Nhưng oái oăm thay! Truyền thông lề đảng đến nay vẫn chưa đả động gì tới tiến trình “đảng cử, dân bầu” cho ngày 22/5/2016, trong khi báo net lề Dân đã rộn ràng với phong trào “tự ứng cử đại biểu quốc hội” do Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát động.
Ts Nguyễn Quang A với Cao trào tự ứng cử
Ông A hô hào: “Hãy ứng cử để biến quyền hão dần dần thành quyền thực và giúp ông Trọng [Nguyễn Phú Trọng] chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’” (Lời kêu gọi được đăng trên FB Nguyễn Quang A ngày 05/02/2016 và Anh Ba Sàm tải lên net cùng ngày).
Ông Nguyễn Quang A vốn biết rõ “Quyền ứng cử cơ bản vẫn chỉ là quyền hão!” Ông cũng biết “rất có thể những người tự ứng cử bị các thủ tục ‘hiệp thương’ hiện hành loại bỏ khỏi danh sách ứng viên cuối cùng, thậm chí có thể bị ‘đấu tố’ tại các Hội nghị cử tri hoặc bị báo của ĐCSVN bới móc đời tư,…” Ông A lại còn biết“nhiều người có thể nghĩ việc ‘tự ứng cử’ sẽ thất bại, ‘chẳng xoay chuyển được gì,’… Nhưng ông Tiến sĩ vẫn lạc quan cho rằng, ít ra “việc ứng cử sẽ làm cho dân chúng thấy sự ‘dân chủ đến thế là cùng’ ở nước ta ra sao, gây áp lực để có những sự thay đổi có ý nghĩa trong tương lai, giúp nâng cao dân trí và quan trí.”
Ts Nguyễn Quang A còn liệt kê một danh sách dài những “người trẻ gồm các luật sư cho tới các nhà hoạt động, các trí thức từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Sài Gòn, Đà Lạt, Đak Lak, Vũng Tàu…” để kêu gọi họ hãy cùng với ông hăng hái ghi tên tự ứng cử.
Khánh An trên VOA ngày 10/02/2016 cho biết tính cho tới ngày 09/02/2016, “đã có 10 cá nhân độc lập tại Việt Nam tự đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14” trong đó có nhà văn Phạm Thành, blogger Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư Hoàng Chương, blogger Đặng Bích Phượng, Luật sư Lê Văn Luân."
Rồi, trong bài báo ngày 10/02/2016, nhan đề “Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội”, BBC lại nêu lên danh tánh 8 người “tuyên bố mình sẽ ra tranh cử là: Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, ông Hoàng Cường, ông Nguyễn Đình Hà, ông Phạm Văn Thành, ông Lê Văn Luân.”
Ls Võ An Đôn thua keo này bày keo khác
Luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên cũng tuyên bố tiếp sẽ lại ra ứng cử, bất kể ông đã một lần ứng cử và đã bị loại ngay từ buổi “hiệp thương” cấp tỉnh, bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 năm 2011. Dù biết rằng “bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là trò diễn kịch của giới cầm quyền, người dân khó lọt vào sân chơi độc quyền này,” vị luật sư trẻ Võ An Đôn vẫn không chùn bước (FB LS Võ An Đôn: Tôi tiếp tục ứng cử Quốc hội. Adminbasam 11/02/2016 tải lên lại). Ls Đôn tâm sự về kinh nghiệm phũ phàng của mình trong cuộc “ứng cử” của bản thân hồi năm 2011 như sau: “Năm 2011, khi lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, tôi được 100% người dân địa phương ủng hộ, sau đó lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc là Đoàn luật sư, tôi cũng được 100% tín nhiệm. Đến khi hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi bị loại, không được lọt vào danh sách bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội.”
Đau đớn nhất cho tâm huyết và thân phận trí thức trẻ Võ An Đôn là ở chỗ này:“Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm.”
