Saturday, February 13, 2016

Tâm, Đức và Nhẫn

Theo VNTB -13.2.16
Quang Nguyên (VNTB) Đầu năm nhiều người đi xin chữ. Nhìn các thầy Đồ cho chữ lại nhớ đến chuyện ngày xưa. Cụ cố tôi kể lại, trong làng có hai người, một ông đồ và một cụ Huấn về hưu, ai có việc cần xin chữ đều mang trầu, rượu đến nhờ cụ Huấn. Hỏi sao chữ ông Đồ đẹp hơn, sắc xảo hơn không xin, họ thì thầm: "Ông Đồ đức không dầy, tâm không sáng như cụ Huấn...". Kẻ không Tâm, không Đức, không ai muốn gần, nói gì đến nhờ cậy.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: Thế Dũng (NLĐ)


Cụ Huấn chưa già nhất, nhưng là tiên chỉ, cụ hay đến thăm từng nhà, chẳng quản giầu nghèo. Đứa học trò nào dốt hay lười thấy cụ đến nhà là sợ phát run như thằn lần đứt đuôi, cụ nọc ra đánh ngay trước mặt bố mẹ. Các bậc cha mẹ có con bị cụ đánh lại lấy làm hãnh diện lắm cứ khoe ầm lên trong làng: Cụ thương, cụ thương!


Dân làng tôi thời đó, nhờ uy của cụ, quan quân từ tỉnh trở xuống chẳng ai bắt nạt được, hương lý bình an vô sự. Đi thăm nhiều, thân cận với dân nhiều, chuyện trong làng, chuyện từng nhà cụ đều rõ như bàn tay, ai đến xin chữ, cụ ân cần hỏi tường tận, rồi tùy việc, tùy người cụ cho chữ. Được chữ cụ cho đem về quý vô cùng, treo lên chỗ trang trọng nhất, cả bao nhiêu năm con cháu nhiều người còn giữ.



Hồi đấu tố, Cụ già lắm rồi. Ông đồ đã theo cách mạng từ lâu, mang đội cải cách về làng "Kách mẹ nó cái Mạng" cụ (A Q., Lỗ Tấn). Từ đó không còn ai cho chữ, không còn ai xin chữ. Làng tôi không còn chữ .



Một số "thày đồ" ngày nay, chữ không đầy lá mít, đức không dầy đến lóng ngón tay, tâm không sáng bằng con đom đóm, vừa viết vừa liếc đùi cô khách hàng hớ hênh ngồi trước, đúng là "cái học ngày nay đã hỏng rồi"! (Nguyễn Khuyến)



Thế mà đông ra phết, chợ mà, mà lại là chợ "đặc sản văn hóa", mỗi năm họp có phiên vài ngày,tấp nập kẻ mua người bán, nhưng mua mua,bán bán loanh quanh chỉ vài món quen thuộc, nào là phú quý, vinh hoa, đại cát, đại lợi, vạn sự thành, kim ngọc mãn đường, rất đúng điệu kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khách muốn mua chữ nào, thày cắm cúi viết chữ đó. Tiền trao cháo múc, xong việc đôi khi cũng chẳng một tiếng cảm ơn nhau, như vừa mua bán xong mớ rau, lạng thịt. Thật ra cũng không phải hoàn toàn kinh tế thị trường định hướng XHCN như thế tất cả, bây giờ cũng có nhiều người "tâm linh" lắm, hoặc là đã dư phú-quý, vinh-hoa rồi, cần xin cái học, cái phúc, lộc, thọ, khang, ninh, và xem ra nhiều người mua cái Tâm, cái Đức, cái Nhẫn.



Sao nhiều người mua mang về nhà cái Tâm, cái Đức, cái Nhẫn vậy mà bây giờ ai cũng kêu xã hội vô đạo đức, con người vô tâm, nhẫn tâm với nhau, không ai còn nhẫn nhịn ai, tranh giành hơn thua đến giết nhau? Hay tại cái Tâm, cái Đức, cái Nhẫn dễ mua quá , có vài chục ngàn, chưa bằng bát phở, rẻ hơn bữa nhậu nhiều cho nên người ta mua về treo mấy ngày tết cho người ra, kẻ vào thăm viếng thấy , xong vứt bỏ. Nói vậy chứ biết đâu nhờ có nhiều người mua cái Tâm, cái Đức, cái Nhẫn mà xã hội chỉ "đến thế là cùng" (chữ của TBT Trọng) . Nếu vậy, xin nhà nước in phát không cho mỗi người dân ba chữ đó để người người ngày ngày ngắm nhìn, đêm đêm suy nghĩ về các đức hạnh đó mà được tự do hạnh phúc, hay thay vì treo đủ thứ khẩu hiệu xưa như trái đất, cũ như thằng cuội, cứ cái Tâm, cái Đức, cái Nhẫn, treo đầy gốc cây, đầy ngõ hẻm, nhất là trước và trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở tiếp dân, thế là dân an vui tốt lành như thời tương lai cộng sản mô tả trong truyện hoang đường. Đấy, nên bắt chước các quan chức đầy tớ của dân. 

Thỉnh thoảng, nhờ TV, nhờ báo nhà nước, dân đen được chiêm ngưỡng nội thất của các quan chức, các nhà lãnh đạo, họ treo đầy chữ Tâm, chữ Đức, Chữ Nhẫn trong nhà, chữ nào chữ nấy to, tròn như cái lồng bàn úp mâm cơm. Không phải loại chữ mua ngoài chợ văn hóa đặc sản mỗi năm có một lần để sau đó vứt bỏ, năm sau mua chữ khác đâu, các chữ trong quý phủ đều vàng lấp lánh. Nhìn vào các chữ sáng lòa ánh vàng ấy thấy ngay chủ nhân là người luôn biết răn mình lòng dạ phải trong sáng như một vầng trăng khuyết, ba sao trên trời, nghĩ đến dân nghèo, dân oan , lòng luôn đau như dao cắt như Lê Thánh Tông ngày xưa. Chính thế họ rất an nhiên, tự tại, gia đình luôn hạnh phúc ấm no.



Ở Hồng Kông có tiệm ăn Tường Ký, chuyên bán vịt quay Bắc Kinh, ngay trước quầy tiếp khách, tính tiền, treo một chữ Phúc lộn ngược. Thấy lạ, hỏi, chủ nhân rành rẽ: "Phúc treo lộn ngược như vậy là Phúc ở đây, nó không chạy đi đâu được hết." Đề nghị các cơ quan, ban ngành nhà nước, các tư gia lãnh đạo nên xoay ngược đầu mấy chữ Tâm, Đức Nhẫn cho chúng nó khỏi bay qua cửa sổ.



Nhìn chị Kim Chi tết đến thăm chị Công Nhân, nhà chỉ vài cành hoa vàng, không có vẻ gì tết, cũng không thấy có chữ Đức, Chữ Tâm, chữ Nhẫn nào treo trên vách. Hai người đàn bà yếu ớt nhưng dũng cảm tuyệt vời bên nhau, thấy một trời nhẫn nhục, yêu thương và nhân đức trong họ



Đức, Tâm, Nhẫn đâu phải cứ mua về treo lên vách là tự nhiên có, cũng chẳng phải ai cứ được đưa vào chùa là thành Phật. Kẻ ngu si đem gì vào chùa mà chẳng được, Phật vô chấp chỉ mỉm cười thương xót. Thiền sư Vân Môn Văn Yểm bảo Phật là que cứt khô chứ ngài không bảo que cứt khô được đem vào chùa là thành Phật.



Kính tặng hai chị Kim Chi và Công Nhân

No comments:

Post a Comment