Friday, January 1, 2016

Kinh tế tăng trưởng cao hơn, xí nghiệp Việt chết nhiều hơn

HÀ NỘI (NV) - Một số dự báo kinh tế nói nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn vào năm tới nhưng lại có nghịch lý là số doanh nghiệp trong nước lại ngừng hoạt động hay giải thể nhiều hơn.


Nghịch lý doanh nghiệp sập tiệm tại Việt Nam nhiều hơn dù kinh tế tăng trưởng cao hơn. (Hình: Infonet)

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, trong năm 2015, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6.27%, cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong số 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng trên 6% trong năm nay, bên cạnh Ấn Độ (7.3%), Tanzania (7.2%), Trung Quốc (6.95%), Uganda (6.85%), và Dominica (6.35%).

Năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6.1%. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được thấy là cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Theo dự báo của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB), sang năm 2016, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đến 6.6% dù trước đây họ từng dự báo có 6.2%.

Lý do được ADB đưa ra để phân tích đánh giá là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang gia tăng nhanh, tăng 9.9% nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu.
Trong khi đó, các dự án đầu tư mới trong ngành khai khoáng đã giúp cho ngành này đạt mức tăng trưởng 8.2%, phục hồi từ tình trạng sụt giảm trong nửa đầu năm 2014. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 6.6% nhờ có sự phục hồi phần nào trên thị trường bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.

Với những tín hiệu tốt, nhà cầm quyền trung ương liền đưa ra một loạt chỉ tiêu để “phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững,” từ đó “đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền... với GDP tăng trưởng 6.7%,” theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) tường thuật “phiên họp trực tuyến cuối năm của chính phủ với các địa phương, sáng 28 tháng 12, 2015.”

Trong khi tăng trưởng kinh tế như thế, điều oái oăm là số lượng các công ty xí nghiệp của người Việt Nam lại đóng của nhiều hơn trước. Các con số thống kê nêu ra mấy ngày gần đây cho thấy, trong năm 2015 đã có 95,000 doanh nghiệp “hoàn tất thủ tục giải thể,” tức là chấm dứt hoạt động kinh doanh. Con số này giảm 0.4% so với năm trước nhưng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 22.4% so với cùng kỳ năm trước, tức là lên mức 71,400 doanh nghiệp.

Nói khác, tính chung số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động trong cả năm 2015 đã lên mức 80,900 doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với số của các năm trước (năm 2014 là 67,800 doanh nghiệp; năm 2013 là 70,500; năm 2012 là 63,500 và năm 2011 là 61,500).

Một số lý do chính dẫn đến nguyên nhân số lượng các xí nghiệp của người Việt Nam chết nhiều như thế gồm “phí bôi trơn” quá tàn nhẫn, khó tiếp cận tín dụng, thuế và phí quá nặng, xí nghiệp nhỏ không có chiến lược kinh doanh hữu hiệu.

Trong bản tin ngày 29 tháng 12, 2015, tờ TBKTVN thuật lời bà chuyên viên kinh tế Phạm Chi Lan kêu rằng: “Cứ làm được một đồng thì phải chi cho ‘bôi trơn,’ cho tham nhũng 0.72 đồng, thậm chí có lúc phải chi đến 1.02 đồng thì doanh nghiệp Việt làm sao mà lớn được.”Bà Phạm Chi Lan không tự nghĩ ra các con số đó mà dựa vào một phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới (WB) điều tra về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Ngày 24 tháng 9 tại Hà Nội, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức hội thảo “tín nhiệm tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng” với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng và các lãnh đạo doanh nghiệp.

Tiến Sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương cho biết khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn ngân hàng.

Lý do chính là các ngân hàng chỉ ưu tiên cho các xí nghiệp của nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân “còn nhiều hạn chế về trình độ nhân lực, quản trị dẫn tới kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với sự biến động của giá cả, thị trường...”

Theo các dữ liệu thống kê của WB nêu ra tại cuộc hội thảo ở Hà Nội ngày 29 tháng 12, 2015, thuế và phí mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nộp cho nhà nước “chiếm tới 40.8% lợi nhuận của doanh nghiệp.” Vậy họ còn gì để tồn tại?

Bản báo cáo của Tổng Cục Thống Kê những ngày cuối năm 2015 cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam ước đạt $115.1 tỷ, tăng 13.8% trong khi khu vực sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng $47.3 tỷ, giảm 3.5%.

Nền kinh tế của Việt Nam trông cậy phần lớn vào sản xuất và xuất cảng của khối xí nghiệp ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam như các con số vừa kể cho thấy Việt Nam chưa đứng được trên đôi chân của mình. (TN)
12-31- 2015 6:03:37 PM 

No comments:

Post a Comment