Ls Đôn đau lắm, nhưng ông đâu chừa! Lần này, ông lại quyết tự ứng cử, tranh cử. “Ứng” thì được. Nhưng tranh thì tranh” với ai? Ai cho ông “tranh” trong guồng máy đảng trị? Ls Đôn vẫn bất chấp! Ông tâm sự: “Mục đích tôi tự ứng cử đại biểu Quốc hội lần trước và lần này không phải là tôi muốn làm đại biểu Quốc hội để được hưởng nhiều bổng lộc ban phát, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử Quốc hội chỉ là trò diễn kịch với vở kịch vụng vờ, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời. Dù biết trước rằng 99,99% người tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị loại, nhưng tôi vẫn tiếp tục nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới.” Nhiều người hoan hô Ls Võ An Đôn biểu lộ ý chí và khí phách của kẻ sĩ thời đại!
Tuy nhiên, chúng tôi ngờ ngợ không rõ khi tuyên bố “thực hiện quyền ứng cử theo hiến định,” Ls Đôn có đặt niềm tin của mình vào hiến định và làm theo Hiến pháp của CSVN không? Hay đó chỉ là chiến thuật nghiệp vụ của nghề luật sư? Bởi lẽ, khi Ls Đôn “nhận thức được rằng bầu cử Quốc hội chỉ là trò diễn kịch, thì hẳn nhiên ông đã rõ cái “Hiến pháp” mà CSVN sử dụng để “nắn ra cái Quốc Hội” có là Hiến pháp của dân, cho dân và vì dân hay không?
Toàn dân Việt Nam ai mà không biết cái Hiến pháp hiện hành của CSVN với điều 4 của nó đích thị là bản tuyên bố quyền đảng trị tối thượng của Cộng đảng! Nó ngồi tè trên đầu quốc gia thì sá gì cái quốc hội bù nhìn! Với điều 4 của nó, nó công khai thủ tiêu quyền làm dân cùng mọi quyền chính đáng căn bản khác của toàn thể dân tộc Việt Nam! Trừ quyền lợi và quyền uy của bè lũ Cộng sản đảng trị! Hiến pháp của CSVN là hiến pháp vi hiến! Cần phải loại bỏ nó ngay, chứ sao lại đeo nó vào mình và gào lên là làm “theo hiến định”?
Ls Lê Văn Luân: Tôi có mặt ở đây
Giống như Ts Nguyễn Quang A và Ls Võ An Đôn đã tuyên bố “tự ứng cử” đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới, một luật sư trẻ khác – Ls Lê Văn Luân – cũng công khai việc tự ứng cử của mình. Có lẽ ông là người đầu tiên trong đợt tự ứng cử năm 2016 này đưa ra bản “Sơ lược ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội” với bốn chi tiết lý lịch cá nhân gồm (1) Thông tin cá nhân; (2) Quá trình học tập; (3) Hành nghề; (4) Vài điều liên quan.
Bên cạnh đó là Bản tuyên bố “Tôi có mặt ở đây” của Ls Luân vận động ứng cử ĐBQH 2016. Qua bản tuyên bố này, Ls Lê Văn Luân hùng hồn lặp đi lặp lại vì sao“tôi đến đây”, vì sao “tôi có mặt ở đây” mà chúng tôi xin phép gọi là tuyên ngôn ứng cử của Ls Luân.
Khác với Ts A và Ls Đôn còn dè dặt với bước chân “tự ứng cử” của mình, bày tỏ phần nào mối ngờ vực đối với CSVN, Ls Lê Văn Luân rõ ràng ra ứng cử với quyết tâm phải được đắc cử, chứ không ứng cử chỉ để thách thức đảng quyền giống như hai vị trên. Hai vị ấy – Ts A và Ls Đôn đều bày tỏ không kỳ vọng được “cử” vào danh sách ứng cử, nói chi tới chuyện được bầu hay không được bầu làm đại biểu Quốc hội! Tuy nhiên, công bằng mà nói, Ls Luân không hẳn lạc quan hoàn toàn về kết quả “dự đoán” sự tự ứng cử của mình, bởi lẽ chính ông đã dè dặt phát biểu rằng cho dù ông có thất bại thì cũng là “một thành công về mặt chứng minh thực tiễn” và cũng “chứng minh về cơ hội của những người ngoài Đảng khi tham gia ứng cử…”
Hưởng ứng phong trào “tự ứng cử”?
