Monday, December 28, 2015

Xuất cảng nỗi bất an - Hiện tượng mất ổn định đang được toàn cầu hóa

Theo Người Việt-12-28- 2015 1:19:17 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Mục “Kinh tế cũng là Chính trị” được mở ra trên cột báo này từ năm năm trước, với chủ đích dễ hiểu: Kinh tế và chính trị là hai mặt của một đồng tiền. Từ nguyên thủy, hơn 200 năm rồi - và trước Marx - người ta có một từ duy nhất về môn kinh tế học, là “kinh tế chính trị học.”

Trong một bài cuối năm, chúng ta minh diễn chuyện này để nhìn vào một chiều hướng sắp tới.

Giới kinh tế thường lý luận rằng tự do thương mại, việc buôn bán với tối thiểu hạn chế, là điều có lợi cho mọi người và mọi quốc gia vì bên nào cũng tận dụng “lợi thế tương đối” của ta để sản xuất và bán ra mặt hàng sở trường, nhờ đó mua vào nhiều mặt hàng khác mà ta không có, hoặc muốn có thì tốn kém hơn. Cho nên về dài thì ai cũng có lợi. Nhưng, như kinh tế gia thời danh của thế kỷ 20 là John Maynard Keynes đã nói, rằng “về dài thì ai cũng chết,” nên có thể chết trước khi thấy ra mối lợi! Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn...

Chuyện kia là trong quan hệ mua bán, xứ nào cũng muốn bán tối đa và mua tối thiểu để bảo vệ một số khu vực của mình khỏi bị cạnh tranh vì kém sức cạnh tranh. Mỹ, Tầu, Anh, Đức, hay Nhật đều có khuynh hướng bất minh đó, mà lại được giới chính trị gia cho là sáng suốt và được truyền thông u tối ngợi ca. Hãy nhìn vào cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về Hiệp Ước TPP thì rõ.

Kinh tế không là kinh doanh. Mà là “kinh bang tế thế,” một khái niệm Nhật Bản xuất hiện từ thời Minh Trị Thiên Hoàng canh tân xứ sở vào cuối thế kỷ 19. Kinh tế có “bang” có “thế,” là chính trị quốc gia rồi toàn cầu, với sự tham gia của các chính khách, dù chưa chắc thành phần này đã hiểu rõ quy luật kinh doanh và kinh tế trong luồng giao dịch với cả thế giới.

Từ vài khái niệm trừu tượng ấy, xin đi vào thực tế của giao dịch giữa các nước: Ngoại thương hay xuất nhập cảng. Và xin chọn một thời điểm gần cho dễ nhớ.

Khi mở tấm lịch 2008, chúng ta chưa biết kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng Mười Hai năm 2007. Lý do dễ hiểu. Đà gia tăng sản lượng phải giảm trong hai quý liền thì mới gọi là “suy trầm,” recession, nên ta biết sớm lắm là sáu tháng sau. Trước đó thì chỉ có thể dự đoán. Năm đó, chúng ta cũng chưa để ý là cuối năm 2007, một số ngân hàng Anh Pháp bị rúng động vì các nghiệp vụ đầu tư trên thị trường Hoa Kỳ. Đến Tháng Ba 2008, khi tổ hợp đầu tư Bear Sterns sụp đổ, ta cũng chửa hay. Mãi tới Tháng Chín thì hốt hoảng vì vụ Lehman Brothers vỡ nợ.

Khủng hoảng tài chánh dẫn đến nạn tổng suy trầm 2008-2009. Toàn cầu bị suy trầm.

Tổng suy trầm làm các nền kinh tế Âu-Mỹ xưa nay vẫn tiêu thụ nhiều đều phải tiết kiệm, khiến các đại gia xuất cảng điêu đứng, là trường hợp Trung Quốc, nền kinh tế đã vượt Đức và sắp bắt kịp Nhật để ngoi lên hạng nhì thế giới. Đi sau Nhật vài chục năm, Trung Quốc vừa trám vào vị trí của một đại gia xuất cảng hàng rẻ nhờ lương thấp để có tốc độ tăng trưởng cao. Khi tiêu thụ của thiên hạ bị giảm vì tổng suy trầm, nền kinh tế hướng vào xuất cảng của các đấng con trời bị sụp. Họ cố bơm tiền để giữ đà tăng trưởng và kiềm hãm thất nghiệp. Cuối cùng thì chất lên một núi nợ sắp như đất truồi.

Năm 2016 sẽ thấy ra hậu quả kinh hoàng của những gì manh nha từ đầu năm 2008. Mà ta không biết! Vì ta không biết nên giới chính trị gia mới có dịp nói láo để bảo vệ các khu vực kém sức cạnh tranh.

Bây giờ, xin hãy lùi một chút để nhìn vào toàn cảnh.

Thế giới có loại quốc gia sống nhờ xuất cảng, đo lường ở tỉ lệ xuất cảng trong tổng sản lượng GDP. Đứng hàng tiên tiến là Đức và Nam Hàn, với tỉ lệ gần và hơn 50% GDP, nhưng tiên tiến vì xuất cảng mặt hàng có giá trị cao, như xe hơi hay hàng hóa loại siêu kỹ thuật. Đứng hàng chậm tiến là Trung Quốc hay Nga, với tỉ lệ gần 25 hay 30% GDP, mà chậm tiến vì bán hàng Tầu rẻ tiền, hoặc nạn nguyên nhiên vật liệu bị tuột giá là nỗi buồn Nga La Tư.

