Theo RFI-ngày 28-01-2016 17:45
Tại Iran hay Ai Cập, chủ tịch Trung Quốc luôn là "sứ giả" của kế hoạch Con đường tơ lụa thế kỷ 21. Reuters
Mở những tuyến đường sắt và hàng hải mới đi đến châu Âu là một dự án lớn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài mục đích vì sự phát triển chung cho toàn khu vực và đảm bảo an ninh cho nguồn cung ứng nguyên nhiên liệu, Bắc Kinh còn nhắm đến việc xuất khẩu mô hình phát triển của mình.
Tuy nhiên, giáo sư đại học Standford và giám đốc Trung tâm về Dân chủ, Phát triển và Nhà nước Pháp quyền, Francis Fukuyama, cảnh báo chính sách này của Trung Quốc, không những gây tổn hại đến môi trường, cho nền dân chủ thế giới, mà còn làm giảm tầm ảnh hưởng của phương Tây. Ông Francis Fukuyama đưa ra lời cảnh báo này trên một bài tham luận, đăng trên trang mạng Project Syndicate 2016, được nhật báo Kinh tế Les Echos số ra ngày 28/01/2016 lược dịch lại qua hàng tựa « Con đường tơ lụa : Đợt tấn công ‘chiêu dụ’ mới của Trung Quốc ».
Từ đầu năm 2016 , một cuộc tranh tài lịch sử giữa hai mô hình phát triển cạnh tranh đang diễn ra, một bên là Trung Quốc với bên kia là Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác. Một phần tương lai của toàn khối Á-Âu trong những thập niên sắp tới sẽ được quyết định sau thắng bại của cuộc tranh đua này.
Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn trì trệ, nhưng Bắc Kinh không tỏ ra thụ động. Năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình loan báo một dự án lớn « Một vành đai, Một con đường » nhằm biến đổi trọng tâm kinh tế của cả khối Á-Âu.
Mảng trên bộ bao gồm các dự án đường sắt xuất phát từ vùng phía tây Trung Quốc, xuyên vùng Trung Á để đến Châu Âu. Con đường hàng hải bao gồm một loạt cảng biển và cơ sở hạ tầng cho phép gia tăng lượng lưu thông hàng hải giữa các nước từ Đông Á với một loạt các quốc gia đến nằm trong vành đai đường bộ.
Và như vậy, các nước châu Á có thể sẽ vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thay vì phải đi xuyên qua hai đại dương như hiện nay.
Tác giả nhắc lại nguồn tài chính cung cấp cho dự án này sẽ được thông qua Ngân hàng Phát triển Hạ tầng Á Châu AIIB, do Trung Quốc khởi xướng. Nhiều nước, trong đó có nhiều quốc gia phương Tây lớn đã tham gia vào ngân hàng này, ngoại trừ Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Kinh tế - tài chính : công cụ chinh phục thế giới hiệu quả
Tất cả những động thái trên cho thấy có sự thay đổi triệt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Bởi vì, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển của mình ra các nước khác. Các nhà đầu tư Trung Quốc từ nhiều năm nay đã đầu tư nhiều vào châu Mỹ-Latinh và châu Phi, hạ Sahara để khai thác nguyên nhiên liệu rồi vận chuyển về Trung Quốc.
Nhưng theo nhận định của giáo sư Fukuyama, dự án con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Bắc Kinh còn ẩn chứa nhiều tham vọng khác : phát triển khả năng công nghiệp nặng và nhu cầu tiêu thụ hàng Trung Quốc ngay tại các quốc gia được đầu tư.
Nghĩa là, thay vì tự mình khai thác các nguyên nhiên liệu, Trung Quốc tìm cách chuyển giao ngành công nghiệp nặng của mình cho những nước kém phát triển hơn, bằng cách tăng thêm nguồn tài chính và tạo ra một dạng nhu cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Khác với các mô hình phát triển của các nước phương Tây, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào mảng cơ sở hạ tầng, như xây cầu đường, hải cảng, mạng lưới điện, đường sắt và sân bay để tạo thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp tại chỗ.
Trong khi đó, Hoa Kỳ và các nước phương Tây lại nghiêng lại có chiến lược phát triển ưu tiên cho các đầu tư quan trọng trong sức khỏe cộng đồng, bình đẳng nữ quyền, ủng hộ xã hội dân sự trên thế giới và các biện pháp chống tham nhũng.
Tuy nhiên các khoản đầu tư này chưa bao giờ giúp các quốc gia đó trở nên giàu có. Trong khi đó, chiến lược của Trung Quốc đang bắt đầu « đơm hoa, kết quả » và đã trở thành một thành tố quan trọng trong chiến lược được nhiều nước Đông Á bắt chước theo, cho dù đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Singapore.
Xuất khẩu mô hình phát triển, hay xuất khẩu « mô hình gây ô nhiễm » ?
Theo đánh giá của giáo sư Fukuyama, nếu như dự án « Một vành đai, Một con đường » này, đáp ứng được phần nào mong đợi của các nhà hoạch định Trung Quốc, thì bộ mặt toàn thể khối Á – Âu, từ Indonesia cho đến Ba Lan trong tương lai sẽ bị biến đổi.
Mô hình Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ ra thế giới, làm tăng mức thu nhập và nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, giúp nước này giải tỏa các bế tắc để thay thế các thị trường khác bị đình trệ trên thế giới.
Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ dịch chuyển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra bên ngoài. Thay vì là những nền kinh tế ngoại vi, vùng Trung Á sẽ trở thành trung tâm của cả nền kinh tế thế giới. Hình thức cai trị độc tài của Trung Quốc cũng sẽ có được một uy tín rộng lớn kèm theo đó một tác động tiêu cực cho nền dân chủ toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra : liệu dự án con đường tơ lụa mới này có thành công hay không ? Hiện tại, ở Trung Quốc, tăng trưởng dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng vận hành tốt do chính quyền kiểm soát chặt chẽ môi trường chính trị. Nhưng điều này chưa hẳn sẽ được thực hiện tại các nước khác do tình hình bất ổn, xung đột và tham nhũng chồng chéo lên nhau cùng với các mục tiêu đó.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Hoa Kỳ và các nước phương Tây khoanh tay đợi khi Trung Quốc thất bại. Nếu như chiến lược phát triển của Bắc Kinh có thể chạm đến giới hạn, những nước còn lại cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng thế giới.
Cuối cùng, tác giả bài viết lấy làm tiếc rằng Washington đã không tham gia vào ngân hàng AIIB. Mỹ lẽ ra có thể gia nhập và buộc Trung Quốc phải thích nghi với các chuẩn mực quốc tế trên phương diện môi trường, an toàn và lao động. Do vắng mặt,, Mỹ có nguy cơ giao phó tương lai khối Á – Âu và những phần còn lại trên thế giới vào tay Trung Quốc và mô hình phát triển của nước này.
No comments:
Post a Comment