Khi phát động phong trào tự ứng cử với chủ đích “‘thức tỉnh người dân’ về quyền ứng cử” (BBC ngày 05/02/2016), Ts Nguyễn Quang A cũng đã tuyên bố tự ứng cử nhằm “cổ động những người cảm thấy mình có đủ năng lực ra ứng cử.” Ông A phân trần: “Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sau các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.” Ts A có lạc quan lắm không khi ông tin “nhà nước cũng phải học hỏi”, “thay đổi nhận thức”???
Ông A còn ví von: “Trong bụi rậm, không có người đi thì chẳng bao giờ thành con đường cả.” Lối ví von này nghe hơi lạ tai: Gặp bụi rậm, muốn nó thành con đường, phải có người DỌN trước khi có người đi, để nó thành đường đi, người ta mới đi được! Tại sao Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đặt trọng tâm vào việc tìm cách và tìm người DỌN ĐƯỜNG trước? Ấy mới là “khâu” quan trọng để bụi rậm trở thành con đường thênh thang cho toàn dân Việt Nam!
Dù thế nào chăng nữa thì phong trào “tự ứng cử” đã trở thành cao trào. Ls Phạm Quốc Bình thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cũng đang cân nhắc có ra ứng cử hay không, nhưng trả lời BBC ngày 10/02/2016 (Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội), ông Bình nói ông vẫn “chưa có quyết định cuối cùng.” Nghe đâu vị Luật sư này cũng vừa tuyên bố “tự ứng cử” thì phải?
Xuyên qua phong trào “tự ứng cử”, không ít người đặt nhiều kỳ vọng vào sự dấn thân “tự ứng cử” của những người trẻ trí thức và đầy tâm huyết, mong sự dấn thân ấy góp phần vào việc thay đổi cách nghĩ, cách nhìn và phương thức hành động của cả quan lẫn dân trong nước hầu mang lại sự thay đổi toàn diện có lợi cho toàn dân và toàn xã hội Việt Nam. Phải chăng chính vì lẽ đó mà số người hưởng ứng lời kêu gọi “tự ứng cử” do Ts Nguyễn Quang A phát động có dấu hiệu tăng nhanh. Cụ thể, trên Anh Ba sàm ngày 08/02/2016, người ta đọc thấy bài “Ra ứng cử, tại sao không?” của Người Buôn Gió. Trên BBC ngày 10/02/2016, có bài “Ngày càng nhiều người tự ứng cử Quốc hội”. Và cả trên VOA ngày 10/02/2016 và trên Anh Ba Sàm cũng ngày 10/02/2016 cũng nổi bật bài của Khánh An: “Dân bắt đầu làn sóng ‘cạnh tranh’ quyền ứng cử với đảng viên”. Và còn nhiều bài khác nữa cổ võ cho PT tự ứng cử xuất hiện từng ngày trên truyền thông online.
Hoài nghi đối với PT “tự ứng cử”
Bên cạnh những người ủng hộ và cổ võ phong trào “tự ứng cử”, không ít người khác tỏ ra hoài nghi và dè dặt về mặt này hay khía cạnh nọ đối với PT này.
