Bãi Đá Le trước (bên trái, được bồi đắp) và sau (bên phải) khi bị sóng gió lớn của trận bão Jasmine thổi bay hồi giữa tháng 12, 2015. (Hình: Báo Thanh Niên Trung Quốc)
“Trình độ kỹ thuật thấp kém của Việt Nam hiển nhiên dẫn đến hậu quả là cát (bồi đắp) bị thổi bay trong trận bão, nên (coi như) không có gì tiến triển.” Báo Thanh Niên Trung Quốc bình phẩm về việc bồi đắp đảo nhân tạo của Việt Nam tại bãi Đá Le mà Trung Quốc gọi là Nanhua Jiao (Nam Hoa Tiêu).
Tờ báo vừa kể viết rằng, “Hồi tháng 12 năm ngoái, trận bão Jasmine bất ngờ ập đến làm đảo lộn sự tính toán của Việt Nam, rạn san hô được bồi đắp đã bị bão thổi bay.”
Như để khoe sự đắc thắng, tờ báo này mô tả rằng Trung Quốc có phương pháp “hiệu quả hơn nhiều” khi hút cát từ lòng biển bằng cách sử dụng những máy cắt nghiền tự hành rồi hút lên, khác hoàn toàn với lối của Việt Nam dùng máy cào đứng yên một chỗ.
“Bồi đắp bãi đá ngầm coi vậy chứ không giản dị,” tờ Thanh Niên nói. “Đó là một việc xây dựng phức tạp, một sự trắc nghiệm năng lực của một nước. Không phải tất cả mọi người đều có thể biến một bãi đá ngầm nhỏ thành một phi trường ở xa ngoài biển như Trung Quốc.”
Mùa bão mỗi năm ở khu vực Đông Á Châu thường khởi sự từ khoảng tháng 5 chấm dứt ở tháng 11, và nếu còn xảy ra trong tháng 12, thì rất hiếm. Nhưng năm ngoái, trận bão Jasmine đã thổi vào khu vực miền Trung Philippines, vào biển Đông qua quần đảo Trường Sa ngày 15 tháng 12, 2015, rồi yếu dần.
Hai cơ sở trấn giữ Việt Nam xây dựng tại bãi Đá Le. (Hình trang mạng Thiềm Thừ)
Những tấm ảnh tờ Thanh Niên phổ biến được chụp từ ngày 4 tháng 4, 2015 tức thời điểm mà báo này nói Việt Nam đã bồi đắp, đến ngày 31 tháng 12, 2015, sau trận bão nói trên, hình ảnh khác hẳn nhau về diện tích và hình thế.
Namhua Jiao (Nam Hoa Tiêu) là cách gọi của Trung Quốc còn Việt Nam gọi là Đá Núi Le, một rạn san hô Việt Nam trấn giữ, nằm ở khoảng giữa của quần đảo Trường Sa, tên quốc tế là Corwallis South Reef.
Không thấy báo chí tại Việt Nam hoặc các viên chức quân đội hoặc nhà nước CSVN nói gì về việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo tại rạn san hô rộng khoảng 35 km vuông này, nhất là hai năm vừa qua khi Trung Quốc bồi đắp 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988. Việt Nam đã vội vã xây 2 cơ sở và đưa quân trấn giữ Núi Le cùng một số vị trí sau khi bị Trung Quốc cướp một số bãi khác.
Rạn san hô Núi Le trông gần giống với hình thang lệch, thuộc cụm đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 08043'00'' Bắc, kinh độ 114010'00'' Đông, gần như cùng vĩ độ với đảo Trường Sa và cách đảo này 135 hải lý về phía Đông, cách Cam Ranh 355 hải lý về phía Đông Nam. Đảo gần đảo Núi Le nhất là đảo Tốc Tan, Núi Le cách Tốc Tan 9 hải lý về phía Đông Đông Nam. Rạn san hô Núi Le dài khoảng hơn 5 hải lý, rộng khoảng 2 hải lý, nằm theo hướng Bắc-Nam, có một số điểm nhô khỏi mặt nước khi thủy triều xuống thấp nhất.
Hiện nay, Việt Nam có hai điểm đóng quân ở đảo Núi Le, là điểm A ở thềm san hô phía Tây Nam và điểm B ở thềm san hô phía Bắc đảo. Đảo Núi Le là đảo chìm duy nhất trong các đảo ở Trường Sa do Việt Nam trấn giữ có hai điểm đóng quân, theo trang mạng Thiềm Thừ.
Các tấm không ảnh phổ biến trên tờ Thanh Niên Trung Quốc không được rõ lắm nên không biết độ chính xác của bản tin này đến đâu. Tuy nhiên, trang thông tin thời sự chính trị quốc tế The Diplomat nói rằng họ đã kiểm chứng qua các nguồn thông tin độc lập nên viết rằng quả thật “một phần của công trình bồi đắp ở Cornwallis South Reef, tức bãi ngầm Đá Le, “đã bị bão thổi bay từ tháng 12.”
Dù vậy, không rõ phần bị bão “thổi bay” là phần đảo nhân tạo Việt Nam bồi đắp, mà Việt Nam không hề nói, hay cả 2 tòa nhà mà Việt Nam đã xây dựng như hai pháo đài từ nhiều năm trước. Cũng không hề thấy báo chí tại Việt Nam đề cập gì đến các thiệt hại vì bão của hai vị trí đóng quân tại Đá Le, nhất là trận bão Jasmine giữa tháng 12, 2015. (TN)
01-05- 2016 6:35:35 PM
No comments:
Post a Comment