Thursday, October 29, 2015

Số liệu ngành công an làm oan sai là bao nhiêu?

V.V.THÀNH- 29/10/2015 08:36
TT - Đề cập đến các trường hợp oan sai, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói báo cáo của Chính phủ không đề cập số bị can ngành công an đình chỉ điều tra do oan sai.
Đại biểu HUỲNH NGHĨA (Đà Nẵng)
Đại biểu HUỲNH NGHĨA (Đà Nẵng)
Báo cáo chỉ nêu đã xử lý 26 điều tra viên, trong đó truy tố hai điều tra viên để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình. 
“Vậy số liệu ngành công an làm oan sai là bao nhiêu? Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung rất quan trọng này cho Quốc hội biết để giám sát” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, chỉ tính hai ngành tòa án, kiểm sát, mặc dù có nhiều cố gắng, đề ra nhiều biện pháp chống oan sai nhưng vẫn còn làm oan 76 người. Nhưng các báo cáo của hai ngành này đều không đề cập việc xử lý trách nhiệm kiểm sát viên và thẩm phán đã gây ra oan sai.
“Đề nghị lãnh đạo hai ngành báo cáo vấn đề này cho Quốc hội và nhân dân biết. Có như vậy mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì trong xã hội” - ông Nghĩa nêu vấn đề.
Ông Nghĩa nhấn mạnh việc bồi thường, bồi hoàn do oan sai là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định “người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Nhưng sáu năm qua chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai tổ chức thi hành nghiêm túc quy định này, mặc dù rất nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội có ý kiến.
Báo cáo của Chính phủ chỉ đề cập năm nay, các bộ, ngành, địa phương thụ lý, giải quyết xong 42/94 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 16,5 tỉ đồng, hoàn toàn không nói gì đến trách nhiệm bồi hoàn của người thi hành công vụ.
Đây là tình trạng không chấp hành nghiêm pháp luật, diễn ra trong thời gian dài của các cơ quan nhà nước, mà không ai khác chính là người trực tiếp và người đứng đầu các cơ quan nhà nước đã gây ra oan sai cho nhân dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng tới đây sau khi có Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, cần cải cách toàn diện hệ thống tư pháp.
Khi đã phát hiện dấu hiệu oan sai, đề nghị áp dụng nguyên tắc sau đây: việc điều tra, truy tố, xét xử lại nên giao cho người khác, cơ quan khác không chịu ảnh hưởng, tác động của người cũ, cơ quan cũ, hoặc giao cho cấp cao hơn; phải theo quy trình đặc biệt, phải nhanh có kết luận. 

No comments:

Post a Comment