FB Quang Phan
FB Quang Phan ngày 10/02/2016 (Anh Ba Sàm đăng lại ngày 11/02/2016) nêu lên“Mấy suy nghĩ về phong trào tự ứng cử.” Tác giả chỉ thẳng: “Tiến sỹ Nguyễn Quang A ra lời kêu gọi công dân tự ứng cử, tuy là sáng kiến hay giúp hình thành nên một phong trào tự ứng cử nhưng lại pha loãng vấn đề, tiếp tục xẻ nhỏ thêm các tiềm lực ít ỏi của các nhóm xã hội dân sự. Đó là sáng kiến bất cập thời và tùy hứng.” Vâng! Xé nhỏ tiềm lực vốn ít ỏi của các nhóm xã hội dân sự, ấy mới là điều đáng lo ngại. Các phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền có nguy cơ sớm mai một vì cái phong trào “tự ứng cử” đầy cạm bẫy này! Tất nhiên, CSVN sẽ lại có dịp nổ ra tràng pháo “toàn thắng ắt về ta!”
Người Đưa Tin
Trên Dân Làm Báo ngày 11/02/2016, Người Đưa Tin từ Sài Gòn khi nhận xét“Vấn đề không phải là tự ứng cử mà cần tẩy chay bầu cử Quốc hội cộng sản”, đã kêu gọi mọi người: “Để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước, đòi buộc phải đa nguyên đa đảng.” Tác giả bài báo nêu ra rằng “một khi cộng sản còn độc tài toàn trị bằng điều bốn HP thì việc tự ra tranh cử không có giá trị và đạt được mục tiêu xây dựng dân chủ.” Bởi vì, theo tác giả, “đã là cộng sản thì bản chất như nhau, khát vọng quyền lực biến người theo cộng sản nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, kể cả đồng chí, đồng đảng, đồng bọn cộng sản đều chung ý thức giết lầm hơn bỏ sót […] điều đó cho thấy các kiến nghị cũng như đơn thư tố cáo đối với đảng cộng sản chỉ là trò đùa không hơn kém.” Từ nhận định trên, Người Đưa Tin quả quyết:“Hành động khuyến khích người dân tẩy chay bầu cử thiết thực hơn là tuyên bố của một vài cá nhân tự ra ứng cử, khi biết chắc, biết trước nhà cầm quyền cộng sản không thể chấp nhận. Hành động mà biết trước kết quả không hay thì nên chuyển hướng là điều cần thiết.”
Người Đưa Tin kêu gọi mọi người Việt Nam hãy (1) phát động và khuyến khích người dân tẩy chay bầu cử QH cộng sản ngay bây giờ; (2) cảnh giác hình thức bầu cử của CSVN vì “Hình thức bầu cử trong chế độ cộng sản cũng là hình thức đấu tố sát hại lẫn nhau để tranh giành quyền lực”; (3) Không chấp nhận hình thức đảng cử dân bầu để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Vũ Đông Hà
Một tác giả khác của Dân Làm Báo - ông Vũ Đông Hà - cũng đặt vấn đề với cái gọi là “tự ứng cử trong chế độ toàn trị” (DLB 12/02/2016). Cũng như Người Đưa Tin, Vũ Đông Hà mạnh mẽ thúc giục hãy “tẩy chay bầu cử”. Bởi vì theo tác giả,“tẩy chay đồng nghĩa với thái độ chính trị không chấp nhận từ căn bản về Điều 4 Hiến Pháp, về vai trò của đảng và cánh tay nối dài của đảng là Mặt trận Tổ quốc trong việc khống chế toàn bộ tiến trình bầu cử.” Tác giả lại nhấn mạnh: “Quan trọng hơn cả, tẩy chay bầu cử là thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất để phủ nhận cái ‘chính danh’ mà cộng sản ăn cướp của toàn dân kể từ sau ngày Hồ Chí Minh và đồng bọn cướp chính quyền.”
Sau đó, Vũ Đông Hà phê phán phong trào “tự ứng cử” khi ông đặt câu hỏi “tại sao một số người hoạt động ngày hôm nay không chọn phương hướng này, không những không đứng ngoài, không tẩy chay mà lại chấp nhận tham gia màn kịch dân chủ lừa bịp và xung phong "tự ứng cử"? Nói cách khác, họ tình nguyện trở thành một thành phần, một "con cờ" hay tệ hơn - theo cách nói của những người không đồng ý với họ - "con rối" - trong trò chơi mị dân của đảng cầm quyền?
