Dân trí Gần 60ha đất nông nghiệp của người dân xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa nhiều năm qua không thể sản xuất do ô nhiễm nước thải từ các bệnh viện. Đất bị bỏ hoang, nước thải ô nhiễm bốc mùi hôi thối… người dân bị “tra tấn” suốt ngày đêm.
Khu vực đất nông nghiệp nói trên của người dân xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa nằm phía sau các bệnh viện tuyến tỉnh như: bệnh viện Nhi, Đa khoa, Phụ sản, Da liễu, Mắt và Tâm thần. Do địa hình khu vực này thấp nên trở thành “rốn” đựng nước thải từ các bệnh viện trên cũng như từ các khu dân cư gần đây thải ra.
Sau nhiều năm “hứng” nước thải, đến nay diện tích đất nông nghiệp nói trên đã không thể sản xuất, bị hoang hóa, trong tình trạng ô nhiễm nặng. Môi trường đất, nước, không không khí tại đây bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc do quá trình phân hủy sinh học của nước thải từ các bệnh viện thải ra.
Theo báo cáo của UBND xã Quảng Thịnh, khu đất nông nghiệp trên có diện tích hơn 57ha. Trước thực trạng bị ô nhiễm do nước thải từ các bệnh viện, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn không có phương pháp xử lý, khắc phục. Trong quá trình canh tác, người dân trồng cây gì chết cây đó nên đành bỏ hoang.
Một người dân có diện tích đất sản xuất tại đây cho biết: “Đất sản xuất của người dân chúng tôi bị ô nhiễm, bỏ hoang nhiều năm nay do các bệnh viện xả nước thải trực tiếp ra ruộng. Cây lúa và hoa màu, không cây nào sống được do ô nhiễm quá nặng. Giờ người dân chúng tôi không chỉ mất đất sản xuất, những năm qua còn phải thường trực sống chung với ô nhiễm từ diện tích đất ruộng này gây ra”.
Gần 60ha đất sản xuất của người dân xã Quảng Thịnh bị ô nhiễm nước thải từ các bệnh viện đã phải bỏ hoang nhiều năm qua
Theo ghi nhận của PV Dân trí, diện tích đất nông nghiệp của người dân xã Quảng Thịnh rộng gần 60ha này giờ chỉ còn là một khu đất đầm lầy, đầy cỏ dại. Bên trên bề mặt chỉ có các loại cỏ dại, bèo tây mới sống được, đủ các loại rác thải nổi lềnh bềnh xen lẫn cỏ cây. Bên dưới là một màu nước đen ngòm, có chỗ đóng váng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều hộ dân sống gần khu đất ruộng này không sao chịu nổi, khổ nhất là nhiều hộ dân ở cuối chiều gió vào mùa nắng dù ở trong nhà đóng kín cửa vẫn phải bịt khẩu trang.
“Những hôm trời nắng dù gia đình tôi đã đóng kín cửa, ở trong nhà vẫn phải bịt khẩu trang mới thở được. Không khí, nước thải ô nhiễm người dân chúng thôi thường xuyên mắc phải các bệnh về mắt, hô hấp và ngoài da. Không còn cách nào khác nên nhiều năm rồi phải sống chung với lũ” – bà Hạnh sống gần đây bức xúc.
Sở Tài nguyên – Môi trường Thanh Hóa cũng đã có kết luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gần 60h đất nông nghiệp của người dân xã Quảng Thịnh bị ô nhiễm, bỏ hoang chính là do nước thải từ 6 bệnh viện tuyến tỉnh xả thải trực tiếp. Theo đó, qua kết quả phân tích chất lượng nước thải từ các bệnh viện ra môi trường từ năm 2012 – 2015 của Sở TNMT Thanh Hóa cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép.
Cống nước thải từ các bệnh viện, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý chảy thẳng xuống ruộng
Sau nhiều năm bị ô nhiễm, không thể sản xuất, hiện khu đất này hiện đã nằm trong quy hoạch đất sử dụng của thành phố Thanh Hóa đến năm 2020. Kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 – 2015) đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 và khu đất đã được quy hoạch là khu đất câu xanh, văn hóa, mặt hồ, trụ sở, y tế, và đất ở. Trong đó, phần đất y tế đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho công ty CP đầu tư y tế Tâm An thực hiện dự án Bệnh viện Đa khoa Tâm An và công ty cổ phần Bình Tâm thực hiện dự án bệnh viện mắt Bình Tâm với diện tích 4,7ha. Phần đất canh tác bị ô nhiễm có diện tích khoảng 6 – 7 ha.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí, đến thời điểm này chưa có dự án, công trình nào được triển khai xây dựng trên diện tích đất này. Gần 60ha đất bị bỏ hoang giữa thành phố cỏ dại, bèo tây vẫn mọc um tùm. Nước thải từ các bệnh viện vẫn ngày đêm xả thải ra ra khiến cho khu vực này vốn đã ô nhiễm lại càng bị ô nhiễm nặng hơn. Hàng ngày, người dân sống xung quanh khu vực này vẫn phải chịu ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nơi đây.
Bên trên cây cỏ mọc um tùm, bên dưới nước thải từ các bệnh viện vẫn chảy ra hàng ngày làm cho khu vực đất nông nghiệp này ngày càng ô nhiễm nặng hơn
Qua các cuộc kiểm tra đánh giá mức độ xả thải của các bệnh viện, Sở TNMT Thanh Hóa đã đề nghị các bệnh viện khắc phục hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm đưa vào hoạt động hồ chứa và xử lý nước thải của thành phố Thanh Hóa (cách các bệnh viện nói trên hơn 1km) để thu gom nước thải từ các bệnh viện nói trên, tránh tình trạng xả thải trực tiếp ra khu vực đất sản xuất này.
Trong kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI (nhiệm kỳ 2011 – 2015), ông Lưu Trọng Quang – Phó Giám đốc Sở TNMT Thanh Hóa đã có báo cáo chỉ rõ trách nhiệm của các ngành liên quan đến việc này. Ngoài Sở TNMT có trách nhiệm về việc lập kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các bệnh viện; thông qua các đợt kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các quy định về thu gom, phân loại chất thải….
Sở Y tế Thanh Hóa cũng có trách nhiệm là chưa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các bệnh viện khẩn trương khắc phục, cải tạo, sửa chữa, xây dựng hệ thống xử lý nước thải để tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động y tế kéo dài dẫn đến đến nay việc khắc phục ô nhiễm, cải tạo, phục hồi khu vực ô nhiễm rất khó khăn tốn kém…
Không chỉ là nơi tập chung nước, rác thải từ các bệnh viện. Khu đất này còn là nơi chứa đựng nhiều chất thải sinh hoạt, chắt thải rắn do người dân đem đến đổ
Nước đen ngòm từ các bệnh viện đang được xả thải ra "túi" đựng nước thải là đất sản xuất nông nghiệp của người dân
Sở TNMT Thanh Hóa đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Ban Quản lý dự án phát triển toàn diện thành phố Thanh Hóa khẩn trương hoàn chỉnh, đưa vào vận hành hệ thống thu gom xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực. Các bệnh viện tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải tập chung theo đúng quy trình kỹ thuật và chỉ được xả thải ra môi trường khi đạt quy chuẩn cho phép….
Thứ Hai, 28/12/2015 - 15:29
Thái Bá
No comments:
Post a Comment