Saturday, February 13, 2016

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nhiều Bộ, ngành, địa phương "đứng im"

VOV.VN - Với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhưng đến hết năm 2015 cả nước mới cổ phần hóa được khoảng 90% số doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2015-2016, cả nước thực hiện cổ phần hóa được 289 doanh nghiệp và thực hiện thoái vốn tại 5 lĩnh vực. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã thực hiện quyết tâm tái cơ cấu một cách mạnh mẽ thông qua thông điệp xử lý nghiêm các lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu DNNN vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo Đề án tái cơ cấu DNNN, trong giai đoạn 2014-2015, Việt Nam phải cổ phần hóa 432 DNNN, nhưng đến hết năm 2015, cả nước mới cổ phần hóa được khoảng 90% số doanh nghiệp, chưa kể có những doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiệu quả hoạt động chưa được như mong đợi.
Một số đơn vị đạt kết quả thấp như: Bộ Công Thương mới cổ phần hóa và sắp xếp được 2/12 doanh nghiệp; TP HCM mới có 6/21 doanh nghiệp… Các bộ và địa phương chưa cổ phần hóa, sắp xếp được doanh nghiệp nào trong cả năm 2015 như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, một số tỉnh như Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai.
tai co cau doanh nghiep nha nuoc: nhieu bo, nganh, dia phuong "dung im" hinh 0
Chính phủ xác định bên cạnh cổ phần hóa, công tác thoái vốn cũng là nội dung trọng tâm trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT)
Nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong việc thúc đẩy quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp; chưa tập trung ban hành chính sách theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015 thường là những doanh nghiệp quy mô lớn, tình hình tài chính, lao động phải xử lý nhiều nên cần nhiều thời gian hơn so với các doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong giai đoạn trước đây. Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo ban quản lý doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa có nơi còn chưa quyết tâm.
Theo bà Nguyễn Phương Lan, Trưởng phòng Đổi mới DNNN, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường vừa qua không thuận cho việc bán cổ phiếu. Do vậy, tỷ lệ cổ phần bán ra chưa cao, nhà đầu tư chưa có tiếng nói trong việc thay đổi về quản trị của DNNN. Do đó, Chính phủ xác định bên cạnh cổ phần hóa, công tác thoái vốn cũng là nội dung trọng tâm trong thời gian tới.

Cũng theo bà Lan, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng tiêu chí phân loại DNNN, trình Thủ tướng Chính phủ. Theo tiêu chí này, Nhà nước chỉ nắm giữ những doanh nghiệp thực sự cần thiết, cung cấp những sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu hoặc liên quan đến quốc phòng an ninh; những ngành, lĩnh vực liên quan đến áp dụng công nghệ cao và mang tính dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được hoặc không quan tâm vì không mang lại lợi nhuận.
“Trên cơ sở tiêu chí phân loại này, tất cả những DNNN không nằm trong những nhóm kể trên cũng sẽ được cổ phần hóa và được thoái vốn trong giai đoạn 5 năm tới”, bà Lan chỉ rõ../.
07:15, 13/02/2016
Cẩm Tú/VOV - Trung tâm Tin


No comments:

Post a Comment