Theo BBC-29 tháng 10 2015
Việt Nam đứng thứ nhì châu Á, chỉ sau Trung Quốc trong bảng xếp hạng về mức độ thiếu tự do trên mạng Internet, theo Tổ chức Freedom House trong báo cáo năm 2015.
Cùng thời gian, một số ý kiến của giới chức tại Việt Nam cũng thừa nhận cần làm rõ quyền 'tự do báo chí cho công dân'.
Bảng xếp hạng của Freedom House đánh giá các nước theo tiêu chuẩn từ 0 đến 100 với 0 là tự do nhất, không có hạn chế, còn 100 là hà khắc nhất.
Freedom House, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhìn vào ba tiêu chuẩn:
A. Ngăn chặn tiếp cận mạng Internet. B. Hạn chế nội dung. C. Vi phạm quyền của người dùng mạng.
Trong mục B có nói đến các hiện tượng như ngăn chặn trang tin tức, kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, dùng thủ đoạn sửa tin tức, hạn chế tính đa dạng của nội dung tin trên mạng.
Các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm cấm đoán các hoạt động dùng công nghệ kỹ thuật số để vận động xã hội và chính trị qua mạng cũng được xếp vào mục này.
Tại châu Á, Nhật Bản được 22 điểm, đứng cao nhất về tự do Internet, còn Trung Quốc đứng cuối bảng (88 điểm).
Việt Nam (76 điểm), chỉ đứng sau Trung Quốc tại châu Á.
Hàng nghìn nhà báo
Chính quyền Việt Nam thường bác bỏ các chỉ trích liên quan đến tự do báo chí các tổ chức nước ngoài nêu ra.
Một báo cáo tương tự hồi 2012 của Freedom House bị bác bỏ là "thiếu thiện chí bịa đặt, xuyên tạc, cho rằng Việt Nam 'bóp nghẹt' tự do ngôn luận, tự do báo chí, hạn chế và ngăn cấm sử dụng mạng internet", theo trang VOV của chính phủ.
Bài báo cũng nói Việt Nam, cho đến thời điểm đó có "17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề... hàng nghìn phóng viên khác đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn được cấp thẻ nhà báo; 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm, 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và cấp tỉnh..."
"Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin rất mạnh, trong đó Internet đã về tận thôn bản. Điều này đã được các nước trên thế giới thừa nhận."
Nhưng gần đây, một cuộc thảo luận nhằm thúc đẩy hệ thống luật pháp ở Việt Nam làm rõ hơn về tự tự do báo chí đã nêu ra nhu cầu nhìn nhận rộng hơn về 'quyền tự do báo chí cho công dân'.
Một số chuyên gia trong nước đã thừa nhận dự luật báo chí đang bàn thảo "phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân".
Và "đây là bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu", theo GS Đào Trọng Thi từ Việt Nam được trang Người Lao Động trích thuật hôm 17/09/2015.
Giới chức Việt Nam cũng nêu rằng "cơ quan quản lý cần tránh can thiệp quá sâu vào báo chí".
No comments:
Post a Comment