thoát… Tới đây, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch khoan 6 giếng ngầm, xây dựng 1 trạm cấp nước để đảm bảo tưới tiêu cho người dân” – ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang thông tin.
Về tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, người dân phải chấp nhận thiệt về năng suất cây trồng, để lấy nước ngọt sử dụng cho các phần việc khác. Đồng thời, phải biết sử dụng nước tiết kiệm và thay dần những loại cây trồng chịu hạn, mặn.
“Cơ quan chức năng cần có những đầu tư lớn trong công tác phòng chống như xây dựng hệ thống ngăn mặn và trang bị nhiều về máy đo độ mặn, nếu có thể đầu tư cho cả người dân nông thôn. Tránh chủ quan để rồi thiệt hại không hay” - PGS-TS Lê Anh Tuấn cảnh báo. /.
No comments:
Post a Comment