Monday, December 28, 2015

Du lịch Việt Nam học được gì từ Thái Lan?

 Theo BBC-28 tháng 12 2015 

Image copyrightReuters
Image captionMột du khách chụp ảnh lưu niệm trước Hoàng Cung tại Bangkok
Ngành du lịch Thái Lan đón gần 30 triệu lượt du khách quốc tế năm 2015, trong lúc con số tại Việt Nam vỏn vẹn 8 triệu.
Hôm 25/12, website Coconuts Bangkok tường thuật Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul thông báo tính đến ngày 31/12, nước này đón 29,6 triệu lượt du khách nước ngoài.
Con số này tăng đáng kể từ mốc 24,8 triệu du khách quốc tế năm 2014, bất chấp chuyện du lịch Thái bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom đền Erawan tại Bangkok tháng 8/2015.
Du lịch vẫn là một trong vài ngành kinh tế trọng điểm của chính phủ quân sự Thái, đem lại doanh thu chiếm 14,5% GDP.
"Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào chất lượng và làm thế nào để làm để khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn", Kobkarn cho biết.
Hướng sắp tới của ngành du lịch Thái là nhắm vào du khách nữ, những du khách hạng sang và du lịch kết hợp thể thao.
Bộ trưởng Kobkarn đặt mục tiêu thu hút 32 triệu du khách trong năm 2016.
Image copyrightOther
Image captionCôn Đảo là một trong những điểm du lịch có bãi biển đẹp nhưng vắng khách quanh năm vì thiếu dịch vụ lưu trú, vận chuyển và giái trí cho du khách

'Tầm kinh doanh cao hơn'

Hôm 28/12, ông Nick Nhơn, giám đốc công ty OSC First Holidays (một trong những doanh nghiệp tổ chức tour cho du khách Việt đi Thái hàng tuần), bình luận: “Tôi không ngạc nhiên về sự chênh lệch giữa lượng khách quốc tế mà Thái và Việt Nam đón năm nay. Bởi Thái làm du lịch với cái tầm lớn hơn Việt Nam”.
Ông giải thích: “Sản phẩm của du lịch Thái rất phong phú. Họ gần như không để trống thời gian biểu của du khách, với đủ loại dịch vụ giải trí, ẩm thực như show người chuyển giới hát, trình diễn muay Thái, chợ đêm…
"Bên cạnh đó, người Thái tính rất kỹ để giá thành tour phù hợp với số đông khách quốc tế, giá một bữa ăn cho du khách chỉ 4-5 đô la, trong lúc khách đến Việt Nam phải chi gấp đôi số đó”.
Ông cũng nói thêm rằng Tổng cục du lịch Thái có chiến lược quảng bá dài hơi và đặt văn phòng tại mỗi thị trường nhằm trợ giúp, tặng quà cho du khách và cả doanh nghiệp đưa khách đến nước họ. Trong lúc mỗi năm du lịch Việt Nam chi cả triệu đô la cho việc quảng bá trên kênh CNN “nhưng hiệu quả thế nào thì chưa tính được”.
Trước đó, để thu hút du khách quốc tế, từ ngày 1/7/2015 đến 30/6/2016, Việt Nam chính thức miễn visa đơn phương cho du khách các nước Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha. Công dân các nước này khi nhập cảnh vào Việt Nam không phải xin thị thực với thời hạn tạm trú 15 ngày. Đây được cho là “những thị trường truyền thống có lượng khách lớn và chi tiêu du lịch cao”.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành du lịch cho rằng động thái đó “cần thiết nhưng chưa đủ”, vì sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn rất nghèo nàn và chưa có một chiến lược quảng bá du lịch dài hơi.
Bà Thanh, một khách du lịch Việt Nam mới tới Bangkok thăm lần thứ hai mô tả "cái gì ở đây cũng rẻ và đẹp hơn" ở Việt Nam.
"Tôi có thể lấy ngay tôi ăn một bát chè ở đây trong trung tâm thương mại hạng sang ở Bangkok thì giá cả cũng rẻ và ngon hơn tại Hà Nội".
Tại Việt Nam, hôm 26/12, Tổng cục Thống kê công bố ngành du lịch đón 7,94 triệu lượt khách nước ngoài năm 2015.
Như vậy sau sáu năm liên tục tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã chững lại và giảm so với năm 2014.

No comments:

Post a Comment