Theo BBC-19 tháng 1 2016
Việc thị trường chứng khoán đầu năm giảm điểm, trái với dự đoán mang tính chu kỳ từ các báo cáo 5 năm của VnIndex, cho thấy những ảnh hưởng mang tính tiêu cực trong và ngoài nước, tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Năm năm trở lại đây, vào thời điểm tháng Giêng hàng năm, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn tăng điểm. Việc đón nhận thông tin sụt giảm vừa qua được cho là hệ quả của sự chờ đợi kết quả của Đại hội Đảng 12, cộng hưởng với tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, đồng thời giá dầu thế giới được điều chỉnh.
Ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia chứng khoán công ty Bản Việt, nói với BBC rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả của thị trường.
“Thận trọng, kỳ vọng và lo lắng đan xen”
Ông Minh cho rằng giới đầu tư “lo ngại, mong chờ vào Đại hội Đảng lần này” và “kỳ vọng vào kết quả”.
“Những thông tin này ảnh hưởng rất nhiều tới các chiến lược đầu tư dài hạn tới Việt Nam. Chúng ta cũng biết nền kinh tế Việt Nam thời gian vừa qua là một ngôi sao sáng ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực Châu Á nói chung. Điều này khẳng định định hướng của nền kinh tế Việt Nam thời gian vừa qua rất đúng đắn và đi đúng hướng”.
“Đối với Đại hội Đảng lần thứ 12 đang diễn ra, người dân cũng như nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đang chờ đợi, cũng như quan tâm đến những quyết sách của dàn lãnh đạo mới, liệu có tác động tích cực mang tính dài hạn đến nền kinh tế đất nước, có đưa ra định hướng 5 năm đúng đắn hay không, hơn là câu chuyện ai lên, và ai thay thế”.
Tác động bên ngoài
“Ngoài tâm lý chờ đợi kết quả kỳ Đại hội Đảng, câu chuyện phá giá đồng nhân dân tệ từ Trung Quốc làm nhà đầu tư lo ngại, dẫn đến việc bán ra cổ phiếu, khiến thị trường chứng khoán trong những phiên vừa qua giảm khá nhiều,” ông Minh nói.
Khác với tháng Giêng năm nay, thị trường chứng khoán 5 năm vừa qua, cận Tết thường là thời điểm rất tích cực, với những phiên tăng điểm đầu năm.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang rơi vào một chu kỳ khủng hoảng được cảnh báo và dự đoán trước.
Tín hiệu từ việc dòng tiền rút ra khỏi thị trường rất mạnh, song song với những dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Mỹ, mang những nét tương đồng của cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2000.
“Những cảnh báo gần đây biểu hiện tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề. Giới đầu cơ nhìn vào những chỉ số cơ bản về mặt kinh tế cho rằng việc dòng tiền rút ra khá nhiều, song song vào đó là nền kinh tế Mỹ mang dấu hiệu sớm rơi vào khủng hoảng.
"Việc giá dầu giảm, ảnh hưởng đến GDP của nhiều quốc gia, tác động tới các mặt hàng như cao su, thép và hoạt động của các doanh nghiệp một cách trực tiếp”, ông Minh cho biết thêm.
Việc cùng lúc việc hàng hóa trên đà sụt giảm, đặc biệt là giá dầu, đã ảnh hưởng tới GDP của nhiều quốc gia, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, theo chuyên gia chứng khoán này.
“Các yếu tố trên cộng hưởng lại, thị trường đang gặp một vấn nạn. Tâm lý trong nước thì đang chờ đợi, tác động từ bên ngoài lại tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới thị trường”.
No comments:
Post a Comment