Trong bối cảnh kinh tế chính trị ấy, có hai vị nữ lưu đang hốc hác là Thủ Tướng Angela Merkel của Đức và Tổng Thống Phác Cận Huệ của Đại Hàn.

Kinh tế Đức lệ thuộc vào xuất cảng nên trước tiên lệ thuộc vào sự trọn vẹn của đồng Euro và khối Liên Âu. Vì vậy, bà Merkel chịu nhiều tổn thất chính trị từ vụ khủng hoảng của Hy Lạp và nạn di dân Trung Đông đang gây rạn nứt cho khối Liên Âu. Xưa nay, Đức xây dựng sức mạnh kinh tế nhờ tiết kiệm cao và xuất cảng nhiều. Sau Thế Chiến II còn tăng cường chiều hướng ấy và mong là tự do ngoại thương của Âu Châu sẽ đem lại thịnh vượng và hòa bình cho toàn khối. Ngày nay, những yếu tố ấy đang bị rạn nứt, tiêu hao và có thể chấm dứt.

Tuần qua, Tổng Thống Phác Cận Huệ vừa có một phiên họp khẩn cấp, với tâm lý khủng hoảng.

Kinh tế Nam Hàn lệ thuộc vào xuất cảng đến hơn 50%, phân nửa là xuất cảng vào Trung Quốc. Khi nền kinh tế của Tập Cận Bình bắt đầu ngáp ngáp thì ưu thế xuất cảng của Nam Hàn bỗng khắc khoải. Vì vậy, Nam Hàn đánh giá cục diện quân sự Đông Hải khác với các nước Đông Á. Không nên chống Tầu quá mạnh mà bể mất hũ kim chi rồi bị biến động xã hội và chính trị ở nhà!

Từ quan hệ Hàn-Hoa, ta còn thấy ra một chuyện nhức đầu cho năm 2016.

Trung Quốc bị khủng hoảng kinh tế vì thế giới nhập cảng ít hơn và chê hàng Tầu. Khi kinh tế xứ này sa sút thì các nước bán hàng cho Tầu đều bị thiệt hại, là nỗi niềm Phác Cận Huệ. Lãnh đạo Bắc Kinh cứ mong là kinh tế Âu-Mỹ sẽ phục hồi để sẽ lại nhập cảng hàng Trung Quốc. Lãnh đạo Nam Hàn, Úc hay các nước bán dầu tại Trung Đông cũng mong kinh tế Hoa lục phục hồi để sẽ lại mua hàng của họ. Những chuyện ấy không xảy ra.
Một ngoại lệ là trường hợp Nhật Bản.

Từng là một đại gia đầu tư rất mạnh và xuất cảng rất nhiều, nước Nhật đã được ngợi khen - như Trung Quốc sau này - là nền kinh tế sẽ vượt Mỹ mà mua đứt tài sản của nước Mỹ. Sau đó là bảy lần truy trầm trong 25 năm và hàng tuần thiên hạ cứ đọc cáo phó kinh tế của Nhật. Thật ra, Nhật Bản đã đổi thay, chỉ lệ thuộc vào xuất cảng có 16% GDP và đang ra sức nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa. Trung Quốc cũng muốn như vậy mà chưa xong.
Nhật đang mở đầu một trào lưu mới, của cả thế giới, là có đà tăng trưởng thấp hơn, nhưng khác thế giới là vẫn có ổn định xã hội ở bên trong. Đi rất sớm, Nhật Bản sẽ tìm ra một mô hình phát triển mới để trở thành cường quốc đích thực và có ảnh hưởng tại Đông Á.

Trong cõi đa mang ấy, Hoa Kỳ mới là đại gia chiến lược vì chỉ xuất cảng chừng 13,5% GDP và nhập cảng có 12% của tổng số tiêu thụ. Là đại gia vì chẳng rơi vào cảnh ngộ “không xuất cảng thì chết,” và chiến lược vì dù chỉ nhập có 12% số tiêu thụ thì lại nuôi sống các nước. Nói nôm na cho dễ ghét thì thiên hạ cần Mỹ chứ Mỹ chẳng cần ai!

Hoa Kỳ không chỉ là siêu cường nhờ khả năng quân sự mà còn nhờ sức mạnh kinh tế là có thể gây điêu đứng cho xứ khác. Gây điêu đứng trong đàm phán về ngoại thương là một thí dụ.

Tổng kết lại, các quốc gia sở trường về xuất cảng đang xuất cảng sự bất an. Bất an nhất là tình hình đại lục Âu-Á, từ Âu Châu qua Liên bang Nga tới Trung Quốc. Từ kinh tế chính trị mà nhìn ra địa hạt khác thì mâu thuẫn giữa các nước xuất cảng và nhập cảng sẽ chi phối quan hệ quốc tế, và có thể giải thích nhiều mâu thuẫn và khủng hoảng.

Nhưng một số quốc gia mới nổi trong khu vực lại có hy vọng thay thế vai trò công xưởng của Trung Quốc để sản xuất mặt hàng dệt sợi hay điện thoại cao cấp và bán cho xứ khác. Họ cần đầu tư và kỹ thuật của Nam Hàn, Nhật Bản hay Hoa Kỳ nếu biết cải cách cơ chế để đạt hiệu suất cao hơn. Hơn 40 năm trước, chúng ta đã thấy một lần đổi thay như vậy, khi ấy chẳng mấy ai muốn đầu tư vào thị trường của Mao Trạch Đông. Ngày nay, ở giữa tình trạng mất ổn định toàn cầu, các nước đang phát triển cũng có hy vọng tương tự.

Việt Nam đã thấy ra chưa?

No comments:

Post a Comment