Theo BBC-13 tháng 2 2016
Bài trên tạp chí The Diplomat cho hay Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa.
Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc.
Bài đăng trên The Diplomat hôm 13/2 viết Trung Quốc dường như đang nạo vét và bồi đắp ở hai vị trí mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc.
Ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm.
The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất.
Cải tạo đảo
Theo tác giả Victor Robert Lee, hoạt động nạo vét bồi đắp mới nhất được thực hiện từ đầu tháng 12/2015 trên một bãi san hô gần đảo Bắc mà Trung Quốc chiếm từ năm 1950; và trên đảo Cây, một trong các đảo chính của Hoàng Sa từ tháng 10/2015.
Đảo Bắc và đảo Cây đều khá rộng và nông, mở ra tới 8km, thuận tiện cho việc cơi nới khai thác.
Đặc biệt trên đảo Quang Hòa, Trung Quốc đã hút cát bồi đắp, mở rộng tới 50% diện tích bề mặt, phát triển một cảng biển và căn cứ trực thăng với tám bến đỗ đã được xây dựng và bốn bến đỗ khác sắp hoàn tất.
Bài báo nhận xét với căn cứ trực thăng này, khả năng săn ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tăng lên đáng kể.
"Hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp Biển Đông sẽ khiến cho bất cứ vị trí nào cũng có thể tiếp cận được bằng trực thăng như loại Z-18F trong thời gian hai tiếng đồng hồ."
Các căn cứ trực thăng không chỉ nâng cao khả năng trinh sát và phản ứng của quân đội Trung Quốc mà còn có thể thay đổi chiến lược tác chiến trên biển và trên không của cả khu vực.
No comments:
Post a Comment