HÀ NỘI (NV) - Đó là tính toán của Ngân Hàng Thế Giới (WTO). Theo đó, năm ngoái, mức độ chênh lệch là 6.9%. Đáng ngại là mức độ chênh lệch có xu hướng tăng dần (năm 2014, mức độ chênh lệch là 6.2% GDP).
Chính phủ Việt Nam sẽ phát hành lượng trái phiếu trị giá ba tỷ Mỹ kim trên thị trường quốc tế để “tái cơ cấu các khoản nợ trong nước.” (Hình: TBKTSG)
WTO cảnh báo, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều loại khó khăn: Thu không đủ chi. Nợ nần gia tăng. Dự trữ ngoại hối giảm. Dân số già hóa nhanh. Lệ thuộc lớn vào đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ ngoại quốc. Cũng vì vậy rất dễ rơi vào tình trạng bị động khi: Hoa Kỳ tăng lãi suất. Giá khoáng sản, nông sản trên thị trường thế giới sụt giảm. Kể cả những tác động từ Hiệp Định Hợp Tác Thương Mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cho đến nay, dù giới lãnh đạo Việt Nam liên tục bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nợ nần càng ngày càng lớn nhưng họ bị đẩy đến tình thế phải liên tục gật đầu để vay thêm.
Hồi Tháng Mười Một năm 2014, e ngại trước tình trạng ngân sách liên tục bội chi, nợ nần tăng vọt, có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, Quốc Hội Việt Nam đã ban hành một Nghị quyết, yêu cầu, từ 2015, chính phủ Việt Nam không được phát hành trái phiếu có kỳ hạn dưới năm năm và phải giảm mức “vay đảo nợ” (vay nợ mới để trả nợ cũ).
Tuy nhiên đến cuối năm 2015, cũng chính Quốc Hội Việt Nam phải gật đầu để gạt bỏ những hạn chế vừa kể, sau khi ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam, dọa rằng, nếu Quốc Hội không cho phát hành lượng trái phiếu trị giá ba tỷ Mỹ kim trên thị trường quốc tế vào năm 2017 để “tái cơ cấu các khoản nợ” (thay đổi cách thức, thời hạn trả nợ) trong nước, đa dạng hóa kỳ hạn của trái phiếu (phát hành trở lại trái phiếu có kỳ hạn dưới năm năm) thì sẽ không kiếm đủ tiền để chi tiêu và thực hiện các mục tiêu do chính Quốc Hội Việt Nam đề ra.
Lúc đó, viên bộ trưởng Tài Chính Việt Nam, tường trình, gần như trong suốt năm 2015, tổng giá trị trái phiếu kỳ hạn năm năm đã bán được chỉ khoảng 51% kế hoạch của cả năm nên chính phủ Việt Nam rơi vào tình trạng luôn luôn thiếu trước hụt sau.
Ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội, biện bạch, sở dĩ Quốc Hội Việt Nam không cho phép phát hành trái phiếu ngắn hạn vì điều đó tạo ra quá nhiều rủi ro, vay vừa xong đã phải lo trả nhưng cuối cùng cũng tuyên bố ủng hộ đề nghị “đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu” của chính phủ Việt Nam.
Tương tự ông Phùng Quốc Hiền, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam, cũng bảo rằng, ủy ban của ông ta đã “suy nghĩ rất nhiều.” Dù mong muốn có thể vay với thời hạn trả nợ dài nhất, lãi vay ở mức thấp nhất, ít rủi ro nhất nhưng vì thị trường muốn được hoàn lại tiền vay trong thời gian ngắn nhất và lãi suất phải cao nên đành gật đầu ủng hộ gạt bỏ Nghị quyết mà Quốc Hội Việt Nam từng đề ra năm 2014.
Thậm chí, tuy Luật Quản Lý Nợ Công của Việt Nam không cho phép phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế để lấy tiền trả các khoản vay trong nước nhưng vì tình thế ngặt nghèo, ông Hiền còn đề nghị Quốc Hội sửa luật. Viên chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam, bảo rằng, có nới lỏng cơ chế cho phép vay vốn bằng trái phiếu thì mới giải quyết được những khó khăn hiện nay. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment