HÀ NỘI (NV) - Đó là nhận định của ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại Việt Nam. Nhân vật này cảnh báo, doanh nghiệp tư nhân đang kiệt sức và có thể bị “bóp nghẹt.”
Từ 2010 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam thi nhau phá sản, xin tạm ngưng hoạt động hoặc xin giải thể nhưng năm nào, chính phủ Việt Nam cũng báo cáo “tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.” (Hình: TBKTSG)
Thống kê gần nhất về doanh giới Việt Nam cho biết, năm ngoái, con số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phá sản, xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động tiếp tục tăng chứ không giảm. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có 80,000 doanh nghiệp ngậm ngùi rút khỏi thương trường.
Tại hội thảo về Kinh Tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM) tổ chức, ông Tuyển - giờ là cố vấn cao cấp về hội nhập của chính phủ Việt Nam, tỏ ra hết sức lo lắng về tương lai của kinh tế Việt Nam. Năm ngoái động lực tạo ra sự phát triển của kinh tế Việt Nam là những doanh nghiệp có vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) và năm nay “cũng vẫn như vậy!” Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng. Theo ông Tuyển, điều đó không bảo đảm cho “phát triển bền vững.”
Trước nay, giới chuyên gia kinh tế của Việt Nam liên tục cảnh báo rằng, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ chết nếu chính quyền Việt Nam không những không hỗ trợ mà còn thực thi những chính sách giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chèn ép giới này.
Nay, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nói thêm, nhà nước đang trở thành nhân tố thứ ba chèn ép khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân thu hẹp rồi chết là tất nhiên.
Kết quả một cuộc khảo sát của Ngân Hàng Thế Giới cho biết, tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp tới 40.8% lợi nhuận cho nhà nước thông qua các khoản thuế, phí. Bà Lan nêu thắc mắc, khi nhà nước “hăng hái” thu tiền cho ngân sách như vậy thì phải hiểu thế nào về những tuyên bố liên quan tới “cải thiện môi trường kinh doanh?”
Chuyên gia kinh tế này còn nêu một ví dụ khác về chuyện doanh nghiệp tư nhân bị cả nhà nước chèn ép: Lẽ ra khi giá xăng dầu giảm thì doanh nghiệp tư nhân có cơ hội giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh nhưng họ không được hưởng vì bộ máy hành chính quá cồng kềnh, nhà nước vẫn thu thuế và phí tới 50%. Trong khi nhà nước chưa giảm chi phí cho dân chúng và doanh giới thì các loại bảo hiểm lại tăng.
Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, xác nhận, dù có rất nhiều hứa hẹn nhưng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn nổi. Năm 2005, mức đóng góp của doanh nghiệp tư nhân cho GDP là 11% và nay, sau 10 năm, mức đóng góp này vẫn chỉ như thế.
Không có chuyên gia kinh tế nào của Việt Nam dự hội thảo về Kinh Tế Việt Nam 2015 tỏ ra lạc quan cả về hiện tại lẫn tương lai. Bà Lan giải thích đó là vì nợ nần quốc gia tăng vọt, nội lực của doanh giới thì suy giảm trầm trọng chưa từng thấy. Nông nghiệp cũng vậy.
Ông Đặng Kim Sơn, cựu viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp-Nông Thôn, tán thành. Theo ông Sơn cho biết, không những không tăng trưởng, hoạt động của nông nghiệp còn liên tục suy giảm suốt năm năm qua và đặc biệt là giảm sâu trong năm ngoái. Đó là điều rất không bình thường.
Ông Sơn than rằng, tình hình như vậy mà vẫn không chịu nhìn vào sự thật, vẫn bắn pháo hóa khắp nơi! (G.Đ)
No comments:
Post a Comment