Monday, December 28, 2015

Môi trường và lối sống làm gia tăng nguy cơ ung thư

Việt Hà, phóng viên RFA 2015-12-28
000_Par8258228-620
 Một cuộc đua thử thách hàng năm ở châu Âu hôm 29/8/2015
Các nhà khoa học trên thế giới từ lâu vẫn cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nguyên nhân của các bệnh ung thư đến từ đâu? Có nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư chủ yếu là do biến đổi gene bất  kỳ và vì vậy người bị ung thư chỉ là do không may. Nhưng một nghiên cứu mới đây được công bố tại Hoa Kỳ lại cho thấy phần lớn các bệnh ung thư là do các yếu tố môi trường và thói quen sống.
Không phải do không may
Hồi đầu năm nay, các nhà khoa học thuộc trường đại học John Hopkins, Mỹ công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh ung thư là do những biến đổi gene bất kỳ ở người, hay nói đơn giản hơn là do không may mắn mà một người nào đó bị một biến đổi gene bất ngờ, dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trong tháng 12 của các nhà khoa học thuộc trường đại học Stony Brook, New York, Mỹ, lại chỉ ra rằng các yếu tố môi trường và thói quen sống đóng góp phần lớn vào những bệnh ung thư ở người.
Viết trên tạp chí Nature công bố vào hồi giữa tháng này, các tác giả của nghiên cứu viết rằng ‘các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong ung thư và những yếu tố này có thể được thay đổi nhờ những thay đổi trong cách sống và/hoặc tiêm phòng’.
Các nhà nghiên cứu dựa vào số liệu các ca ung thư gia tăng thời gian qua để phân tích và đi đến kết luận là phần lớn các mối nguy ung thư đến từ những thay đổi trong môi trường xung quanh như hút thuốc lá, ô nhiễm không khí, tiếp xúc nhiều với nắng, thói quen ăn uống không tốt. Đây cũng là những yếu tố đã được xác định là có thể gây ung thư.
Một báo cáo được công bố hồi năm 2013 của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các ca ung thư đã gia tăng trong các năm trở lại đây. Con số người mới bị ung thư trên toàn thế giới trong năm 2012 là hơn 14 triệu ca, trong khi con số này vào năm 2008 là 12,7 triệu ca. Nói về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca ung thư trên thế giới, bác sĩ David Forman, người đứng đầu phòng nghiên cứu về ung thư của IARC cho biết:
Hiển nhiên một trong các nhân tố về cách sống liên quan đến nguy cơ gia tăng ung thư đó là do cách ăn của mọi người ở nhiều người dẫn đến béo phì. Chúng ta thấy có những gia tăng ung thư liên quan đến béo phì và nó đã trở thành như một dịch bệnh và khó kiềm chế. Đó là một khu vực mà chúng ta cần quan tâm. Việc uống rượu cũng là một nhân tố khác liên quan đến chế độ ăn không tốt.
Thiếu hoạt động thể chất do công việc cũng làm tăng nguy cơ. Ngoài ra còn những thay đổi khác mà có thể nói là cũng khó kiểm soát đó là độ tuổi có con của phụ nữ đã tăng lên, ít cho con bú hơn, những nhân tố này cũng góp phần vào nguy cơ bị ung thư vú. Vì vậy chúng ta cần hiểu được những thay đổi về hormone trong phụ nữ khi họ sinh nở và cho con bú để có thể tìm cách làm giảm thiểu những nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ.
Một nghiên cứu khác được công bố vào năm ngoái của IARC cũng cho thấy ngày càng có nhiều người bị ung thư do liên quan đến thừa cân, béo phì. Theo báo cáo này, thừa cân và béo phì đã trở thành một nguy cơ hàng đầu có liên quan đến khoảng 3,6% các ca ung thư trong năm 2012, trong đó phụ nữ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với nam giới. Nói về nguyên nhân béo phì dẫn đến ung thư, bác sĩ Melina Arnold, chuyên gia nghiên cứu thuộc IARC cho biết:
Đối với phần lớn các ung thư ở các bộ phận của phụ nữ, chúng tôi biết là có liên quan đến hormone được sản xuất bởi các tế bào mỡ có thể dẫn đến ung thư. Một ví dụ khác là ung thư ở bộ phận tiếp nối giữa thực quản và dạ dày, nó có liên quan đến chứng trào ngược thực quản vốn rất phổ biến ở những người bị béo phì ở cả nam giới và nữ giới.
Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cũng đã chứng minh khói thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến một loạt các ung thư ở người. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt nam cho biết.
Khói thuốc lá chứa trên 60 chất gây ung thư mạnh trên người, trước kia là 40, tăng lên dần dần, giờ là khoảng 60 chất, gây ung thư phổi nhiều và nơi khói thuốc đụng chạm nhiều, như lưỡi, niêm mạc miệng, thanh quản, họng, các ung thư khác như ruột, tuỵ, bọng đái cũng bị ảnh hưởng, phụ nữ hút thuốc tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Khói thuốc luân lưu khắp cơ thể, nay người ta biết nó đụng chạm tới khắp tế bào của cơ thể, vào đến nhân tế bào, nên nó nguy hiểm hơn ngày xưa người ta biết, nó đi chung với bệnh tim mạnh, ảnh hưởng lớn, bệnh về phổi, nhất là trẻ em như hen suyễn. nó không chỉ gây ung thư mà còn gây các bệnh khác, vì các chất vào đến nhân tế bào.
000_Par8272876-400
Một cuộc chạy đua dành cho phụ nữ ở Pháp hôm 13/9/2015. AFP photo
