Theo BBC-2 giờ trước
Phiên tòa xử Dương Thanh Cường và các đồng phạm theo dự kiến lẽ ra tuyên án chiều 4/11, nhưng việc ra phán quyết đã được lui lại một hôm.
Vụ xử của Tòa án TPHCM liên quan vụ ông Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh 6 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Là một trong tám vụ 'đại án' được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng yêu cầu xét xử sơ thẩm trước Đại hội Đảng lần thứ 12, đây cũng là một trong những vụ có tổng số tiền bị cho là thất thoát lớn nhất, lên tới 966 tỷ đồng.
Bắt đầu từ hôm 22/10 và trải qua nhiều ngày xét hỏi, tranh luận và luận tội, các bị cáo đã nói lời sau cùng trước tòa hôm 30/10.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử hôm 4/11 cho rằng "cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Agribank Việt Nam" nên đã quyết định tiếp tục tiến hành xét hỏi, trang VnExpress.net nói.
Phía công tố nói bị cáo Dương Thanh Cường đã có hai đợt làm thủ tục vay tiền của Agribank chi nhánh 6, với khoản vay lần lượt là 170 tỷ đồng và 628 tỷ đồng.
Khoản 628 tỷ nhằm thực hiện dự án Khu biệt thự vườn Thanh Phát ở huyện Bình Chánh, một dự án do Công ty Thanh Phát cũng của bị cáo Cường thực hiện. Khoản vay này được thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ba lô đất tại các quận 12 và quận 8, cùng 23 lô đất tại Bình Chánh.
Cho vay dễ dãi
Liên quan tới dự án Thanh Phát, những gì thể hiện trong cáo trạng cho thấy Dương Thanh Cường đã có cú 'làm ăn' tuyệt chiêu: dựng dự án và vay tiền từ con số 0 bằng cách đi vay để lấy tiền mua đất làm dự án, và dùng chính 23 lô đất đó làm tài sản thế chấp cho ngân hàng cho vay, Agribank chi nhánh 6.
Theo kết quả giám định, vào thời điểm 2007, 23 lô đất ở Bình Chánh cùng hai lô đất ở TP Hồ Chí Minh được định giá khoảng 163 tỷ.
Tổng 25 lô đất trên vào thời điểm ra cáo trạng, tháng 9/2014, được cơ quan giám định định giá là khoảng 262,5 tỷ đồng.
Cả hai số liệu trên đều chênh lệch đáng kể so với số tiền mà Agribank chi nhánh 6 cho vay.
Nếu trị giá tài sản mà các cơ quan giám định đưa ra có thể coi là có độ chính xác nhất định, và có thể tin cậy được, thì chúng cho thấy dường như có lỗ hổng to lớn trong hệ thống thẩm định hồ sơ và xét duyệt hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng Việt Nam, với nguyên tắc giá trị các tài sản thế chấp phải bằng hoặc lớn hơn giá trị khoản vay đã không được tuân thủ.
Chưa kể tài sản đem đi thế chấp thực ra chỉ có được sau khi ngân hàng đã cho vay, và được mua bằng chính khoản vay đó.
Tám đại án và 'hố đen' hút tiền vay ngân hàng
Trong số tám vụ án trọng điểm, ba vụ khác có mức tổn thất to lớn cũng đều liên quan tới việc vay vốn ngân hàng.
Đứng đầu là vụ Phạm Thị Bích Lượng và các quan chức ngân hàng gây thiệt hại cho Agribank Nam Hà Nội 2.755 tỷ đồng
Trong vụ Lâm Ngọc Khuân, Công ty Thủy sản Phương Nam vay được 800 tỷ đồng nhờ vào hồ sơ khống.
Ở vụ Phạm Văn Cử, Agribank chi nhánh 7 bị thất thoát 600 tỷ, cũng với lý do tương tự như vụ Dương Thanh Cường là không kiểm soát chặt việc sử dụng vốn và cho vay với khoản vay lớn hơn giá trị tài sản thế chấp.
Đứng kế tiếp, nếu tính về giá trị tài sản có liên quan, là vụ Vũ Quốc Hảo tham nhũng, 130 tỷ đồng, vụ Trần Quốc Đông và một số cán bộ đường sắt nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật JTC, vụ Nguyễn Thế Dũng buôn lậu dầu khí, 22 tỷ đồng, và vụ án Lê Hùng Sơn cùng các nghi phạm khác.
Các vụ án trên đều được giao cho Đảng ủy Công an Trung ương và ban cán sự Đảng của Viện Kiểm sát Tối cao và của Tòa án Tối cao chỉ đạo các cơ quan cấp dưới "đẩy nhanh tiến độ", theo trang Lao Động.
No comments:
Post a Comment