Saturday, January 30, 2016

Cần cai nghiện điện thoại để hạnh phúc?

Tom Chatfield 

Theo BBC-30 tháng 1 2016 

Tôi đã viết nháp những dòng này trên một tờ giấy, trong một tiệm cà phê.
Giờ đây, tôi đang gõ những dòng này vào máy tính và cố gắng không để email hay những thông báo có tin mới từ mạng xã hội làm sao lãng.
Thế nhưng tôi đã không thể làm được điều đó cho tới khi viết xong bài. Khi những cám dỗ xuất hiện một cách liên tục, tôi đành thúc thủ, đầu hàng.
Và đây là một vấn đề thực sự, bởi vì hiệu suất lao động, lợi nhuận và sức khoẻ tinh thần của tôi đang bị dính liền với những cỗ máy không phải lúc nào cũng hoạt động phù hợp với dự định của tôi.
Những tin nhắn đến liên tục đang phá vỡ những khoảnh khắc tôi cố tập trung suy nghĩ. Những người thông minh đang bỏ ra rất nhiều tiền để khiến tôi cứ bấm hết nút này tới nút khác.
Những người thông minh khác, và cả những người không thông minh cho lắm, thì không định giật dây để tôi phải bấm các nút, nhưng cuối cùng vẫn khiến tôi phải làm vậy bởi những cập nhật, hồi âm, hỏi han trao đổi giữa mọi người cứ diễn ra liên tu bất tận, mà mỗi khoảnh khắc đều hứa hẹn sẽ mang lại cái gì đó tuyệt vời, quan trọng, thú vị và gây sốc hơn là những gì tự tôi có thể bắt gặp và xử lý được trong đời.
Cố nhà văn David Foster Wallace từng so sánh hành động xem ti-vi với việc hẹn hò giao tiếp với vật dụng trong nhà.
Ông chỉ ra rằng chỉ cần rời mắt khỏi màn hình một chút để nhìn chính bạn qua con mắt của người, và bạn sẽ nhận ra điều mà bạn đã làm trong nhiều giờ qua thực ra là rất quái gở.
Image copyrightGetty Images
Tôi đã nghĩ đến điều này thường xuyên mỗi khi nhìn cách mà đứa con trai hai tuổi của tôi nhìn tôi, đặc biệt là cách nó nhìn tôi khi tôi đang nhìn vào màn hình điện thoại di động.
Trẻ con bị cuốn hút bởi màn hình cảm ứng, một nhà tâm lý học từng nói với tôi, không chỉ vì chúng hấp dẫn và tiện lợi, mà bởi vì bố mẹ chúng cũng nghiện những thiết bị này.
Trong mắt trẻ con, chiếc điện thoại di động là nơi hội tụ của tất cả mọi thứ, từ công việc, giải trí, những mối quan hệ, những thứ mà ngay cả người lớn cũng không thể rời mắt.
Và đó là lý do mà tôi đến quán cà phê này - để tìm kiếm từ ngữ và ý nghĩa cho những dòng mình viết, và để cố gắng không nhìn vào màn hình máy tính, màn hình điện thoại chỉ vài tiếng mỗi ngày.
Tôi đã làm điều này không phải chỉ vì nỗi luyến tiếc quá khứ.
Cái tôi muốn là khả năng xem xét những sự lựa chọn và sự tập trung, muốn khoảng trống để biến những dòng suy nghĩ thành của chính mình.
Image copyrightThinkstock
Khi con trai tôi liếc nhìn tôi, tôi muốn đôi lúc mình phải nhìn lại thằng bé.
Có nhiều bằng chứng cho thấy tôi không phải là người duy nhất muốn thế.
Phần mềm của bộ não con người có khả năng thích ứng rất cao, nhưng phần cứng của nó thì vô cùng lỗi thời.
Là con người có nghĩa là có một khối óc bên trong một cơ thể và luôn tìm cách lý giải những khía cạnh của thế giới quanh mình. Điều này hiện ra rất rõ ràng khi bạn ngắm một đứa trẻ đang học đọc những dòng chữ đầu tiên.
Liệu tôi sẽ cảm thấy ra sao nếu con mình chưa bao giờ cầm một cuốn sách giấy, và nếu những thông tin mà nó đọc sẽ luôn chỉ hiện ở trên những màn hình?
Với sách in, tôi có thể chất kín căn phòng của con trai mình bằng những cuốn sách mà tôi có thể đọc cùng nó hết đêm này đến đêm khác, được nhìn nó lật những trang giấy trong sự thích thú.
Tôi yêu công nghệ. Chữ in cũng chỉ là công nghệ. Thế nhưng có những bài học về từ ngữ mà những cuốn sách chỉ ra rất rõ: Đó là tình yêu đối với một cái gì đó khiến ta đòi hỏi thứ mình yêu cần phải được đối xử khác với những thứ khác.
Chúng ta không chỉ dạy con cái mình hiểu những chữ cái và từ ngữ, mà còn dạy chúng cách đọc các dòng, phân biệt các chữ, dạy cách tranh luận và khước từ, cách thuyết phục và chấp nhận.
Tôi cần thời gian tránh xa khỏi màn hình của mình để nhìn ngắm những thứ có thể thế chúng rõ ràng hơn.
Tôi cần thời gian tránh xa khỏi đám đông trong thế giới mạng ảo để có thể dành thời gian cho những điều thực sự thuộc về mình.
Tôi dùng giấy bút không phải vì tôi bị mắc kẹt với những hoài niệm quá khứ mà bởi trong ký ức của tôi, cách đọc và cách viết là một trong những công cụ tuyệt vời nhất giúp tôi hiểu được mình muốn gì - và có được một cuộc sống đáng sống, đáng chia sẻ.
Lời khuyên của tôi cho bạn là gì? Nếu bạn quá lo lắng về việc công nghệ chiếm hết thời gian của mình, hãy bắt đầu 'chia tay' nó một cách từ từ.
Hãy tránh việc cứ nhìn vào màn hình, và hãy chỉ quay trở lại dùng nó khi có lý do thực sự thích đáng.
Rốt cuộc thì sự chú ý là thứ rất quý giá, và các công ty công nghệ đang tìm mọi cách để biến thời gian của bạn thành lợi nhuận cho họ. Đừng đặt giá quá rẻ cho chính bản thân mình.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

No comments:

Post a Comment