Friday, January 8, 2016

Chờ chuyện đã rồi mới hành động

HÀ NỘI (NV) - Ông Hoàng Trung Hải, một phó thủ tướng của Việt Nam, vừa tuyên bố, chính quyền Việt Nam đã quyết định ngưng xuất cảng cả cát biển lẫn cát khai thác từ lòng sông, suối.

Một đoạn bờ biển Vũng Tàu bị xói lở. (Hình: vungtau.baria-vungtau.gov.vn)

Ông Hải giải thích, lý do dẫn tới quyết định vừa kể là vì giá trị cát xuất cảng không đáng bao nhiêu trong khi việc khai thác cát để xuất cảng đang gây xói lở nghiêm trọng ở khắp nơi.

Quyết định vừa kể được xem là quá trễ!

Việt Nam có khoảng 3,260 cây số bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam và tình trạng bờ biển xói lở càng ngày càng nghiêm trọng.

Hồi Tháng Tám năm ngoái, trong một cuộc trao đổi với đài phát thanh RFI, ông Huỳnh Long Vân, thành viên Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Cửu Long-Đồng Nai ở Úc, từng cảnh báo, tuy khác nhau về mức độ, nhưng tình trạng bờ biển xói lở xảy ra tại cả ba miền.

Ở miền Bắc từ Móng Cái đến Nam Định có sáu đoạn bị sạt lở. Trong đó, khu vực Cát Hải thuộc Hải Phòng và Hải Hậu thuộc Nam Định bị sạt lở trầm trọng nhất. Ở Hải Hậu do bờ biển xói lở, mỗi năm biển lấn sâu vào bờ trên 20 mét.

Tại miền Trung thì trên đoạn bờ biển từ Thanh Hóa đến Nha Trang, cứ khoảng sáu cây số lại có một đoạn bị sạt lở. Tổng cộng có 286 đoạn bị sạt lở, tổng diện tích lên tới 9,000 héc ta.

Khu vực miền Nam, đoạn bờ biển từ Vũng Tàu đến Hà Tiên có nhiều chỗ bị xói lở và cường độ thay đổi theo từng vùng. Ví dụ, do bờ biển ở các nơi như mũi Cần Giờ Đông - Sài Gòn, huyện Gò Công Đông - Tiền Giang, Bình Đại - Bến Tre, Ba Tri - Bến Tre, Cầu Ngang - Trà Vinh, Duyên Hải - Trà Vinh,... bị xói lở, mỗi năm, biển lấn sâu vào bờ từ 10 mét đến 30 mét. Có chỗ như đoạn bờ biển từ thị trấn Vĩnh Châu - Sóc Trăng đến Bạc Liêu, đến nay, đường bờ biển đã lấn vào đất liền khoảng 250 mét.

Riêng Cà Mau, một số đoạn bờ biển như từ Gành Hào đến Mũi Cà Mau, từ cửa sông Đầm Dơi đến cửa Rạch Gốc mỗi năm, biển lấn vào bờ khoảng 35 mét và trong 35 năm vừa qua biển đã lấn vào bờ khoảng 1.4 cây số.
Theo ông Vân, bờ biển xói lở vừa do yếu tố nội sinh của thiên nhiên (gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất của bờ biển, vị trí của bờ biển), vừa do tác động ngoại sinh từ con người. Kế đến là tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong làm thay đổi dòng chảy và khối lượng phù sa được chuyên chở ra cửa biển.

Ông Vân cảnh báo, tình trạng bờ biển Việt Nam xói lở đang trở nên trầm trọng hơn do tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu.

Đáng ngại là Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đồng bộ và toàn diện cả về kỹ thuật lẫn pháp luật để ứng phó với tình trạng này.

Tổ chức quốc tế điều phối biển ở Đông Nam Á (COBSEA) từng hối thúc chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng xác lập những kế hoạch cụ thể và mạng lưới theo dõi để bảo vệ bờ biển, kèm lời hứa COBSEA sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực để đủ sức phục hồi, quản lý nguồn tài nguyên ven biển đang bị đe dọa.


Một số quốc gia như Úc, Đức, Hòa Lan, và Na Uy cũng đã trợ giúp Việt Nam cả tài chính lẫn kỹ thuật nhưng theo ông Vân, bảo vệ bờ biển Việt Nam là trách nhiệm của chính quyền, họ không thể trông đợi ngoại quốc gánh vác mọi việc, kể cả việc xác lập chiến lược phòng chống xói lở, bảo vệ bờ biển của xứ sở mình. (G.Đ.)

01-07-2016 4:02:20 PM 

No comments:

Post a Comment