SÀI GÒN (NV) - Cho đến thời điểm này, thành phố Sài Gòn thừa nhận, số lượng công trình chống ngập được đầu tư thời gian qua mới đáp ứng 10% nhu cầu, trong khi cả trăm ngàn tỷ đồng đã được đổ vào.
Ngày 28 Tháng Mười, báo Tuổi Trẻ dẫn tin trong cuộc họp “Giám sát về thực hiện giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn thành phố Sài Gòn” ngày 27 Tháng Mười, giải thích vì sao thành phố đã đầu tư nhiều công trình chống ngập nhưng ngập nước vẫn là bất bình và nỗi lo của người dân.
Người dân Sài Gòn còn khổ dài dài và phải lội nước ngập sau những cơn mưa lớn hoặc triều cường. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, cho rằng: “Số lượng công trình chống ngập được đầu tư thời gian qua mới đáp ứng 10% nhu cầu. Ngoài ra, cùng với sự biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập là công tác quản lý nhà nước về chống ngập và ý thức người dân còn kém.”
Về các giải pháp chống ngập thời gian tới, ông Tín cho biết, thành phố sẽ tập trung vào việc nạo vét, chỉnh trang kênh rạch như Xuyên Tâm và Tham Lương-Bến Cát đồng bộ với việc cải tạo xây mới hệ thống cống thoát nước. Song song đó là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và triển khai xây dựng chín cống kiểm soát triều cùng hệ thống hơn 85 cây số đê bao theo quy hoạch đã được chính phủ phê duyệt, với tổng vốn đầu tư ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nghe các đơn vị phúc trình tiến độ thực hiện ba hồ điều tiết chống ngập là Gò Dưa, quận Thủ Ðức; Khánh Hội, quận 4; và Bàu Cát, quận Tân Bình; ông Huỳnh Công Hùng, ủy viên thường trực hội đồng thành phố, nhận định: “Với mức đầu tư trên khoảng 1,300 tỷ đồng, nhưng làm không đồng bộ, thiết kế hệ thống thu gom nước mưa dẫn về hồ chưa có, giải tỏa đền bù chưa xong,... thì đến năm 2020 có hồ điều tiết là không có cơ sở, không khéo các hồ này trở thành hồ chứa nước thải.”
Trong lúc chính quyền bàn cãi, thì từ chiều 27 đến hết ngày 28 Tháng Mười, hàng loạt khu vực tại thành phố Sài Gòn bị ảnh hưởng triều cường, người dân phải lội nước về nhà. Khu vực ngập sâu thuộc các quận, huyện như: 8, 2, Thủ Ðức, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè,... có nơi nước tràn vào nhà người dân như lũ lụt. Còn các tuyến cống thoát nước chống ngập ở trung tâm thành phố, mực nước dâng lên gần mặt đường. (Tr.N)
10-28- 2015 4:29:16 PM
No comments:
Post a Comment