Chúng tôi chỉ nêu lên một vài khía cạnh trong bài “Tự ứng cử trong chế độ toàn trị” của Vũ Đông Hà. Có đọc toàn bài và nghiền ngẫm nó, chúng ta mới thấy hết cái thâm thúy hàm súc trong bài, để chúng ta thận trọng hơn, cảnh giác hơn đối với các trò hề bầu cử kệch cỡm của CSVN, lưu manh trắng trợn và nham hiểm nhất là trò “hiệp thương”.
Theo Từ điển Tiếng Việt, hiệp thương nghĩa là “họp thương lượng về những vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan chung tới các bên.” Nhưng thực tế thì lại không phải vậy! Ls Võ An Đôn đã chứng minh điều đó, chúng ta đã trích dẫn trên, giờ xin dẫn lại: “…khi tổ chức hiệp thương tại Mặt trận tổ quốc tỉnh thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm.”
Riêng kẻ hèn này xin đóng góp một suy nghĩ nhỏ: Ứng cử là ứng cử! Ứng cử tự nó đã nói lên ý nghĩa tự mình xung phong giới thiệu mình để được trao phó một trách nhiệm. Tự điển Tiếng Việt cũng minh định như vậy: “Ứng cử là TỰ GHI TÊN trong danh sách để được chọn bầu trong một cuộc bầu cử.”
Vậy, không có “tự ứng cử”, nhưng có ứng cử viên độc lập (không gọi là tự ứng cử) khi mà ứng cử viên tự mình ra ứng cử, không liên kết hay cậy dựa vào sự giới thiệu, bảo trợ hay hỗ trợ của một cá nhân, một đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo, chính trị nào! Ứng cử viên độc lập khác với ứng viên được phe nhóm đề cử, nhưng cả hai đều tự nộp đơn xin ứng cử, đều là… tự ứng cử. Các đảng viên cộng sản ứng cử qua sự đề cử công khai của đảng, đoàn, hoặc núp dưới cái vỏ bọc ứng cử độc lập cũng là tự ứng cử, dầu việc “tự ứng cử” này chỉ là làm trò mèo chuột theo lệnh của ai đó để đánh tráo việc ứng cử-bầu cử quang minh chính đại.
Phong trào tự ứng cử chắc chắn sẽ là chuyện dài trên truyền thông online. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta chỉ tạm lướt qua một số bài đầu tiên để thử thưởng ngoạn phong trào ấy và từ đó, có thể đoán biết PT này sẽ đi về đâu!
Kết luận
Cách đây gần một tháng, đang khi Đảng CSVN ồn ào với Đại Hội Đảng lần thứ XII, vào ngày 24/01/2016 chúng tôi có cống hiến bài viết “Lùm xùm chuyện đảng hôm nay, Nghĩ tới bầu bán ngày mai!” Dòng suy tư cuối bài ấy, chúng tôi xin được chia sẻ lại một lần nữa ở đây cùng quý độc giả:
…
“Kiên quyết không tham gia bất cứ cuộc bầu bán cuội nào do CSVN bày ra, như ‘bầu’ cái gọi là ‘Quốc hội’, vở tuồng sẽ được tái diễn vào ngày 22 tháng 5, năm 2016 này. Dưới chế độ Cộng sản, không hề có bầu cử đúng theo nghĩa của từ bầu và cử! Người ta chỉ dùng thủ đoạn CỬ trước, lùa dân BẦU sau, cưỡng đoạt quyền BẦU CỬ chính đáng của dân, biến nó thành trò chính trị lươn lẹo hầu thao túng chính trường, áp đặt quyền cai trị độc tài độc đảng trên đầu, trên cổ người dân mà thôi.”
14/02/2016
No comments:
Post a Comment