BÌNH THUẬN (NV) - Hàng trăm người dân nhất quyết chận đoàn xe tải chở rác vào đổ tại bãi rác lộ thiên Tân Phước thuộc thị trấn La Gi tỉnh Bình Thuận, vì chịu không nổi tình trạng ô nhiễm kéo dài.
Rác được xử lý thủ công bằng cách đốt . (Hình: Vietnamnet)
Từ ngày 21 Tháng Mười Hai, 2015 trở lại đây, cư dân thôn Phước tiến, xã Tân Phước thị xã La Gi đã cương quyết không cho các xe tải chở rác thải chạy vào bãi đổ rác lộ thiên rộng khoảng năm ha. Người dân đã kêu ca suốt từ nhiều năm qua vì họ phải sống chung với khói bụi, mùi hôi thối, ruồi muỗi, chuột bọ, ô nhiễm nguồn nước.
Theo tin một số báo, sau mấy ngày tạm ngưng không đổ rác vì bị chặn, đêm Thứ Bảy, nhiều xe rác chạy vào đã làm cho cư dân địa phương tức giận bất chấp trời tối đã cản đường. Sang ngày Chủ Nhật họ vẫn không chịu giải tán vì họ đã từng bị hứa hão, lừa gạt nhiều lần. Nếu không bị chặn, mỗi ngày trung bình có khoảng 50 tấn rác thải đủ loại được đổ vào đây.
“Bãi rác này đã tồn tại gần 20 năm. Rác tại đây không qua quy trình xử lý, được ủi chất đống cao ngất ngưởng. Mùi hôi thối từ bãi rác xông lên nồng nặc. Nước thải từ những núi rác này thẩm thấu xuống lòng đất nhiều năm làm cho các mạch nước ngầm trong khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng.” Theo bản tin của VnExpress hôm Chủ Nhật.
Nguồn tin này cho hay, “Người dân ở đây cho biết họ không dám tắm nước giếng vì bị ngứa ngáy, nước có mùi tanh và vẫn đục, ruồi nhặng, muỗi mòng rất nhiều không thể chịu đựng nổi. Những ngày mưa thì hầu hết các nước giếng tại đây đều có màu vàng hoặc chuyển sang màu tím đậm và rất nặng mùi.”
Bãi rác Tân Phước là bãi tập trung rác lộ thiên của thị trấn La Gi, cũng như tất cả các bãi rác lộ thiên khác trên cả nước, không có một biện pháp khoa học nào giúp giảm thiểu các tác hại vào môi trường sống. Người dân sống gần các bãi rác này trở thành nạn nhân của ô nhiễm nên đã xảy ra rất nhiều các cuộc biểu tình chống đối.
Người dân tụ tập phản đối. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo Tuổi Trẻ, giữa Tháng Tám vừa qua, người dân sống quanh khu xử lý rác thải EME Dung Quất, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, chặn suốt 2 tuần lễ xe trên đường dẫn vào khu xử lý rác này. Người dân tham gia chặn xe tải cho rằng, chất thải rắn độc hại lấy từ khu kinh tế Dung Quất xử lý không đúng quy trình, chôn lấp cẩu thả.
Theo báo Phụ Nữ Sài Gòn ngày 18 Tháng Hai, 2015, bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, Sài Gòn, được đưa vào hoạt động đến nay gần 10 năm. Dù chủ đầu tư luôn khẳng định, bãi rác có công nghệ phân loại và thiêu hủy rác hiện đại nhất thành phố Sài Gòn, song tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là từ ngày tăng rác từ bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi chuyển về.
Chỉ cần đi khoảng nửa đoạn đường của con đường nhỏ chừng 1.5 km từ quốc lộ 50 rẽ vào bãi rác Đa Phước dài là đã bị mùi hôi xộc vào mũi nồng nặc. Phóng viên Phụ Nữ Sài Gòn vào nhà của bà Tống Thị Ai, cách bãi rác khoảng 100 m, nơi đây không chỉ có mùi hôi rất nặng mà nước khu vực xung quanh cũng chuyển sang màu đen.
Dẫn phóng viên ra ao cá sau nhà, bà Ai buồn bã, “Do nguồn nước ô nhiễm, mấy ngày nay lứa cá tra, rô phi, cá chép tôi mới thả chết gần hết. Năm nay coi như ăn Tết nghèo.”
Theo bà Ai, nhiều hộ dân khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự từ khi có bãi rác Đa Phước. Bà Trần Thị Mỹ Lệ, ấp 2, xã Đa Phước cho biết, “Ngày nào chúng tôi cũng hít mùi hôi thối, nên con nít ở đây cứ thay nhau bệnh hoài, chủ yếu là bệnh đường hô hấp.” (TN)
12-27- 2015 5:05:28 PM
No comments:
Post a Comment