Mới đây WHO cũng công bố báo cáo xác định thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể gây các bệnh ung thư ở người, trong đó thịt đỏ được xếp vào danh mục các chất gây ung thư ở mức 2, còn thịt chế biến sẵn được xếp vào danh mục các chất gây ung thư ở mức 1.
Vấn đề an toàn thực phẩm cũng được WHO xác định là có thể gây ra các bệnh ung thư, đặc biệt ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Bác sĩ Jeffrey Kobza, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết:
Thực phẩm không an toàn có thể chứa các vi khuẩn không an toàn, hóa chất và ký sinh trùng, nó có thể gây ra hơn 200 bệnh các loại từ tiêu chảy đến ung thư.
Một báo cáo mới đây của WHO về an toàn thực phẩm toàn cầu cho thấy những độc tố trong nấm mốc phát hiện trong các thực phẩm được bảo quản không tốt cũng rất phổ biến ở nhiều nước và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.
Liên quan đến ô nhiễm không khí, một nghiên cứu khác của WHO được công bố hồi năm 2013 cũng xác định ô nhiễm môi trường là nguyên nhân môi trường hàng đầu dẫn đến ung thư. Báo cáo của IARC ước tính vào năm 2010 có khoảng 223,000 người chết vì ung thư phổi do nguyên nhân từ ô nhiễm không khí. Theo bác sĩ Dana Loomis, PHó Giám đốc IARC thì tình trạng này xảy ra ở khắp mọi châu lục, ở mọi nước, từ nước phát triển đến các nước đang phát triển, nhưng nghiêm trọng nhất là ở những nước có nền kinh tế đang phát triển tại châu Á.
Chúng tôi đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy ung thư bàng quang cũng do ô nhiễm không khí. Điều này không ngạc nhiên vì ung thư bàng quang cũng liên quan đến hút thuốc lá. Một số các chất ô nhiễm trong không khí cũng là chất tìm thấy trong khói thuốc lá. Chúng tôi cũng nhìn vào các bằng chứng về ung thư ở trẻ nhỏ và ung thư vú ở phụ nữ hay ung thư máu ở người lớn thì thấy có một số là do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên kết luận vẫn chưa phải là hoàn toàn. Nhưng chúng tôi biết có mối liên hệ giữa ung thư bàng quang và ô nhiễm không khí và chúng tôi khẳng định ung thư phổi là do ô nhiễm không khí, đó là bằng chứng mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có.
Thay đổi cách sống và tiêm chủng
Một trong những kết luận quan trọng được các tác giả nghiên cứu mới đưa ra là việc thay đổi các nhân tố môi trường bao gồm cách sống và tiêm chủng giúp giảm thiểu những nguy cơ bị ung thư.
Trong khi tại các nước phát triển, nơi nguy cơ béo phì cao, các bác sĩ thường khuyên mọi người tìm cách giảm cân, tránh hút thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư, thì tại các nước đang phát triển và kém phát triển, vấn đề lại nằm ở chỗ giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm, tầm soát và tiêm chủng để phòng bệnh. Đối với hai loại bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ là ung thư vú và ung thư cổ tử cung, bác sĩ David  Forman cho biết, việc phát hiện sớm và tiêm chủng có thể giúp kéo dài tuổi thọ của nhiều người.
Việc phát hiện ung thư vú sớm là rất quan trọng trong việc giảm tử vong ở phụ nữ bị ung thư vú. Các thiết bị và phương pháp chẩn đoán mới hiện đại giúp phát hiện sớm và có điều trị sớm cho phụ nữ và giúp ngăn chặn ung thư lan ra. Chúng ta cần có cơ sở để phát hiện ung thư vú và cơ sở để có thể điều trị các ca bệnh ung thư này. Trong khi đó ung thư cổ tử cung thì khác. Chúng ta đã có vaccine giúp ngăn ngừa ung thư này. Tuy nhiên nó sẽ không có những ảnh hưởng lớn ít nhất cho đến khoảng vài thập kỷ nữa vì bây giờ chúng ta mới bắt đầu tiêm vaccine cho các em gái nhỏ. Phải mất 20 năm hoặc hơn nữa mới thấy kết quả rõ ràng. Chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền về phát hiện sớm căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Tại các nước kém phát triển, vấn đề viêm nhiễm đường tiêu hóa khá phổ biến cũng dẫn đến các bệnh ung thư đường tiêu hóa, phổ biến là các bệnh ung thư dạ dày và ung thư đại tràng. Những loại ung thư này có thể được phòng tránh và phát hiện sớm. Ví dụ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư dạ dày là do vi khuẩn HP. Đây là loại vi khuẩn phát triển mạnh ở những nơi đông dân cư có điều kiện vệ sinh kém. Tại những nước nghèo và điều kiện vệ sinh không tốt, ước tính có đến 90% người lớn có thể bị nhiễm vi khuẩn này. Thường thì người đã nhiễm HP sẽ mang vi khuẩn này suốt đời trừ khi sau đó được điều trị hết vi khuẩn.
Việc xác định nguyên nhân căn bệnh giúp các bác sĩ tìm các biện pháp giúp mọi người phóng tránh bệnh và tìm ra cách điều trị bệnh thích hợp. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc trường đại học Stony Brook dựa vào các nghiên cứu trên máy tính, đánh giá về gene và tổng hợp số liệu trong dân số để đi đến kết luận là chỉ có từ 10 đến 30% những người bị ung thư là do không may mắn vì biến đổi gene bất kỳ. Theo các tác giả điều này khẳng định hút thuốc lá, béo phì vẫn là những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị ung thư ở mỗi người.

No comments:

Post a Comment