Theo NLĐO-01/01/2016 12:17
Đọc số báo đầu tiên của năm mới, nhiều bạn đọc ngớ người khi “vấp” phải thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa về việc 10 năm qua tỉnh này không phát hiện cán bộ nào nhận quà.
Nghe như chuyện đùa của ngày 1-4 (cá tháng tư) chứ ai nghĩ rằng thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 31-12.
Quy định về việc cán bộ nhận quà phải khai báo và nộp lại đã được thực hiện từ nhiều năm qua ở khắp các tỉnh, thành. Đây là một trong những công cụ nhằm ngăn chặn tham nhũng trá hình. Qua thời gian quy định này đã không còn tác dụng đối với tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi như hiện nay. Thế nhưng, nhiều tỉnh, thành vẫn xem đây là tiêu chí và dùng kết quả từ quy định này để đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Bạn đọc Nguyễn Thế Tòng, một người dân của Khánh Hòa, thốt lên: “Khó tin!”. Chẳng biết bằng “phương pháp, nghiệp vụ” gì mà tỉnh này có thể theo dõi được từng cán bộ của mình để đưa ra một kết luận chủ quan như thế. Còn nếu để cán bộ tự khai thì điều này còn dị hợm hơn và một hội nghị như thế chẳng cần phải tổ chức để khỏi tốn tiền của, thời gian... Và quan trọng hơn để người dân khỏi thấy mình bị xem thường”.
Nhiều bạn đọc phản hồi qua Báo Người Lao Động rằng, xây một căn nhà cấp 4 thôi, vừa đổ đống đất là có các “anh” xuống hỏi thăm ngay. Không có quà thì chẳng yên thân. Xin giấy phép xây dựng cũng phải đủ kiểu “tình thương mến thương”, rồi kiểm tra các kiểu, môi trường, điện nước... “Chỉ có người mù mới không thấy những chuyện như thế. Mà người mù không thấy thì cũng nghe người dân ta thán hằng ngày” - một bạn đọc bày tỏ.
Vịnh Nha Trang bị lấn chiếm nhưng cả một thời gian dài các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa không hay biết
Ngay những số liệu đưa ra từ hội nghị cũng đã mâu thuẫn với những gì lãnh đạo tỉnh này công bố. 10 năm qua, tỉnh thực hiện gần 1.000 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng hơn 269 tỉ đồng và gần 670 ha đất các loại. 71 bị can, bị cáo tham nhũng bị xử lý... Tham nhũng đầy ra đó chứ phải ít đâu mà đưa ra số liệu “trong sạch” thế.
“Những người sống trong môi trường đó, kinh nghiệm công tác đầy mình, tham nhũng như thế nào, quà cáp ra sao không ai hiểu rõ hơn họ. Còn việc kê khai tài sản cũng thế, còn ai rõ hơn các ông với nhau rằng người nào có bao nhiêu tài sản, đất đai chỗ nào? làm thế nào để có được đất ở chỗ đẻ ra vàng... Chúng tôi nghèo khó, không quyền hành gì nhưng cũng đừng vì thế mà mãi xem chúng tôi là người không biết gì, nói sao cũng được. Ai cũng hiểu số liệu các ông đưa ra là không thể tin, các ông với nhau hiểu càng rõ nhưng vẫn đưa ra tại một hội nghị lớn như thế, bao nhiêu cán bộ chủ chốt các ngành dự hội nghị cũng "chấp nhận" nó thì quả là điều khó hiểu” - một người dân tỉnh Khánh hòa bày tỏ.
Nhìn qua cách chống tham nhũng mà hội nghị trên đưa ra, nhiều người có cảm giác các cơ quan chức năng đang thực hiện rất hình thức. Tham nhũng đã trở thành một điều bình thường, hiển nhiên và đau lòng hơn là dường như mọi người đã chấp nhận nó. Những thông tin mà ông Hoàng Trọng Dân, Thanh tra tỉnh Khánh hòa đưa ra tại hội nghị rất đáng để ta suy nghĩ. “Nói cách khác, ngay cả chống tham nhũng trên giấy mà cũng còn không đủ dũng khí thì chúng tôi khó lòng tin tưởng vào công cuộc này” - bạn đọc lấy tên Nha Trang bày tỏ.
Ai cũng hiểu tham nhũng ngày càng tinh vi, thiên hình vạn trạng và ngày càng táo tợn. Chống tham nhũng theo kiểu... thủ công, đi kiểm tra quà cáp nhận hằng năm, kiểm tra tài sản họ tự khai... thì lạc hậu quá. Nên nhớ tham nhũng lớn chính là những người có thực chức, thực quyền và thừa thông minh, táo tợn. Tham nhũng bây giờ làm gì còn ngửa tay nhận tiền, nhận quà. Mà đã là tham nhũng “bự” thì tiền có chở cả xe cũng không đủ có đâu mà phát hiện. “Quà” tham nhũng có thể là một căn biệt thự ở đâu đó bên Mỹ; là vài suất học bổng kèm theo nhà cho con cái cán bộ học ở Anh, là cổ phần trong doanh nghiệp ăn nên làm ra nào đó... Chứ chăm chăm vào vài chai rượu, vài chục, vài trăm triệu đồng, chiếc ô tô... thì chống tham nhũng được đến đâu. Những loại tham nhũng đó chỉ là tham nhũng vặt.
Cả một bộ máy thanh tra mà chú tâm vào những loại tham nhũng trên thì có mấy tác dụng. Bởi thế, không chỉ Khánh Hòa mà rất nhiều địa phương khác như TP HCM, Hà Nội... cũng không tự phát hiện tham nhũng. Bởi thế nên bao nhiêu là cơ quan chức năng cũng không phát hiện nổi một doanh nghiệp ngang nhiên lấp đất vịnh Nha Trang, sai phạm đến 23.000 m2 trong cả thời gian dài.
“Tham nhũng không khó thấy. Vấn đề là người có trách nhiệm liên quan không muốn thấy, không dám thấy và có nhiều thứ làm cho họ “không thể thấy”. Nhìn nhận tham nhũng mà còn lo sợ như thế thì bao giờ chống được tham nhũng” - nhiều bạn đọc nói thẳng.
Phạm Hồ
No comments:
Post a Comment