Theo BBC-1 giờ trước
Một cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC ông hy vọng Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Tô Lâm 'sẽ giữ lời' điều tra nếu có chuyện công an 'trà trộn đánh dân và blogger'.
Trao đổi với BBC hôm 04/11/2015 nhân vụ hai luật sư tham gia vụ án Đỗ Đăng Dư bị hành hung, tấn công ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:
"Luật sư mà bị tấn công thì đó là một chuyện rất không bình thường và vừa qua tôi cũng đã nói chuyện với ông Tô Lâm, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, thì tôi cũng than phiền là có một số người, các blogger bị có người chặn đánh.
"Người ta nghi vấn đó là công an, người ta nói cái đó không tốt cho công an.
"Ông Tô Lâm nói là nếu mà có những sự kiện đó xảy ra thì báo công an, thì công an sẽ điều tra ra và được xử lý.
"Tuy rằng đây là một cuộc nói chuyện riêng với ông Tô Lâm, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng tôi cho rằng lời nói đó chắc ông cũng phải giữ lời.
"Và đây cũng là một sự kiện thách thức cho những lời nói của ông, đối với tôi, cũng là một luật sư, trong cuộc gặp vừa qua," Luật sư Trần Quốc Thuận nói.
Lời nói ngụy biện?
Trở lại vụ việc hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân hôm thứ Ba bị hành hung khi tới nhà của mẹ vị thành niên Đỗ Đăng Dư để làm việc, hôm thứ Tư, báo chí Việt Nam trích dẫn lời của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nêu quan điểm về vụ việc:
"Có một vấn đề ở đây là tình hình ở Chương Mỹ rất phức tạp, khi mọi người đến thì cũng nên thông báo để cho cơ quan công an có phương án bảo vệ.
"Đây là trách nhiệm của công an phải bảo đảm an ninh trật tự chứ đừng chủ động vào."
Bình luận về phát ngôn này của tân Phó Bí thư Thành ủy kiêm lãnh đạo Công an Hà Nội, luật sư Trần Quốc Thuận nói:
"Cái việc mà bảo rằng đi làm cái gì đó cũng báo cho công an, thì đó là một lời nói ngụy biện và cũng không có tiền lệ đi tới đâu cũng báo công an, công an sẵn sàng bảo vệ, cái chuyện đó không có."
Luật sư Trần Quốc Thuận nói tiếp:
"Câu đó công an không thể nói được, vì tình hình có phức tạp thì mới có công an, công an sinh ra để giải quyết cái phức tạp, còn nói đi đâu cũng có thể bị người ta đánh, đi đâu cũng có thể bị người ta tấn công, thì trật tự công an, trật tự thế sao gọi là trật tự an toàn xã hội được?"
"Còn công an thì ăn lương để làm gì? Phải giữ trật tự, nơi nào mà có bất an thì công an phải đến đó mà giải quyết, chứ còn ai đi vào chỗ nào, chỗ kia mà biết chỗ nào là bất an, chỗ nào là không bất an," Luật sư Thuận nói với BBC từ Sài Gòn qua điện thoại hôm 4/11.
No comments:
Post a Comment