Saturday, February 13, 2016

Đinh La Thăng có dám chống tham nhũng ở Sài Gòn?

Thậm chí đang xuất hiện một luồng dư luận so sánh Đinh La Thăng với Nguyễn Bá Thanh.
Tân ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Hình Internet
Ngay sau đại hội 12 của đảng cầm quyền và ngay trước khi vào Sài Gòn nhậm chức bí thư thành ủy, tân ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã làm một cử chỉ ấn tượng khi bất ngờ cách chức tổng giám đốc một công ty đường sắt do chỉ mới đề xuất mua những toa tàu cũ của Trung cộng.
Trước đây khi mới nhậm chức Bộ trưởng giao thông vận tải, Đinh La Thăng đã từng “trảm” một quan chức của ngành hàng không Đà Nẵng do thi công chậm tiến độ. Tuy nhiên, lần cách chức đó không liên quan đến yếu tố Trung cộng.
Cũng đang xuất hiện một số trí thức và cán bộ đương chức cho rằng quyết định của Bộ chính trị về điều động ông Đinh La Thăng vào Sài Gòn là “quá giỏi về mặt tổ chức”. Một số trí thức khác tỏ ra hy vọng về triển vọng ông Thăng có thể trở thành một nhà kỹ trị để có thể khiến thành phố giàu nhất nước “cất cánh”.
Tuy nhiên, một luồng dư luận khác – có vẻ khách quan và tỉnh táo hơn – nhận định rằng ông Thăng là một con bài của Bộ chính trị nhằm “trấn” ở Sài Gòn và qua đó khuôn giữ một phần lớn các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, không để xu hướng tản quyền xảy ra ngoài vòng kềm tỏa của Hà Nội.
Càng về sau này, giới chính trị Hà Nội có vẻ càng lo ngại xu hướng cát cứ hóa ở Sài Gòn.
Lẽ dĩ nhiên chưa từng có tiền lệ tồn tại cùng lúc hai ủy viên bộ chính trị trong cùng một địa phương. Phó bí thư thường trực thành ủy Sài Gòn – Võ Văn Thưởng – đã phải phục tùng nguyên tắc tổ chức để ra Hà Nội làm Trưởng ban tuyên giáo trung ưng, mặc dù trước đó nhiều tin tức cho biết ông Thưởng rất mong được ở Sài Gòn làm bí thư thành ủy.
Một khi ghế bí thư thành ủy Sài Gòn không thuộc về một người Nam bộ, và điều này xảy ra lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay, có thể hiểu Bộ chính trị mới, hay nói cách khác là bộ chính trị của tổng bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng, đã quyết định chơi một ván bài khá mới mẻ và có tính phiêu lưu về mặt tổ chức.
Nếu ông Đinh La Thăng cai quản được Sài Gòn như ông đã từng làm ở Bộ giao thông vận tải, kết quả này sẽ làm cho các ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh yên tâm. Và  nếu ông Thăng quản trị được Sài Gòn một cách tương đối hiệu quả không chỉ về tổ chức mà còn khiến thành phố này tăng tốc đôi chút về kinh tế, đó sẽ là kết quả tốt đẹp để chứng minh rằng việc Bộ chính trị cho ông Thăng “Nam chinh” là không sai.
Nhưng nếu ông Thăng không làm khá hơn ở Sài Gòn, thậm chí tệ hơn kết quả mà ông từng điều hành Bộ giao thông vận tải, hệ quả xảy ra là sự phản ứng đương nhiên của nhiều quan chức Nam bộ hoặc là người Bắc nhưng đã Nam bộ hóa. Khi đó sẽ xuất hiện nhiều dư luận về việc Bộ chính trị đã bổ nhiệm sai người, và đòi hỏi để ông Võ Văn Thưởng trở lại Sài Gòn làm bí thư thành ủy.
Những khả năng trên mới chỉ xét trên phương diện hoàn toàn khách quan. Còn về chủ quan, thử thách đầu tiên  mà ông Đinh La Thăng phải đối mặt là “cánh hẩu” của cựu bí thư thành ủy Lê Thanh Hải. Được gầy dựng từ 15 năm qua, kể từ ngày ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn, đội ngũ chân rết của ông Hải đã tỏa ra khắp các quận huyện và sở ngành, đặc biệt những sở ngành chính về kinh tế như Sở kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính, các quận 5 và 2. Chưa kể Lực lượng thanh niên xung phong vốn là cái nôi xuất xứ của ông Hải…
Nồi cơm của các nhóm lợi ích ở Sài Gòn không dễ gì bị đụng chạm. Là một thành phố giàu nhất nước và cũng có số nhóm lợi ích, đại gia nhiều nhất nước, Sài Gòn cũng là một ổ tham nhũng ghê gớm từ nhiều năm qua. Bởi thế, chiến dịch chống tham nhũng để lấy lại lòng dân của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu có, sẽ phải giải quyết một trong những trọng điểm là thành phố này.
Ông Thăng không thể thoái thác trách nhiệm lớn lao đó. Dù muốn hay không, ông Thăng cũng phải làm một ít động tác chống tham nhũng để lấy lòng ông Trọng.
Nhưng khi đó, cánh của cựu bí thư Lê Thanh Hải sẽ phản ứng ra sao?
 02/13/2016 - 17:44
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment