RFA-2016-02-13
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia hồi 21/11/2015. AFP
Trong tuần này, nhiều tổ chức và cá nhân hiện đang hoạt động ở nước ngoài gửi thư đến tổng thống Barack Obama yêu cầu đặt ưu tiên vấn đề nhân quyền tại Việt Nam khi gặp các lãnh đạo Hà Nội tham dự thượng đỉnh ở Sunnylands.
Bức thư do hơn 31 nhóm hoạt động và gần chục cá nhân ở hải ngoại ký tên đề ngày 10 tháng 2; theo đó tổng thống Barack Obama cần nêu lên mối quan tâm với phái đoàn Việt Nam về những vi phạm mà những nhóm và cá nhân ký tên cho là nghiêm trọng và có hệ thống của chính quyền Việt Nam đối với các quyền con người được quốc tế công nhận, đặc biệt quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Trường hợp luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài được nêu ra là đáng lo ngại. Ông này từng bị bắt và giam tù vào năm 2007 vì bảo vệ tự do tôn giáo và cổ xúy dân chủ hóa tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đài là người công khai ủng hộ việc Hà Nội tham gia TPP.
Nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam cũng được nêu tên trong thư gửi tổng thống Hoa Kỳ như linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Công Chính, hai tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo Bùi văn Trung và Nguyễn Văn Minh, hai tu sĩ Phật giáo Khmer Krom Liễu Ny và Thạch Thuol, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, tù nhân chính trị trần Huỳnh Duy Thức, các nhà hoạt động vì quyền công nhân Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, các tù nhân chính trị trẻ thuộc nhóm thanh niên Công giáo- Tin Lành ở Vinh đang còn bị tù, rồi các tín hữu Thiên Chúa giáo ở Tây Nguyên…
Một số kêu gọi đối với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được nêu ra trong bức thư gồm yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Kêu gọi bãi bỏ tất cả những điều luật và nghị định hành chính ngăn cản tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa và niềm tin tôn giáo; và tất cả những điều luật được dùng làm cơ sở giam giữ, bỏ tù các vị lãnh đạo tôn giáo và những nhà hoạt động nhân quyền.
Thư kêu gọi tổng thống Barack Obama thúc đẩy chính phủ Việt Nam soạn lại luật theo cách công nhận tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, vô điều kiện trước sự phê chuẩn của chính quyền.
Hai kêu gọi nữa là cho phép sự tồn tại của các tổ chức phi chính phủ độc lập thật sự; cũng như cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập thực sự theo như qui định của TPP.
No comments:
Post a Comment